
Tòa nhà bị phá hủy trong trận động đất kinh hoàng ở Mandalay, Myanmar, ngày 28/3/2025. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)
Theo báo cáo cuối ngày 29/3 từ giới chức Myanmar, số nạn nhân thiệt mạng trong trận động đất mạnh xảy ra tại nước này vào trưa 28/3 tại nước này đã tăng lên 1.644 người, gần 2.400 người bị thương.
Hiện lực lượng cứu hộ vẫn đang nỗ lực tìm kiếm 30 người mất tích tại thành phố Mandalay, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Các chuyên gia cảnh báo rằng Myanmar có thể còn phải đối mặt với nhiều trận động đất và dư chấn mạnh trong thời gian tới. Các mô hình dự báo thảm họa cho thấy con số thương vong có thể lên đến hàng chục nghìn người.
Những con số báo cáo nêu trên chỉ là sơ bộ khi hệ thống liên lạc tại nhiều địa phương bị tê liệt do cơ sở hạ tầng bị phá hủy hoàn toàn trong thảm họa động đất.
Chịu ảnh hưởng của trận động đất này, thủ đô Bangkok của Thái Lan, cách tâm chấn hơn 1.000km, đã xác nhận có 10 người thiệt mạng, trong đó phần lớn nạn nhân là công nhân bị chôn vùi trong đống đổ nát của tòa nhà cao 30 tầng đang được xây dựng bị đổ sập.
Báo cáo của Cục Phòng ngừa và giảm nhẹ thiên tai (DDPM) của Thái Lan chiều 29/3 cho thấy Thái Lan ghi nhận thiệt hại tại 13 tỉnh và nước này cũng đang nhanh chóng triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân tại khu vực bị ảnh hưởng.
Thái Lan ghi nhận hiện tượng rung lắc tại 57 tỉnh trải dài từ Bắc đến Nam, trong đó có vùng đô thị Bangkok ở miền Trung. Cơ quan chức năng nước này ghi nhận tổng cộng có 56 dư chấn có cường độ từ 2,8 đến 7,1.
Trước những khó khăn mà Myanmar đang gặp phải trong công tác tìm kiếm, cứu chữa người bị thương và cứu trợ người dân bị ảnh hưởng, cộng đồng quốc tế đã nhanh chóng triển khai hoạt động cứu trợ và đưa ra cam kết hỗ trợ cả về nhân lực, tài chính và nhu yếu phẩm.
Ngày 29/3, Trung Quốc đã gửi đội cứu hộ gồm 82 người tới. Ngoài ra, một đội cứu hộ khác từ tỉnh Vân Nam cũng đã có mặt tại thành phố Yangon của Myanmar.
Theo Cơ quan Hỗ trợ quốc tế của Trung Quốc, Bắc Kinh cam kết hỗ trợ 100 triệu Nhân dân tệ (NDT - 13,8 triệu USD) dưới dạng viện trợ nhân đạo khẩn cấp, với các chuyến hàng cứu trợ bắt đầu được gửi đi từ ngày 31/3. Cùng ngày, Hong Kong (Trung Quốc) đã cử 51 nhân viên cứu hộ, hai chó nghiệp vụ và chuyển 9 tấn thiết bị đến Myanmar.
Một chuyến bay viện trợ của Ấn Độ đã hạ cánh xuống Myanmar. Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar cho biết máy bay vận tải quân sự C-130 đã chở theo các bộ dụng cụ vệ sinh, chăn màn, lương thực và các nhu yếu phẩm khác.
Ngoài hàng hóa, Ấn Độ cũng đã cử một đội tìm kiếm cứu nạn và đội y tế cùng sang Myanmar trên chuyến bay này. Ông cho biết Ấn Độ sẽ theo dõi tình hình để có cứu trợ kịp thời.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang huy động trung tâm hậu cần tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất) để chuẩn bị vật tư y tế cấp cứu cho nạn nhân động đất. WHO cũng đã kích hoạt cơ chế phản ứng khẩn cấp và đang điều phối công tác cứu trợ từ trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ).
Liên minh châu Âu (EU) công bố khoản viện trợ khẩn cấp 2,5 triệu Euro (2,7 triệu USD), Malaysia, Hàn Quốc và New Zealand cũng đã công bố hỗ trợ Myanmar về nhân sự và viện trợ nhu yếu phẩm cần thiết.