Động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và những thảm họa thiên nhiên khủng khiếp nhất thế kỷ

08-02-2023 17:46 | Quốc tế
google news

SKĐS - Được coi là một trong những trận động đất mạnh nhất thế kỷ, thảm họa vừa xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ, nơi hai mảng kiến tạo địa chất khổng lồ Á-Âu và Ả Rập gặp nhau dọc theo rãnh đứt gãy đã gây ra hậu quả thảm khốc khiến hàng nghìn người thiệt mạng.

Lý giải địa chấn: Tại sao thảm họa động đất Thổ Nhĩ Kỳ-Syria có sức tàn phá lớn đến vậy?Lý giải địa chấn: Tại sao thảm họa động đất Thổ Nhĩ Kỳ-Syria có sức tàn phá lớn đến vậy?

SKĐS - Thảm họa vừa diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria có thể là một trong những trận động đất chết chóc nhất thập kỷ này.

Đã có gần 10.000 người thiệt mạng

Tới nay, số người thiệt mạng ở cả hai quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ và Syria do trận động đất vừa qua đã lên tới gần 10.000 người, hàng chục nghìn người khác bị thương.

Hàng nghìn tòa nhà bị sập ở cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Đồng thời, các cơ quan viện trợ đang cảnh báo về những hậu quả "thảm khốc" ở tây bắc Syria, nơi hàng triệu người dễ bị tổn thương và phải di tản đang dựa vào sự hỗ trợ nhân đạo.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo số người thiệt mạng do thảm họa động đất vừa qua sẽ có thể vượt qua 20.000 người, dựa theo quy mô cũng như mức độ tàn phá của nó. Do động đất xảy ra ở những thành phố đông dân cư và dư chấn trải qua trên phạm vi vài trăm km, kèm theo nhiều tòa nhà không có thiết kế chống động đất nên con số thương vong lớn.

So sánh trận động đất Thổ Nhĩ Kỳ với những thảm họa thiên nhiên khủng khiếp nhất thế kỷ - Ảnh 1.

Tính đến ngày 8/2, đã có gần 10.000 người thiệt mạng do trận động đất rung chuyển Thổ Nhĩ Kỳ và Syria cách đây hai hôm.

Một trong những trận động đất mạnh nhất trong 100 năm qua làm rung chuyển khu vực vào khoảng 4h sáng ngày thứ Hai (6/2) gây rung chấn phạm vi 23km ở đông Nurdagi (tỉnh Gaziantep, Thổ Nhĩ Kỳ), ở độ sâu 24,1 km, theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS).

Một loạt dư chấn diễn ra sau đó khắp khu vực trong vài giờ đồng hồ ngay sau sự cố ban đầu. Theo USGS, một cơn dư chấn mạnh 6,7 độ richter xảy ra 11 phút sau trận động đất đầu tiên, nhưng dư chấn lớn nhất đo được 7,5 độ richter xảy ra khoảng 9 giờ sau đó vào lúc 13h24.

Dư chấn mạnh 7,5 độ richter, xảy ra cách trận động đất ban đầu khoảng 95 km về phía bắc, là dư chấn mạnh nhất trong số hơn 100 dư chấn do trận động đất này tạo ra đã được ghi nhận cho đến nay.

Lực lượng cứu hộ hiện đang chạy đua với thời gian và thời tiết băng tuyết giá lạnh để kéo những người sống sót ra khỏi đống đổ nát ở cả hai bên biên giới. Hơn 5.700 tòa nhà ở Thổ Nhĩ Kỳ đã bị sập, theo cơ quan thảm họa của nước này.

Theo USGS, trận động đất hôm thứ Hai cũng là một trong những trận động đất mạnh nhất mà Thổ Nhĩ Kỳ từng trải qua trong thế kỷ qua. Một trận động đất mạnh 7,8 độ richter từng xảy ra ở phía đông nước này vào năm 1939, khiến hơn 30.000 người thiệt mạng.

Tại sao động đất xảy ra?

Động đất xảy ra ở mọi châu lục trên thế giới – từ những đỉnh núi cao nhất trong dãy núi Himalaya đến những thung lũng thấp nhất, như Biển Chết, và những vùng lạnh giá ở Nam Cực. Tuy nhiên, sự phân bố của những trận động đất này không phải là ngẫu nhiên.

Theo USGS định nghĩa về động đất như sau: “Mặt đất rung chuyển do trượt đột ngột trên một đường đứt gãy kiến tạo địa chất. Ứng suất ở lớp ngoài của trái đất đẩy các mặt của rãnh đứt gãy giữa các mảng kiến tạo địa chất lại với nhau. Áp lực tăng lên và đá trượt đột ngột, giải phóng năng lượng dưới dạng sóng truyền qua lớp vỏ trái đất và gây ra sự rung chuyển mà chúng ta cảm thấy trong một trận động đất".

Các trận động đất được đo bằng máy đo địa chấn, theo dõi các sóng địa chấn truyền qua đất sau một trận động đất.

Nhiều người có thể nhận ra thuật ngữ “độ Richter” mà các nhà khoa học trước đây đã sử dụng trong nhiều năm, nhưng ngày nay họ thường tuân theo Thang cường độ Mercalli đã sửa đổi (MMI), đây là thước đo chính xác hơn về cường độ của trận động đất, theo USGS.

Trận động đất mạnh 7,8 độ richter ở Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua mạnh tới mức nào?

Sức mạnh của một trận động đất được gọi là cường độ. Cường độ rung lắc có thể khác nhau tùy thuộc vào địa lý, địa hình và độ sâu của trận động đất. Trên thang cường độ, mỗi lần tăng một số nguyên sẽ chuyển thành năng lượng gấp 32 lần.

Lần này, rung chấn từ trận động đất mạnh 7,8 độ richter ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ có thể được cảm nhận ở tận Israel và Liban, cách xa hàng trăm km.

Thổ Nhĩ Kỳ không xa lạ gì với các trận động đất mạnh, vì nước này nằm dọc theo ranh giới các mảng kiến tạo. 7 trận động đất có cường độ 7,0 độ richter trở lên đã tấn công đất nước này trong 25 năm qua – nhưng thảm họa hôm thứ Hai vừa qua là một trong những trận động đất mạnh nhất.

Đây cũng là trận động đất mạnh nhất xảy ra ở bất kỳ nơi nào trên thế giới kể từ trận động đất mạnh 8,1 độ richter ở khu vực gần Quần đảo South Sandwich, phía nam Đại Tây Dương vào năm 2021, mặc dù vị trí xa xôi của nó ít gây ra thiệt hại.

PGS. Karl Lang tại Trường Khoa học Trái đất và Khí quyển, Đại học Công nghệ Georgia cho biết khu vực địa chất mà Thổ Nhĩ Kỳ nằm trên dễ xảy ra hoạt động địa chấn.

“Đó là một khu vực sinh địa chấn. Đó là một vùng đứt gãy địa chất rất lớn, nhưng đây là trận động đất lớn hơn bất kỳ lần nào họ từng trải qua trong những năm gần đây,” chuyên gia Lang nói.

“Cường độ rung chuyển cảm nhận trên mặt đất không chỉ do lượng năng lượng được giải phóng, quy mô của trận động đất, mà còn là khoảng cách mà năng lượng đó được giải phóng bên dưới bề mặt. Vì vậy, nếu động đất xảy ra ở rất gần bề mặt, nếu đó là một trận động đất nông, thì hậu quả có thể rất nguy hiểm".

Những trận động đất mạnh nhất thế kỷ qua

Chad Myers, nhà khí tượng học và chuyên gia về thời tiết khắc nghiệt cho biết: “Chúng ta thường nói về tâm chấn động đất, nhưng trong trường hợp này, chúng ta nên nói về vùng tâm chấn”.

Hai mảng kiến tạo địa chất khổng lồ – mảng Ả Rập và mảng Á-Âu – gặp nhau bên dưới các tỉnh phía đông nam của Thổ Nhĩ Kỳ. Dọc theo đường đứt gãy này, “khoảng 100 dặm từ bên này sang bên kia, mặt đất bị trượt,” Myers tiếp tục.

Khi các mảng kiến tạo địa chất chạm vào nhau và đột nhiên trượt sang một bên, động đất xảy ra.

Ở trường hợp này, nguyên lý xảy ra động đất không giống như Vành đai lửa chạy dọc theo bờ biển phía tây của Hoa Kỳ. Ở Vành đai lửa này, động đất và sóng thần thường gây ra bởi hiện tượng hút chìm, nơi một mảng kiến tạo địa chất trượt xuống dưới một mảng khác. Khi trượt, các mảng kiến tạo di chuyển theo chiều ngang chứ không phải theo chiều dọc.

Chính vì Thổ Nhĩ Kỳ nằm trên rãnh nứt hai mảng kiến tạo địa chất tạo nên lục địa Á-Âu và bán đảo Ả Rập, hai mảng kiến tạo này va vào nhau theo chiều dọc nên gây ra hậu quả khôn lường, khiến nhiều tòa nhà đổ sập.

Theo nhà khí tượng học Karen Maginnis, do bản chất của hiện tượng địa chấn này, dư chấn động đất có thể kéo dài hàng tuần đến hàng tháng.

Trong thế kỷ qua, một số trận động đất đã gây hậu quả thảm khốc trên thế giới, có thể kể đến như sau:

  • Trận động đất và sóng thần ở Nhật Bản năm 2011 – khiến hơn 22.000 người thiệt mạng hoặc mất tích – có cường độ 9,1 độ richter. Sóng thần nhấn chìm toàn bộ thị trấn, làm đổ sập các ngôi nhà lên đường cao tốc và gây ra thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử Nhật Bản.
  • Vào năm 2010, một trận động đất mạnh 7 độ richter ở Haiti ước tính đã giết chết khoảng 220.000 đến 300.000 người. Hơn 300.000 người bị thương và hàng triệu người phải sơ tán.
  • Năm 2004, một trận động đất có cường độ ước tính 9,1 độ richter đã tấn công bờ biển Sumatra, Indonesia, gây ra sóng thần khiến 227.898 người thiệt mạng hoặc mất tích và được cho là đã chết.

Theo USGS, trận động đất mạnh nhất thế giới được ghi nhận có cường độ 9,5 độ richter ở Chile vào năm 1960.

Mời độc giả xem thêm video:

Máy Bay Vietnam Airlines Hạ Cánh Khẩn Cấp Tại Azerbaijan Để Đưa Hành Khách Nhập Viện


Nguyễn Vân
(Theo CNN)
Ý kiến của bạn