Không báo trước được thảm họa động đất
Ngày 1/1, trận động đất mạnh 7,6 độ đã làm rung chuyển khu vực miền trung Nhật Bản. Trận động đất xảy ra ở bán đảo Noto, tỉnh Ishikawa và các khu vực lân cận thuộc miền trung Nhật Bản, tính đến sáng 2/1, trận động đất đã gây ra ít nhất 140 dư chấn. Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, sau khi xảy ra trận động đất có độ lớn 7,6, rất nhiều dư chấn đã được ghi nhận. Trong đó dư chấn lớn nhất được ghi nhận vào chiều ngày 1/1 có độ lớn 7 trên thang địa chấn có cấp độ từ 0 đến 7 của Nhật Bản. Giới chức cảnh báo rằng các dư chấn mạnh có thể xảy ra trong tuần tới - đặc biệt là trong hai đến ba ngày tới.
Đến nay, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản đã dỡ bỏ tất cả các cảnh báo sóng thần cao trên 3 mét dọc bờ biển nước này. Trước đó, sóng thần cao 120 cm đã được ghi nhận ở thành phố Wajima, 90 cm ở Kanazawa, một số địa phương khác cũng báo cáo xuất hiện sóng thần.
Toàn bộ mức độ thiệt hại của trận động đất vẫn đang được giới chức nước này thống kê và sẽ công bố trong thời gian tới. Hiện tại, toàn bộ tỉnh Ishikawa và các khu vực liên quan đang phải dồn toàn bộ sức lực để chống đỡ hậu quả từ dư chấn động đất. Cơ quan này cho biết những khu vực chịu rung lắc mạnh có thể tiếp tục phải chứng kiến các trận động đất với cường độ lên tới cấp 7 trong tuần tới, đặc biệt là trong 2 - 3 ngày tới.
Liệu trận động đất ở Nhật Bản có ảnh hưởng đến Việt Nam? Trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết trận động đất này dù có cường độ lớn, mức phá hủy nghiêm trọng song không ảnh hưởng đến Việt Nam.
TS Nguyễn Xuân Anh cho biết, đối với trận động đất lớn như vậy, dư chấn có thể kéo dài trong nhiều tuần, thậm chí hàng tháng sau một trận động đất lớn. Thời gian kéo dài của dư chấn phụ thuộc vào cường độ của trận động đất chính. Các trận động đất lớn hơn có xu hướng gây ra dư chấn kéo dài hơn. Ví dụ, trận động đất Tōhoku năm 2011 ở Nhật Bản, có độ lớn là 9,0, gây ra dư chấn kéo dài trong vài năm sau đó.
TS. Nguyễn Xuân Anh cho biết, việc dự báo thời điểm chính xác xảy ra động đất cho đến nay các nhà khoa học chưa làm được, ngay cả với nhiều nước tiên tiến trên thế giới, nhưng đánh giá mức độ nguy hiểm (độ lớn cực đại, tần suất…) cho từng khu vực cụ thể thì có thể làm được và trên cơ sở đó đưa ra phương án phòng chống động đất phù hợp.
Khi nào động đất gây ra sóng thần?
TS Nguyễn Xuân Anh cho biết, động đất có thể gây ra sóng thần khi chúng xảy ra ở gần hoặc dưới đáy đại dương. Cơ chế tạo ra sóng thần chính là sự dịch chuyển của một khối lượng nước khổng lồ làm cho mặt đại dương dao động tạo ra sóng. Thông thường, trận động đất có độ lớn trên 7,5 mới tạo ra sóng thần mạnh. Hơn 80% sóng thần trên thế giới xảy ra dọc theo các đới hút chìm thuộc Vành Đai Lửa ở Thái Bình Dương.
Thế giới không thể nào quên thảm họa kép kinh hoàng xảy ra lúc hơn 14 giờ ngày 11/3/2011 tại Nhật Bản. Đúng 14h46 theo giờ đại phương, đại địa chấn Honshu độ lớn 9,1 khởi phát ngoài khơi hòn đảo Honshu ở phía Đông Bắc nước này, gây ra sóng thần cao đến 40 mét ập vào đất liền, phá hủy mọi thứ trên đường đi của nó.
Theo thống kê chính thức, 15.899 người đã thiệt mạng với 2.572 người vẫn mất tích và được cho là đã chết. Trên 6.000 người bị thương. Nhiều thị trấn bị xóa sổ khỏi bản đồ.
Tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima nằm gần bờ biển, sóng thần tấn công đã làm hỏng hoàn toàn các hệ thống làm mát thanh nhiên liệu hạt nhân, gây ra thảm họa nghiêm trọng, khiến các vùng dân cư xung quanh bị nhiễm phóng xạ. Nhiều nơi 10 năm sau con người vẫn chưa thể sinh sống trở lại.
Việt Nam có nguy cơ bị sóng thần không? Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, chuyên gia địa chấn Việt Nam nằm ở khu vực Thái Bình Dương, mà Thái Bình Dương là nơi có hiểm họa về sóng thần, đã được đánh giá là cao nhất trên thế giới. Tuy nhiên, do đặc thù các vùng bờ biển ở Việt Nam được bao bọc bởi rất nhiều các quốc gia xung quanh như Trung Quốc ở phía bắc, Philippines ở phía đông, Thái Lan ở phía tây và Indonesia, Malaysia ở phía nam, vì thế các trận động đất gây sóng thần ở Thái Bình Dương đều không ảnh hưởng đến Việt Nam.
Hiểu đơn giản là các vùng bờ biển ở Việt Nam đã được chắn bởi bức "tường thành" chính là các quốc gia nêu trên. Tuy nhiên, các nhà địa chấn Việt Nam đã xác định hiểm họa sóng thần vẫn có thể xảy ra đối với Việt Nam trong tương lai, hiểm họa đó có thể bắt nguồn ở ngay trong khu vực Biển Đông. Tức là trong khu vực Biển Đông vẫn xác định được các vùng phát sinh ra động đất có thể gây ra sóng thần, mà sóng thần xảy ra ngay trong Biển Đông thì có thể tác động tới vùng bờ biển Việt Nam.
Cụ thể, các nhà khoa học đã xác định được 9 vùng nguồn khác nhau ở khu vực Biển Đông có khả năng gây ra sóng thần ảnh hưởng tới vùng bờ biển Việt Nam. Tuy nhiên, có hai vùng được xác định nguy hiểm tới Việt Nam gồm: vùng nguồn xa bờ nằm ở phía tây Philippines - ở đó có một đới hút chìm gọi là máng biển sâu Manila. Đó là vùng nguồn nguy hiểm nhất đối với Việt Nam. Thứ hai là vùng nguồn gần bờ - nằm ở ngay trên đới đứt gãy kinh tuyến 109 độ trên vùng thềm lục địa miền Trung và Nam Trung Bộ của Việt Nam.
Khi động đất xảy ra trên biển, có độ lớn từ 6,5 độ Richter trở lên và có độ sâu dưới 100km, ngay lập tức các chuyên gia của Viện Vật lý Địa cầu sẽ xử lý dữ liệu để cho ra các kết quả định lượng về các tham số của động đất gây sóng thần. Nếu có hiểm họa đối với bờ biển Việt Nam, hệ thống cảnh báo sẽ hoạt động ngay. Khi đó, Viện Vật lý Địa cầu sẽ đưa ra các cảnh báo về động đất và sóng thần, phát đi trên hệ thống thông tin đại chúng, phát tới các cơ quan đã được đăng ký có trách nhiệm trong việc ứng phó sóng thần.
Nếu xảy ra động đất gây sóng thần ở Biển Đông, với vùng nguồn xa bờ nằm ở máng biển sâu Manila - phía tây Philippines, mất khoảng 120 phút để lan truyền tới bờ biển Việt Nam. Như vậy, sau khi ra được tin cảnh báo, chúng ta có khoảng 90 - 105 phút để triển khai các hoạt động ứng phó và cứu hộ với trường hợp vùng nguồn sóng thần ở xa bờ.
Còn nếu phát sinh ở các vùng gần bờ ngay đới đứt gãy kinh tuyến 109 độ - vùng thềm lục địa miền Trung và Nam Trung Bộ của Việt Nam, chúng ta sẽ có ít thời gian hơn khi chỉ 35 - 45 phút sóng thần sẽ lan truyền tới bờ biển Việt Nam.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Nhân chứng vụ động đất kinh hoàng ở Nhật Bản: Cổng đền đổ sập, nhà cửa rung chuyển, vật dụng rơi vỡ / SKĐS