Theo Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu, vào hồi 08 phút 04 giây (giờ Hà Nội) ngày 23/8, một trận động đất có độ lớn 4.7 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.768 độ vĩ Bắc, 108.209 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.2 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Cũng tại đây, 2 trận động đất liên tiếp xảy ra vào buổi chiều ngày 23/8. Cụ thể lúc 14 giờ 11 phút 36 giây (giờ Hà Nội) ngày 23/8, một trận động đất có độ lớn 3.6 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.796 độ vĩ Bắc, 108.252 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km. Vào lúc 15 giờ 02 phút 09 giây (giờ Hà Nội) ngày 23 tháng 08 năm 2022 một trận động đất có độ lớn 3.7 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.801 độ vĩ Bắc, 108.238 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1km.
Theo số liệu thống kê của Viện Vật lý địa cầu, đây là trận động đất mạnh nhất xảy ra ở Kon Tum trong hơn chuỗi hàng trăm trận động đất tính từ tháng 4/2021 đến nay, cũng là trận động đất mạnh nhất trong hơn một thế kỷ qua ở khu vực này. Trước đó, trận động đất mạnh nhất có độ lớn 4.5 xảy ra ngày 18/4, gây rung chấn mạnh cho Kon Plông và khu vực lân cận.
Không chỉ ảnh hưởng tới người dân trên địa bàn, trận động đất này còn khiến nhiều người dân ở tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng cảm nhận rõ rung lắc khi đang làm việc tại các tòa nhà cao tầng.
Một người dân sống ở Đà Nẵng cho biết khoảng 14h20, khi ông đang làm việc trên tầng 8 của một tòa nhà tại TP Đà Nẵng đã cảm nhận rung lắc và thấy đồ đạc bị chao đảo, mất thăng bằng.
Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, cũng chia sẻ bản thân cảm nhận được trận rung lắc do động đất gây ra và đã chỉ đạo các đơn vị kiểm tra tình hình. Ông Dũng cho hay người dân và cán bộ đang làm việc ở trụ sở UBND xã Trà Cang, huyện Nam Trà My sau khi nghe rung lắc đã bỏ chạy ra vì lo sợ.
Hơn một năm qua, huyện Kon Plông ghi nhận hơn 200 trận động đất, gấp gần 6 lần số trận động đất xảy ra ở đây trong hơn một thế kỷ trước đó. Các nhà khoa học của Viện Vật lý Địa cầu bước đầu nhận định, động đất ở Kon PLông là động đất kích thích, xảy ra do hồ thủy điện tích nước.
UBND tỉnh Kon Tum cũng vừa xây dựng kế hoạch ứng phó thảm họa động đất trên địa bàn tỉnh.
Mục tiêu của kế hoạch này nhằm huy động hợp lý các nguồn lực, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa và ứng phó thảm họa động đất nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản và môi trường; tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của các cơ quan, tổ chức và mọi người dân; đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành và địa phương trong tổ chức thực hiện các giải pháp ứng phó, khắc phục hậu quả động đất trên địa bàn.
Kế hoạch này còn hướng đến hoàn thiện hệ thống kế hoạch ứng phó sự cố, thiên tai, thảm họa, làm cơ sở cho địa phương triển khai thực hiện; nâng cao năng lực giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai; nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, phổ cập kiến thức cho người dân, rèn luyện kỹ năng cho các lực lượng để giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra động đất.
Theo kế hoạch ứng phó thảm họa động đất, UBND tỉnh Kon Tum sẽ tổ chức thông báo, báo động và cảnh báo kịp thời đến các cấp, các ngành, các tổ chức kinh tế - xã hội và Nhân dân tại địa phương các tin động đất; truyền tin cảnh báo, báo động trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên hệ thống thông tin mạng viễn thông; tăng cường kết nối thông tin để nắm bắt kịp thời các diễn biến, hậu quả của động đất; đánh giá kịp thời quy mô, diễn biến sự cố do thảm họa động đất, xác định nhanh kịch bản ứng phó hiệu quả; triển khai các lực lượng, phương tiện quan sát, giám sát; các lực lượng giúp dân sơ tán, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả...
Xem thêm video đang được quan tâm:
Sở GD-ĐT nói gì vụ "học sinh không tiêm vắc - xin phải học online" | SKĐS