Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu vừa phát đi thông báo động đất. Theo đó, lúc 9 giờ 43 phút ngày 18/3, tại khu vực huyện Kon P lông, tỉnh Kon Tum đã xảy ra một trận động đất có độ lớn 3.0 độ richter, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1km. Trước đó vào 0 giờ 57 phút ngày 18/3, tại đây cũng xuất hiện 1 trận động đất có độ lớn 3.4 độ richter, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1km. Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.
Trước đó, ngày 17/3 tại đây xảy ra 2 trận động đất, ngày 16/3 đã có 8 trận động đất xảy ra tại khu vực này. Thời gian gần đây, số trận động đất tại khu vực có dấu hiệu tăng lên. Dù chưa xảy ra các trận động đất lớn gây thiệt hại song tâm lý người dân địa phương khá lo lắng, không biết khi nào động đất mới chấm dứt tại huyện miền núi này.
TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho biết, động đất có thể được phân làm 2 loại là: Có nguồn gốc tự nhiên và do hoạt động của con người. Động đất tự nhiên hình thành do quá trình tích lũy năng lượng phát sinh bởi các đứt gãy kiến tạo hoặc ở vùng có phun trào núi lửa… tạo nên. Trong khi đó, động đất kích thích do hoạt động của con người như xây dựng các hồ chứa đập thủy điện, khai thác mỏ, vụ nổ hạt nhân.
"Việc phát sinh động đất kích thích hồ chứa phụ thuộc vào hoạt động địa chất kiến tạo, thể tích hồ chứa, độ cao, tốc độ và tần suất tích nước…", ông Xuân Anh giải thích thêm.
Về tần suất động đất nhiều tại Kon Plông thời gian gần đây, chuyên gia cho rằng, hiện tượng động đất kích thích này tương tự đã từng xuất hiện tại Thủy điện sông Tranh năm 2012 và đến nay vẫn còn động đất ở đây. Các trận động đất lớn thường kèm theo tiền chấn và dư chấn nên động đất sẽ thường xuất hiện theo chuỗi. Các trận động đất vừa qua đều có độ lớn nhỏ hơn 4, tức là ở mức độ nhẹ và không có khả năng gây ra thiệt hại.
Theo PGS.TS Cao Đình Triều, chuyên gia về động đất, Kon Plông có thể tái diễn kịch bản như động đất kích thích ở sông Tranh 2 (Quảng Nam). Động đất kích thích xảy ra tại sông Tranh 2 bắt đầu từ năm 2012, kéo dài đến nay với hàng trăm trận, từng gây xáo trộn đời sống người dân hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My trong thời gian dài. Vì vậy, trong nhiều tháng tới, hoặc nhiều năm tới, Kon Tum vẫn sẽ ghi nhận các trận động đất.
TS Nguyễn Xuân Anh cho biết hiện Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần thường xuyên thông báo về hoạt động động đất đến chính quyền và người dân tại khu vực này, đồng thời các cán bộ thuộc Viện tiếp tục theo dõi thêm và xử lý số liệu các trận động đất tại huyện Kon Plông.
Người dân cần bình tĩnh, tuân thủ theo đúng hướng dẫn của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng; đồng thời chủ động gia cố nhà cửa, tự trang bị thêm những kiến thức về phòng, chống động đất. Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền về các cách phòng, tránh này; đồng thời thông tin rõ về cường độ, mức độ rủi ro của các trận động đất vừa qua cho người dân.
Đến nay, tỉnh Kon Tum đã có 8 trạm quan trắc động đất được lắp đặt tại các khu vực của Thủy điện Thượng Kon Tum và Thủy điện Đắk Đrinh (huyện Kon Plông). Trong đó, có 5 trạm được chủ đầu tư hai thủy điện nói trên lắp đặt theo đề nghị của UBND tỉnh Kon Tum, 3 trạm, còn lại do Viện Vật lý địa cầu thực hiện. Các trạm này đang vận hành bình thường.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Sáng 18/3: Những Tài Sản “Khủng” Nào Của Bà Chủ Vạn Thịnh Phát Có Thể Phải Dùng Để Bồi Thường? |SKĐS