Đồng đẳng viên xứ Thanh góp phần ngăn chặn HIV/AIDS

24-11-2023 15:27 | Y tế
google news

SKĐS - Công tác phòng chống HIV/AIDS tại tỉnh Thanh Hóa những năm qua đã có chuyển biến tích cực. Để đạt được kết quả khả quan này, ngoài sự chung tay của xã hội, còn có sự kiên trì nỗ lực của các đồng đẳng viên.

Những người nhiễm HIV tại tỉnh Thanh Hóa hiện nay tập trung chủ yếu ở nhóm nam nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm và nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Hiện nay, các đối tượng này đang được sự quản lý, hỗ trợ của lực lượng chức năng, các đồng đẳng viên (ĐĐV), tiếp cận viên tại địa phương. Với sự nỗ lực thực hiện tốt công tác truyền thông, tư vấn xét nghiệm, tự xét nghiệm tại cộng đồng, công tác phòng, chống HIV đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Anh L. Q. H. (33 tuổi) gắn bó với công việc ĐĐV đã 5 năm nay. Mỗi ngày, anh H. lên mạng xã hội rồi đi từng ngõ, gõ từng nhà để tiếp cận những người có nguy cơ cao nhiễm HIV thuộc nhóm nam MSM để tuyên truyền, vận động họ tham gia vào các hoạt động xét nghiệm sàng lọc, sử dụng bao cao su, bơm kim tiêm an toàn, đưa họ tiếp cận các dịch vụ y tế như xét nghiệm HIV, kết nối điều trị HIV…

Đồng đẳng viên xứ Thanh góp phần ngăn chặn HIV/AIDS- Ảnh 1.

Anh H. chia sẻ với PV những công việc hàng ngày của đồng đẳng viên.

Anh H. kể, anh tham gia công việc này lúc làm nghề bán quần áo. Trong công việc bán hàng, anh biết đến rất nhiều khách còn rất trẻ nhưng đã dính vào HIV/AIDS, lại không có kiến thức về điều trị nên khi có người bạn rủ anh làm ĐĐV để tuyên truyền cho những đối tượng có nguy cơ và nhiễm ‘H’, anh đã tham gia và gắn bó cho tới hiện tại.

Sau 5 năm hoạt động, anh H. đã tư vấn, giúp đỡ cho hàng trăm khách hàng, từ đó phát hiện nhiều người bị nhiễm HIV để đưa ra phương án điều trị. Vẫn nhớ như in hoạt động vào năm 2021, khi dịch bệnh COVID -19 đang hoành hành thì anh phải cách ly vì là F3. Thời điểm đó, thông qua mạng xã hội, anh có quen một khách hàng tên H. nói họ vừa test nhanh và phát hiện mình dương tính với HIV. Do không chắc chắn nên họ mong được gặp anh để tìm cách xử lý.

Thấy khách hàng nói chuyện trong tình trạng hoang mang, lo sợ, anh H. đã quyết đinh trốn ra ngoài để đi gặp khách hàng. "Ấn tượng ban đầu là trông bạn ấy rất tội nghiệp, mặt mày ủ rũ. Sau một hồi trấn an, bạn ấy nói cách đấy hơn nửa năm, đã yêu trong đồng giới và quan hệ không an toàn. Gần đây, thấy cơ thể có dấu hiệu suy nhược cơ nên đã đặt test để thử và cho kết quả dương tính HIV. Tuy nhiên, là người đã thực hiện việc này nhiều lần, mình biết test nó cũng không rõ ràng, nên đã đề nghị bạn ấy xuống trung tâm khám cho chính xác. Sau đó, mỗi khi bạn ấy thiếu thuốc điều trị đều gọi, và mình luôn hỗ trợ hết sức trong khả năng của bản thân" anh H. kể lại.

Đồng đẳng viên xứ Thanh góp phần ngăn chặn HIV/AIDS- Ảnh 2.

Những đồng đẳng như anh H, anh V. góp phần ngăn chặn HIV/AIDS.

Cũng giống như anh H., anh N. H. V. (30 tuổi) chia sẻ, anh tham gia vào nhóm ĐĐV cũng được hơn 4 năm, phục vụ nhóm đối tượng chính là MSM cũng là người đồng tính. Để công việc thuận lợi, anh tham gia những lớp tập huấn kiến thức về HIV tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Thanh Hóa.

"Mình làm công việc bán hàng, cũng thoải mái thời gian nên có thể sắp xếp để tham gia các hoạt động vì cộng đồng. Tiếp xúc với những khách hàng đầu tiên, mình nhớ là họ rất buồn, luôn suy nghĩ đến cái chết. Với những trường hợp bi quan, nhóm mình thường xuyên phải mời họ đi café, gặp gỡ để tâm sự, nhắc nhở phải luôn chú ý sức khỏe, uống thuốc và điều trị đúng cách.

Quan điểm của mình là khi khách mắc căn bệnh thế kỷ đã rất đau khổ, vì thế, bản thân phải luôn đặt vị trí của mình vào khách hàng để thấu hiểu những nỗi đau mà họ phải chịu, từ đó có biện pháp để giúp họ vượt qua ám ảnh, bước ra khỏi bóng tối để hướng đến cuộc sống tốt hơn", anh V. bộc bạch.

Theo anh V., các ĐĐV hiện đang hoạt động ở Thanh Hóa đều ít nhất tham gia một nhóm Zalo nhất định chia sẻ thông tin, hỗ trợ khách hàng. Trong đó, nhóm gái mại dâm, bạn tình có ‘H’, nhóm MSM, tiêm chích ma túy… là các đối tượng có nguy cơ cao nhiễm HIV.

Ông Phạm Hữu Hà, công tác tại khoa Phòng chống HIV/AIDS (CDC Thanh Hóa) cho biết: Bệnh nhân HIV/AIDS hiện nay đa phần là người trẻ, bệnh này làm họ mất niềm tin vào cuộc sống. "Khi tìm đến với chúng tôi, họ chia sẻ rằng không biết gửi gắm vào ai, tâm sự với ai. Người gần nhất với họ là gia đình cũng không dám nói vì ngại, tâm lý lo sợ, hoang mang, nên ĐĐV sẽ đóng vai trò là người tư vấn, lắng nghe tâm tình, hỗ trợ họ khi cần, để họ bình tĩnh chấp nhận căn bệnh, rồi đưa tới các trung tâm y tế làm các xét nghiệm cần thiết, hướng dẫn, điều trị HIV và các bệnh liên quan", ông Hà tâm sự.

Theo ông Hà, các nhóm ĐĐV đóng vai trò cầu nối rất quan trọng trong công tác tuyên truyền, giúp người nhiễm và cộng đồng có cái nhìn thực tế hơn về căn bệnh HIV/AIDS; cảm thông và chia sẻ đối với những người không may bị nhiễm, để họ có thêm cơ hội sống hòa nhập cộng đồng, góp phần nhanh chóng đẩy lùi HIV/AIDS trong cộng đồng...

Tại Thanh Hóa, tính từ ca phát hiện đầu tiên ở huyện Đông Sơn vào tháng 11/1995 đến hết ngày 31/8/2023, lũy tích người nhiễm HIV/AIDS là 9.073 người, trong đó gần 3.000 người đã tử vong. Hiện tỉnh có 4.111 bệnh nhân HIV đang điều trị.

Về xu hướng lây nhiễm, hiện nay chủ yếu là qua con đường tình dục không an toàn và tập trung vào nhóm đối tượng nam có quan hệ tình dục đồng giới (MSM).

Những cánh tay nối dài của ngành y tế trên mặt trận phòng chống HIV/AIDSNhững cánh tay nối dài của ngành y tế trên mặt trận phòng chống HIV/AIDS

SKĐS - Nhóm đồng đẳng viên LGBT ở Thanh Hóa đã góp phần không nhỏ vào việc giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng; nhiều người có nguy cơ cao nhiễm HIV được tiếp cận các dịch vụ về dự phòng lây truyền...


Gia Hân
Ý kiến của bạn