Công bố mới nhất của Bộ GD-ĐT cho thấy, hiện nay, trên 50 tỉnh, thành phố trong cả nước có hơn 16.000 nhóm lớp trẻ mầm non tư thục đang hoạt động, tuy nhiên, 1/3 số đó chưa được cấp phép. Chính hoạt động nhỏ lẻ, tự phát, chưa được cấp phép của 1/3 số nhóm lớp này đem đến nguy cơ mất an toàn với trẻ nhỏ, khiến nhiều trẻ bị nguy hiểm tính mạng ngay khi ở trong các lớp học...
Chỉ 17% khu công nghiệp - khu chế xuất có nhà trẻ
Ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non cho biết, theo báo cáo của 50 tỉnh, thành phố, hiện có 5.590 nhóm trẻ chưa được cấp phép. Trong đó, Bắc Ninh có đến 1.190 nhóm, Hải Phòng có 467 nhóm, Hải Dương có 132 nhóm... Theo ông Minh, thực tế cho thấy có một số khó khăn, bất cập trong công tác quản lý các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, đặc biệt là nhóm lớp độc lập tư thục chưa được cấp phép. Do nhu cầu gửi con ở độ tuổi nhà trẻ (dưới 36 tháng tuổi) của những người lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị ở một số tỉnh, thành phố, nơi có tình trạng dân số cơ học cao là rất lớn.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Trưởng ban Gia đình xã hội Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cho biết, năm 2012, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam có tiến hành một cuộc khảo sát 5 tỉnh thành đông khu công nghiệp gồm: Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Đồng Nai, Hải Dương. Kết quả cho thấy chỉ có 18,9% gia đình gửi các con vào các cơ sở mầm non công lập, trong khi đó, tỷ lệ gửi tư thục 36,7%. Hầu hết con của nữ công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất đều gửi vào nhóm nhỏ, tư thục chưa được cấp phép. Kết quả cũng cho thấy 72,3% trong số họ gửi con vào nhóm trẻ tư thục không phép vì gần nhà, tiện đường đưa đón. 41% do các lớp này có thời gian gửi trẻ, giữ trẻ linh động, chỉ có 34,4% các gia đình quan tâm chất lượng mà trong đó cũng chỉ có 32% gia đình quan tâm tới chất lượng giáo viên. Kết quả khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng bổ sung thêm thực trạng này khi trong 10 tỉnh có khu công nghiệp, khu chế xuất mà Tổng liên đoàn Lao động khảo sát năm 2011 thì chỉ có 16,9% khu công nghiệp, khu chế xuất có nhà trẻ mẫu giáo, trong đó, công lập chỉ chiếm 39,9%, tư thục là 60,1%.
Trường chưa cấp phép - Trẻ bị bạo hành
Theo nhận định của bà Nguyễn Thị Nghĩa - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, việc còn nhiều nhóm trẻ chưa được quản lý là một nguyên nhân dẫn đến thực trạng trẻ chưa được chăm sóc, chưa được áp dụng giáo dục theo chương trình của Bộ GD-ĐT và ở một số nơi còn xảy ra tình trạng bạo hành, thiếu an toàn cho trẻ gây bức xúc dư luận trong thời gian qua.
Với tỷ lệ chung cả nước đến thời điểm này, số trẻ dưới 36 tháng tuổi được đến lớp mới chiếm 23%. “Cố gắng lắm như Hà Nội mới có hơn 29% trẻ được chăm sóc ở lớp. Vậy thì 77% số trẻ còn lại học ở đâu?”, bà Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên, thiếu niên nhi đồng của Quốc hội đưa ra câu hỏi với lãnh đạo Bộ GD-ĐT. Đây chính là nguyên nhân khiến các nhóm lớp trẻ mầm non tư thục mọc như nấm trên khắp cả nước và đặc biệt tập trung nhiều ở Hải Phòng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bắc Ninh... như công bố của Bộ GD-ĐT.
Thực tế cho thấy, mối lo ngại về sự an toàn của con cái mình đối với các bậc cha mẹ cũng xuất phát từ chính các lớp mầm non tư thục, đặc biệt với con số 5.590 nhóm trẻ tư thục đang hoạt động mà chưa được cấp phép. Có những lớp học tận dụng nhà, phòng của gia đình để làm lớp học, không đảm bảo điều kiện sinh hoạt cũng như nuôi dưỡng trẻ. Đặc biệt, những lớp này không đảm bảo về chuyên môn, hạn chế cách nuôi dưỡng. Hầu hết những người trông trẻ không có trình độ chuyên môn, phần lớn là người lớn tuổi. Mặc dù các bậc phụ huynh rất lo ngại trước hàng loạt vụ việc bạo hành, mất an toàn đối với trẻ gửi ở các nhóm lớp tư thục, nhưng việc siết chặt quản lý các nhóm lớp này vẫn đang là bài toán khó với các cấp quản lý. Với những nhóm lớp chưa được cấp phép, việc đóng cửa cũng không hề dễ dàng. Tuy nhiên, bà Ngô Thị Minh đặt vấn đề, nếu giải thể tất cả các cơ sở này thì trẻ dưới 36 tháng tuổi sẽ gửi đi đâu, quyền lợi của trẻ, của người lao động giải quyết như thế nào? Câu hỏi này không dễ gì có thể giải quyết bởi cứ có cung là có cầu, nhiều bậc phụ huynh vẫn cần gửi con thì có nghĩa các lớp mầm non tư thục không phép vẫn còn có đất để hoạt động.