Đồng bộ chính sách công tác xã hội giúp người dân thoát nghèo ở vùng sâu, vùng xa

28-11-2022 10:06 | Xã hội
google news

SKĐS - Nhờ có chính sách đồng bộ đối với nguồn vốn chính sách, bộ mặt những bản làng vùng sâu, vùng xa của tỉnh Hòa Bình đang thay đổi tích cực từng ngày.

Trong những năm qua, công tác giảm nghèo bền vững luôn được coi là chương trình trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế, an sinh xã hội của tỉnh Hoà Bình. Dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng tỉnh Hòa Bình vẫn luôn quan tâm và dành nhiều nguồn lực ưu tiên cho công tác giảm nghèo.

Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh Hòa Bình xác định ưu tiên đầu tư nguồn vốn tín dụng chính sách để giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống.

Ông Quách Công Quy - Chủ tịch UBND xã Nuông Dăm, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình cho biết: "Năm 2016, trên địa bàn xã Nuông Dăm còn 936 hộ nghèo, chiếm trên 50% tổng số hộ dân. Đến năm 2022, số hộ nghèo đã giảm xuống chỉ còn hơn 16%.

Đồng bộ chính sách giúp người dân 'thoát nghèo' ở tỉnh miền núi Hòa Bình - Ảnh 1.

Hiệu quả từ mô hình kinh tế tổng hợp được đầu tư từ vốn vay chính sách cũng giúp gia đình chị Hà Thị Hiên (Ba Lầm, Nuông Dăm, Kim Bôi) từng bước ổn định cuộc sống.

Những chính sách ưu đãi của Đảng, nhà nước đã được triển khai có hiệu quả, giúp người nghèo tiếp cận kịp thời các chính sách hỗ trợ, đảm bảo cuộc sống và an sinh xã hội".

Theo ghi nhận của PV tại xã Nuông Dăm, huyện Kim Bôi, tỉnh Hoà Bình vào tháng 10/2022, dù là một trong những xã vùng sâu, vùng xa của huyện Kim Bôi, còn nhiều khó khăn nhưng bộ mặt của Nuông Dăm đã và đang thay đổi từng ngày.

Điển hình trong việc 'thoát nghèo' tại địa bàn là gia đình chị Quách Thị Huyền (thôn Ba Lầm, xã Nuông Dăm), với trang trại hơn 1 ha với gần 2.000 con gà đang chuẩn bị xuất bán cùng 5 con lợn nái, 9 con giống đang kỳ phát triển là thành quả của những nỗ lực không ngừng nghỉ với động lực là vốn vay chính sách xã hội.

Chị Huyền cho biết, hai vợ chồng chị khởi đầu từ hai bàn tay trắng. Năm 2002, gia đình vay 3 triệu đồng từ vốn ngân hàng chính sách rồi đầu tư chăn nuôi phát triển kinh tế. Từ đó đến giờ, sau khi trả xong nợ, gia đình lại được cho vay tiếp để mở rộng mô hình sản xuất.

Khởi đầu từ vốn chính sách chỉ vài triệu đồng, đến nay, vợ chồng chị Huyền đã có một mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm lý tưởng. Mỗi năm, gia đình chị thu về 400 triệu đồng.

Tương tự với gia đình chị Hà Thị Hiên (thôn Ba Lầm, xã Nuông Dăm), từ nguồn vốn vay 50 triệu của ngân hàng chính sách xã hội, chị đã đầu tư nuôi 200 con gà thả vườn và 1 con lợn nái. Mới đây, vốn đầu tư bước đầu đã có thành quả khi chị xuất bán 9 chú lợn con, mỗi chú có giá 1 triệu đồng.

Đồng bộ chính sách giúp người dân 'thoát nghèo' ở tỉnh miền núi Hòa Bình - Ảnh 2.

Những mô hình kinh tế từ nguồn vốn chính sách đã giúp nhiều gia đình đạt được thành quả.

Về vấn đề. này, ông Đặng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh Hoà Bình cho biết: "Tính đến ngày đến hết tháng 7.2022 tổng số khách hàng còn dư nợ vốn là 260.785 hộ với tổng dư nợ là hơn 800 tỉ đồng".

Nhờ có nguồn vốn lớn cùng hệ thống 2.546 Tổ tiết kiệm và vay vốn, mạng lưới 151 điểm giao dịch tại các thôn bản, khu phố, chi nhánh NHCSXH tỉnh Hoà Bình đã chủ động đổi mới quy trình thủ tục cấp tín dụng chính sách theo hình thức cho vay trực tiếp, công khai".

Cùng với đó, việc phối hợp giữa NHCSXH với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác ngày càng chặt chẽ, đồng bộ. Góp phần thực hiện tốt việc bình xét công khai, công bằng cho các đối tượng vay vốn chính sách và thu nợ, thu lãi đầy đủ, đúng kỳ hạn, bảo đảm nâng cao chất lượng tín dụng.

Theo thống kê, giai đoạn 2016-2020 tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Hòa Bình giảm từ 24,38% xuống còn 8,6% năm 202. Bình quân mỗi năm giảm được 3,16% đạt 105% chỉ tiêu kế hoạch giao (chỉ tiêu đề ra mỗi năm giảm 3% tỉ lệ hộ nghèo). Năm 2021 tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 6,24%.

Riêng ngân hàng CSXH chi nhánh Hòa Bình hiện đã và đang thực hiện 20 chương trình cho vay ưu đãi. Giai đoạn 2017 đến tháng 12.2021 đã cho 173.286  lượt khách hàng vay vốn với doanh số cho vay là 5.247 tỉ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm. Trong đó có 39.609 lượt hộ nghèo, 29.817 lượt hộ cận nghèo, 13.746 lượt hộ mới thoát nghèo vay vốn.

Xem thêm video được quan tâm:

Vụ Đường Nhuệ (Thái Bình): Bắt Tiếp Phó Công An Và Phó Viện Kiểm Sát Huyện Vũ Thư | SKĐS


PV
Ý kiến của bạn