Trước thông tin về vấn đề liên quan đến mức đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2018 sẽ gồm mức lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác khiến rất nhiều người lao động băn khoăn lo ngại những khoản làm thêm giờ, ăn ca sẽ bị tính đóng BHXH, như vậy sẽ làm giảm thu nhập. Tuy nhiên, tại buổi họp báo mới đây của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ông Nguyễn Duy Cường - Vụ phó Vụ BHXH (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đã khẳng định: Việc đóng BHXH sẽ không phải tính trên mức lương cộng với tất cả các khoản phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Giải đáp thông tin về những khoản thu nhập phải tính đóng BHXH bắt buộc kể từ ngày 1/1/2018, đại diện Vụ BHXH cho biết, việc đóng BHXH sẽ không phải tính trên mức lương cộng với tất cả các khoản phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Những khoản bổ sung và khoản phụ cấp được tính đóng BHXH từ 1/1/2018 đã được quy định rõ tại Điều 30 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH.
Cụ thể, đối với phụ cấp thì chỉ những nhóm phụ cấp lương xác định được cùng mức lương, có tính thường xuyên và ổn định sẽ được tính đóng BHXH. Còn những khoản phụ cấp lương gắn với kết quả làm việc của người lao động và có tính biến động thì sẽ không tính đóng BHXH.
Đối với khoản bổ sung khác cũng vậy, chỉ những khoản được xác định cùng với tiền lương, có tính ổn định thì sẽ được làm căn cứ tính đóng BHXH. Với các khoản bổ sung khác không xác định được ngay với mức lương và phụ thuộc vào kết quả lao động thì không tính đóng BHXH.
Việc tính mức đóng BHXH từ năm 2018 không phải dựa trên tổng thu nhập.
Các khoản tính đóng BHXH gồm:
Theo quy định tại Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, từ ngày 1/1/2018 trở đi, một số vấn đề liên quan đến BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp có sự thay đổi so với hiện nay. Trong đó, có nội dung quy định về các khoản tính đóng và không tính đóng BHXH như sau:
- Tiền lương;
- Phụ cấp lương: Là các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ như: Phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút; các phụ cấp có tính chất tương tự.
- Các khoản bổ sung khác theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 4 Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH: Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.
Các khoản không tính đóng BHXH
Theo BHXH Việt Nam, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc vẫn là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm (hệ số) và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có) trên cơ sở mức lương cơ sở do Nhà nước quy định từng thời kỳ.
Mức lương làm căn cứ đóng BHXH theo thang lương, bảng lương do doanh nghiệp tự xây dựng. Cũng theo BHXH Việt Nam, việc đóng BHXH trên tiền lương thực tế là để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, khi nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản, nghỉ hưu..., mức hưởng sẽ cao hơn.
Theo quy định, các khoản không tính đóng BHXH là các khoản chế độ và phúc lợi như: Tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật Lao động 2012, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác.
Theo ông Vũ Duy Cường, các khoản phụ cấp lương gắn với quá trình, kết quả làm việc của người lao động, tức là các khoản lương biến động thì không phải đóng BHXH. Tương tự, các khoản bổ sung khác gắn với kết quả làm việc của người lao động cũng không làm căn cứ để đóng BHXH.