Đồng bào La Hủ trồng loài dược liệu quý trên đỉnh Pu Si Lung

31-10-2023 11:09 | Y học cổ truyền
google news

SKĐS - Từ bỏ lối sống du canh, du cư, người đồng bào La Hủ đang bám rừng, gieo trồng và chăm bón loài cây “quốc bảo” của Việt Nam với hy vọng cuộc sống nơi biên cương dần khởi sắc.

Đồng bào dân tộc La Hủ ở huyện Mường Tè (Lai Châu) được biết đến là một trong 4 dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn của tỉnh. Người dân La Hủ vẫn bám rừng, giữ rừng như một truyền thống từ xa xưa. Những năm gần đây, người dân La Hủ đã bỏ lối sống du canh du cư mà ổn định cuộc sống. Trên đỉnh Pu Si Lung – ngọn núi cao thứ 2 của Việt Nam, hàng chục hộ đồng bào La Hủ ở bản Xin Chải B đã và đang ngày đêm bám rừng, gieo trồng, chăm bón loài cây "quốc bảo" của Việt Nam.

So với những năm trước đây, cuộc sống của người đồng bào La Hủ đã có nhiều đổi thay nhờ việc bám rừng, giữ rừng, dựa vào rừng để sinh sống. Bản Xin Chải B nằm ở nơi có độ cao trên 3.000m so với mực nước biển, có khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp để trồng sâm. Giống sâm được trồng ở bản là Sâm Lai Châu – loại sâm chứa nhiều hoạt chất quý hiếm đã được xây dựng đề án để trồng và bảo tồn nguồn gen quý.

Đồng bào La Hủ trồng sâm trên đỉnh Pu Si Lung - Ảnh 1.

Người La Hủ vừa phát triển vừa bảo tồn những dược liệu quý trên đỉnh Pu Si Lung. Ảnh: Minh Ngọc

Gia đình anh Pờ Và Hừ - một trong những hộ dân trồng sâm với diện tích lớn của bản cho biết: " Trước kia người dân La Hủ chỉ biết lên rừng tìm sâm về bán, đổi lấy gạo lấy lúa mà không biết củ Sâm Lai Châu có giá trị lớn thế nào. Dần dần cứ đào hái mà không biết trồng số lượng sâm cũng cạn kiệt dần. Thậm chí có những năm sâm lên giá cao, người người nhà nhà đổ xô vào rừng tìm sâm để bán". Những năm gần đây, gia đình anh Hừ và những gia đình khác trong thôn được biết đến chủ trương trồng và bảo vệ giống Sâm Lai Châu, nhiều hộ gia đình đã tham gia việc trồng sâm.

Ban đầu, người dân chủ yếu dựa vào kinh nghiệm đi rừng nhiều năm cha ông để lại. Trong quá trình trồng, người dân La Hủ dần rút kinh nghiệm để tìm ra phương án chăm bón phù hợp. Gia đình anh Hừ đã có một vườn sâm lên tới hơn 2.000m2. Trong quá trình đi rừng, anh Hừ kiếm được vài củ sâm rất to được nhiều người chào mua với giá cao. Tuy nhiên anh Hừ không bán mà để lại tìm cách nhân giống. Vườn sâm 4 năm tuổi của gia đình anh Hừ đã được quây lưới, đóng cọc che nắng mưa. Từng cây sâm được anh theo dõi sát sao quá trình sinh trưởng và phát triển. Chỉ cần phát hiện cây nào bị sâu bệnh là anh Hừ nhổ đem trồng ở một khu đất khác để tìm nguyên nhân.

Anh Hừ cho biết, vườn sâm của anh được đầu tư gần 1 tỷ đồng. Những năm gần đây, gia đình anh bắt đầu có thu nhập từ vườn sâm, mỗi năm thu trên dưới 100 triệu đồng từ việc bán cây giống. Anh Hừ hy vọng thời gian tới, thu nhập từ vườn sâm sẽ tăng hơn nhiều lần.

Đồng bào La Hủ trồng sâm trên đỉnh Pu Si Lung - Ảnh 2.

Những vườn ươm dược liệu vùng núi Tây Bắc. Ảnh: Minh Ngọc

Không chỉ dừng lại ở việc phát triển vườn ươm của gia đình, anh Hừ với cương vị trưởng bản cũng đã vận động bà con trong bản đi theo hướng trồng dược liệu để ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế. Đến nay, đã có 44 hộ trong tổng số 56 hộ ở bản Xín Chải B tham gia trồng dược liệu. Hộ nhỏ cũng vài chục mét, hộ lớn thì hàng trăm mét vuông trồng sâm.

Anh Pờ A Sồ nhờ có sự vận động và hướng dẫn của trưởng bản đã bỏ thói quen tìm sâm đổi lấy lúa gạo, thay vào đó anh tìm cây, hạt giống từ rừng về nuôi trồng tại vườn nhà. Nay diện tích vườn sâm của gia đình anh đã lên tới 100m2, mỗi năm cho thu nhập hơn 20 triệu đồng. Sắp tới, gia đình anh Sồ sẽ mở rộng diện tích để nâng cao thu nhập cho gia đình.

Đến nay, nhờ dược liệu, người dân La Hủ đã dần thoát khỏi cảnh đói nghèo. Năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo ở Xín Chải B là hơn 90%, đến nay chỉ còn hơn 40%. Sâm Lai Châu nói riêng và những dược liệu nói chung đã và đang mang lại cho người dân La Hủ cuộc sống ổn định trên đỉnh Pu Si Lung. 

Xem thêm video được quan tâm:

Uống trà khi ăn bánh trung thu có ích lợi gì? | SKĐS


PV
Ý kiến của bạn