Đồng bào Dao ở Yên Bái đưa quế từ rừng xuống phố

29-10-2023 10:20 | Y học cổ truyền
google news

SKĐS - Từ lâu, cây quế đã gắn liền với đời sống của người đồng bào dân tộc Dao tại Văn Yên (Yên Bái). Trước kia bà con dùng quế làm gia vị, dược liệu và được xem là một trong những thành phần không thể thiếu trong nhiều bài thuốc dân gian….

Bà con người Dao ở Văn Yên không nghĩ rằng, có một ngày cây quế - vốn dĩ là gia vị, là dược liệu thân thuộc với đời sống hàng ngày sẽ giúp nơi đây thoát khỏi cái nghèo. Cây quế- loại dược liệu đã mang đến "mùa xuân" cho cuộc sống của đồng bào Dao ở Yên Bái.

Là một trong những xã trọng điểm trồng quế - xã Đại Sơn cũng là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao, Tày, Mông… và người Dao chiếm tới 72% dân số của cả xã. Những năm gần đây, đời sống của người dân tộc đang dần khởi sắc nhờ cây quế. 

Đồng bào Dao ở Yên Bái đưa quế từ rừng xuống phố - Ảnh 1.

Văn Yên được biết đến là nơi có vùng trồng quế nổi tiếng với chất lượng tốt.

Gia đình ông Đăng Kim Thanh được biết đến là một trong những hộ trồng quế lâu đời của xã. Trước đây, gia đình chỉ trồng lẻ tẻ, tự phát dần dần biến thành cả một đồi quế. Những năm gần đây, nhờ áp dụng kỹ thuật canh tác chuẩn, thời gian khai thác quế đã rút ngắn hơn nhiều. Từ những câu quế 10-20 mới thu hoạch thì hiện tại chỉ cần 7-8 năm. Cây quế không chỉ đắt giá ở phần vỏ, các phần còn lại như cành, ngọn, lá… đều được thu mua để chế biến thành tinh dầu. Thậm chí với thân cây quế có thể bán tới giá 1,4 triệu đồng.

Chia sẻ thêm về việc phát triển quế, ông Thanh cho biết: "Gia đình tôi cũng có một vườn ươm quế giống, trung bình mỗi năm gieo ươm trên 5 vạn bầu quế giống. Số quế này được bán cho bà con trong thôn, xã".

Cũng như gia đình ông Thanh, ông Triệu Toàn Phú (xã Phong Dụ Thượng) nhờ áp dụng quy trình trồng quế hữu cơ, giá vỏ quế khô năm 2019 là 40.000đồng/kg nay đã được thu mua với giá 65.000đồng/kg. Giá trị kinh tế tăng cao hơn nhiều so với trước kia. Trong vụ mùa vừa qua, gia đình ông khai thác những cây quế đủ chất lượng và thu về hơn 180 triệu đồng lợi nhuận. 

Nhiều hộ gia đình cũng học theo quy trình trồng quế hữu cơ và đem lại hiệu quả kinh tế tốt hơn so với quế thường. Quế hữu cơ được trồng không sử dụng thuốc trừ sâu hay phân bón. Do đất tốt lại hợp khí hậu, quế ở đây cứ thế mà phát triển. Về quá trình chế biến, sau khi được bóc từ cây, vỏ quế được mang về phơi tại các sân gạch, không gần những nơi có phân hóa học hay thuốc trừ sâu…. 

Đồng bào Dao ở Yên Bái đưa quế từ rừng xuống phố - Ảnh 2.

Quế đã trở thành cây dược liệu chủ lực giúp bà con dân tộc ở Văn Yên thoát nghèo.

Ông Lê Hoàn (Chủ tịch xã Đại Sơn) chia sẻ: "Trung bình mỗi năm tại xã có tới 150ha trồng mới quế. Và hiện gần 100% người dân Đại Sơn đều trồng quế. Với khoảng 700 tấn quế thu về mỗi năm đem lại xấp xỉ 40 tỷ đồng. Nhờ cây quế mà nhiều gia đình người đồng bào dân tộc đã dần thoát nghèo, có cuộc sống ổn định".  

Các HTX trên địa bàn xã cũng không ngừng mở rộng sản xuất, chế biến và quảng bá các sản phẩm từ quế. Quy trình ươm trồng, chăm sóc, chế biến đạt chất lượng hữu cơ nhằm tăng giá trị sản phẩm ngày càng được nhân rộng. 

Với 52.000 ha quế phân bổ ở khắp 25 xã, thị trấn, huyện Văn Yên đã trở thành huyện có diện tích quế lớn nhất tỉnh Yên Bái. Không những vậy, chất lượng quế nơi đây được đánh giá rất tốt. Cây quế đã và đang trở thành cây dược liệu chủ lực gắn bó, nuôi sống và giúp hàng nghìn hộ dân của huyện. Bên cạnh đó, các hoạt động sản xuất, chế biến sản phẩm quế đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương.

Xem thêm video được quan tâm:

Uống trà khi ăn bánh trung thu có ích lợi gì? | SKĐS


PV
Ý kiến của bạn