Trong chuyến công tác ngược lên vùng biên giới của tỉnh Quảng Bình, Phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống tới với xã Thượng Trạch, một xã vùng biên nằm phía tây của huyện Bố Trạch. Ông Đinh Cu, Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch cho biết, xã hiện có 619 hộ với hơn 3.000 nhân khẩu, cư dân chủ yếu là đồng bào Bru – Vân kiều.
18 bản của xã Thượng Trạch nép mình dưới chân những dãy núi đá vôi, trong bạt ngàn cây rừng Trường Sơn. Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp cùng sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân, kinh tế - xã hội tại Thượng Trạch đã từng bước phát triển, cuộc sống của bà con nơi đây có nhiều đổi thay.
Cuộc sống của đồng bào gần như gắn liền với núi rừng, mong muốn hỗ trợ đồng bào vừa gìn giữ những giá trị đời sống tốt đẹp và phát triển bền vững tài nguyên rừng, tạo ra các giá trị sản phẩm từ rừng tự nhiên là niềm trăn trở của chính quyền các cấp và các cá nhân, tổ chức.
Nhận thấy, từ xa xưa, người Bru – Vân Kiều luôn coi măng rừng là một món quà thiên nhiên ban tặng và là một loại thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn hằng ngày. Với kỳ vọng tạo sinh kế lâu dài, bền vững cho bà con dân tộc từ sản vật gần gũi, tháng 6/2021, chính quyền xã Thượng Trạch đã quyết định thành lập Hợp tác xã Cà Roòng. Hợp tác xã này được thành lập với mục đích chế biến măng, đầu tư máy móc sản xuất, sấy ép, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo dựng bao bì, nhãn mác nhằm nâng cao giá thành măng rừng tự nhiên.
Các thành viên của hợp tác xã cùng với các hộ gia đình trên địa bàn toàn xã Thượng Trạch được chia thành các nhóm: khai thác, sơ chế, đóng gói... để tạo ra sản phẩm. Trung bình, mỗi ngày, hợp tác xã thu mua từ 300 - 600kg măng của người dân trên địa bàn với giá 4.000 đồng/kg măng tươi và 400.000 đồng/kg măng khô, bước đầu đã tạo nguồn thu nhập tương đối ổn định cho người dân.
"Trước đây, bà con hái măng rừng để ăn hàng ngày. Giờ có hợp tác xã, bà con chăm chỉ hái măng rừng để có măng ăn và bán đi được nhiều tiền hơn. Hợp tác xã Cà Roòng thu mua giúp bà con, đem về phơi sấy, tạo ra sản phẩm măng biên giới ngon và sạch về miền xuôi bán", ông Đinh Tiếng, trú tại bản A Ky, xã Thượng Trạch cho biết.
Theo Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch, từ cây măng mọc ở khắp núi rừng biên giới, đồng bào Bru - Vân Kiều ở xã Thượng Trạch đã tạo ra sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh với tên gọi măng khô Cà Roòng. Người dân địa phương cùng với hợp tác xã nỗ lực đưa sản phẩm đến một số siêu thị, cửa hàng giới thiệu nông sản sạch và nhận được phản hồi tích cực từ người tiêu dùng.
Bà Y Buốt, trú bản Nịu, xã Thượng Trạch - thành viên của Hợp tác xã Cà Roòng cho biết, để phát triển sản phẩm măng rừng OCOP cũng không ít khó khăn. Bởi thu hoạch măng cần theo mùa và tình hình thời tiết.
"Bà con đi lấy số lượng măng cũng nhiều, có khi đi cả gia đình mỗi ngày được 2 đến 3 bao to, thu nhập từ 500.000 - 600.000 đồng. Từ khi có hợp tác xã, cách nghĩ về làm kinh tế của bà con cũng thay đổi nhiều rồi. Dân bản cũng trồng nhiều sắn, keo phát triển kinh tế nhưng việc lấy măng rừng cho thu nhập nhiều hơn cả", bà Y Buốt thông tin.
Ông Lê Công Toán, Bí thư Huyện ủy Bố Trạch cho biết, thời gian tới, địa phương sẽ chú trọng tập huấn, đào tạo kiến thức chuyên sâu cho cán bộ quản lý, phụ trách chương trình, tập huấn hướng dẫn bà con sản xuất các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.
Theo ông Toán, huyện sẽ hỗ trợ các địa phương phát triển vùng nguyên liệu và xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị, hỗ trợ thiết kế và in ấn bao bì, nhãn mác; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc; chứng nhận chất lượng; đăng ký sở hữu trí tuệ và xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm.
Một Số Bệnh Thường Mắc Phải Vào Mùa Đông Và Cách Phòng Tránh