Donetsk tuyên bố độc lập, muốn sáp nhập vào Nga

08-04-2014 09:05 | Quốc tế
google news

Những người thân Nga ở vùng Donetsk, miền đông Ukraine, hôm nay bỏ phiếu đồng thuận về tuyên bố thành lập một quốc gia độc lập, sau khi tổ chức chiếm giữ các tòa nhà chính quyền ở địa phương.

Những người thân Nga ở vùng Donetsk, miền đông Ukraine, hôm nay bỏ phiếu đồng thuận về tuyên bố thành lập một quốc gia độc lập, sau khi tổ chức chiếm giữ các tòa nhà chính quyền ở địa phương.

Người biểu tình ủng hộ Nga bao vây và chiếm giữ một tòa nhà chính quyền ở miền đông Ukraine. Ảnh: AFP
Người biểu tình ủng hộ Nga bao vây và chiếm giữ một tòa nhà chính quyền ở miền đông Ukraine. Ảnh: AFP.

Theo RT, vào 12h20 giờ địa phương, phiên họp của Hội đồng Donbass (vùng Donetsk) đã diễn ra tại hội trường chính của hội đồng khu vực và nhất trí thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk.

Hội đồng trên tự tuyên bố là cơ quan hợp pháp duy nhất trong vùng cho đến khi các khu vực ở đông nam Ukraine tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc sát nhập Nga, dự kiến diễn ra muộn nhất vào ngày 11/5 tới.

"Cộng hòa Donetsk được thành lập trong các biên giới hành chính của vùng Donetsk. Quyết định này sẽ có hiệu lực sau trưng cầu dân ý", tuyên bố của Hội đồng Donbass cho biết.

Hội đồng ở Donetsk cũng gửi thỉnh cầu đến Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tạm thời đến khu vực này.

"Không có sự hỗ trợ, chúng tôi sẽ rất khó chống lại chính quyền ở Kiev", thông báo viết. "Chúng tôi thỉnh cầu Tổng thống Nga Putin vì chúng tôi chỉ có thể giao phó an ninh của chúng tôi cho Nga".

Việc Donetsk tự tuyên bố độc lập diễn ra sau khi khoảng 2.000 người biểu tình ủng hộ Nga chiếm giữ các tòa nhà chính quyền địa phương và đòi đi theo con đường sát nhập Nga của bán đảo Crimea.

Tại cuộc họp nội các khẩn cấp, Thủ tướng lâm thời Ukraine Arseniy Yatsenyuk cáo buộc Moscow đứng sau những diễn biến trên.

"Kế hoạch này nhằm gây bất ổn tình hình để cho các binh sĩ nước ngoài vượt biên và chiếm lãnh thổ của quốc gia. Chúng tôi sẽ không cho phép điều đó", ông nói và nhấn mạnh rằng những người tham gia biểu tình có giọng Nga đặc trưng.

Theo ông, quân đội Nga vẫn duy trì trong khu vực cách biên giới Ukraine 30 km.

Căng thẳng đang gia tăng ở khu vực miền đông Ukraine, nơi có đa số người dân nói tiếng Nga, kể từ khi ông Viktor Yanukovych bị mất ghế hồi tháng hai, và chính phủ lâm thời ở Kiev ủng hộ việc thắt chặt quan hệ với Liên minh châu Âu (EU).

Nga coi chính phủ mới ở Kiev là bất hợp pháp và đã sát nhập bán đảo tự trị Crimea với lý do có những mối đe dọa với cộng đồng nói tiếng Nga ở vùng này. Động thái làm dấy lên cuộc đối đầu lớn nhất giữa Nga và phương Tây kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.

 


Ý kiến của bạn