Đón xuân, nên uống rượu bia vừa phải

24-02-2015 15:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Bất cứ loại bia nào cũng chứa rượu tức cồn tuyệt đối với hàm lượng thường là 2 - 4%.Và mọi thứ nguy hại của rượu bia chính là tác dụng của rượu nếu uống không chừng mực.

Trong cuộc vui, đặc biệt đón Xuân vui Tết, người ta thường uống rượu bia. Bất cứ loại bia nào cũng chứa rượu tức cồn tuyệt đối với hàm lượng thường là 2 - 4%.Và mọi thứ nguy hại của rượu bia chính là tác dụng của rượu nếu uống không chừng mực.

Có một số người hay uống rượu bia pha với nước ngọt. Vậy có nên thường xuyên pha rượu bia với nước ngọt để uống cho vui và khoái khẩu mà không có hại?

Rượu bia: “cô gái nham hiểm”

Trong tranh vui về rượu bia, rượu bia thường được vẽ nhân cách hóa là cô gái hiền hậu dễ thương vì khi được uống vừa đủ sẽ có tác dụng kích thích người uống ăn ngon miệng, tinh thần phấn chấn, dễ bắt chuyện, trao đổi vui vẻ, cởi mở với nhau trong các buổi tiệc tùng. Nhưng thực chất, rượu bia cần được xem là cô gái nham hiểm, bởi vì nó dễ gây ngộ nhận làm cho người ta tưởng uống rượu nhiều, uống quá độ cũng không sao nên uống vô độ đến độ trở thành nạn nhân của sự tác hại của rượu bia.

Đối với cơ thể ta, rượu hay cồn được xem như là chất độc không hơn không kém. Khi uống thức uống có cồn, rất nhiều cơ quan trong cơ thể ta phải làm việc cật lực để giải độc và thường là thích ứng với sự độc này. Rượu bia được xem là kẻ nham hiểm bởi vì nó không làm cho kẻ uống nó ngộ độc tức khắc (trừ trường hợp ngộ độc nặng như kiểu uống rượu dỏm chứa độc chất methanol đưa đến tử vong) mà rượu bia phá hủy cơ thể người dùng nó một cách ngấm ngầm, để đến lúc nào đó trở thành người nghiện rượu gục xuống trong cơn bạo bệnh không thể cứu chữa được. Cơ quan chịu tác động nhiều nhất của rượu bia là hệ thần kinh trung ương (uống rượu lâu dài sẽ bị nghiện rượu là bệnh được xếp vào nhóm “bệnh tâm thần” ngang hàng của nghiện ma túy), kế đến là gan (dễ bị xơ gan), rồi đến dạ dày tá tràng (bị viêm loét dạ dày - tá tràng, xuất huyết tiêu hóa)…

Ngày Tết không nên hạn chế rượu bia để vui xuân đúng nghĩa. Ảnh minh họa: internet

Ngày Tết không nên hạn chế rượu bia để vui xuân đúng nghĩa. Ảnh minh họa: internet

Nhiều người trông thấy kẻ uống rượu bia như bị “kích thích” khi bắt đầu say xỉn, nói năng có khi bất chấp, dám có những hành động bình thường không dám làm nên tưởng rằng rượu có tác dụng “kích thích”. Thực ra, rượu bia chỉ có tác dụng “ức chế” (trong Dược lý học, rượu được xếp vào nhóm thuốc gây mê tức nhóm thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương). Rượu bia ức chế vùng vỏ não điều khiển sự tự chủ, biết kềm chế của chúng ta. Nếu vùng vỏ não này bị ức chế, ta sẽ tung hê, dám làm những việc trước đây không dám làm vì thế, cứ tưởng là bị kích thích. Uống nhiều rượu bia sẽ làm tê liệt hệ thần kinh tự chủ, sự phán đoán và ý thức đạo đức. Hậu quả tất nhiên của việc lạm dụng rượu bia sẽ đến là hành vi bạo lực, tai nạn giao thông và tệ nạn xã hội. Uống nhiều rượu bia, người ta dễ buông thả trong tệ nạn “bia ôm” và bất kể trong vấn đề “an toàn tình dục”.

Rượu bia có cung cấp năng lượng nhưng lại là năng lượng “vô bổ”, tạo phản ứng đốt cháy trong cơ thể để người uống rượu bia có cảm giác nóng bừng lên thôi, chứ không thêm sức lực. Người uống rượu bia thấy nóng, có vẻ chịu được lạnh rét nhưng xin lưu ý hiện tượng có cảm giác nóng bừng là do rượu làm dãn mạch máu (uống thấy mặt đỏ là vậy), có tác dụng tải nhiệt qua da chứ không làm tăng thân nhiệt để chịu lạnh rét. Chính hiện tượng này làm người uống rượu bia dễ mất cảnh giác không sợ lạnh, ngủ mình trần rất dễ bị cảm lạnh mà nhiều người gọi là “trúng gió”. Ta nên lưu ý hiện tượng này để đừng uống say xỉn quá, ngủ bạ đâu đó, không có sự che đấp cần thiết sẽ đưa đến bệnh hoạn.

Nguy hiểm: rượu bia pha nước ngọt

Hiện nay có cách uống rượu bia mới nhìn qua tưởng là có ích nhưng suy tính kỹ thì có thể gây hại khôn lường. Đó là uống rượu bia pha với nước ngọt. Nước ngọt đây là nước giải khát có đường (sucrose). Khi pha với rượu bia làm cho vị bia không còn đắng mà thật quyến rũ đối với các vị nam giới “hảo ngọt” (hảo ngọt đây là thích vị ngọt thật sự chứ không ám chỉ người thích các “em gái ngọt ngào”). Có người thích pha rượu bia với ngước ngọt tăng lực vì thích ngoài vị ngọt còn muốn sự “tăng lực” hỗ trợ cho bia. Có người thích pha rượu bia với nước ngọt trong suốt như nước giải khát “7 up” để cho người khác không biết mình đã pha bia với nước ngọt và vị của sự pha này cũng khá là ngon (đặc biệt đối với người mới bắt đầu uống rượu bia chưa quen với bia nguyên chất).

Đối với người không uống rượu bia thường xuyên, lâu lâu mới uống và uống không nhiều thì việc pha ngọt cho rượu bia không có gì đáng lo ngại. Nhưng nếu uống thường xuyên và chính vị ngọt khoái khẩu làm cho uống thật nhiều thì hệ lụy xấu sẽ xảy ra.

Đường chứa rất nhiều trong nước ngọt có thể trở thành tội đồ. Trong dạng thuốc sirô, đường là “chất dẫn” rất tốt, giúp cho tác dụng nhiều loại thuốc có tác dụng nhanh hơn và tốt hơn. Cũng thế, đường có trong rượu bia pha nước ngọt làm cho rượu trong bia phân tán nhanh khắp nơi trong cơ thể người uống, đặc biệt là hệ thần kinh, do đó làm cho người ta dễ say xỉn nhanh và nhiều hơn.

Đường là chất dinh dưỡng tạo năng lượng nên dùng chừng mực. Nếu người uống rượu bia pha nước ngọt quá nhiều sẽ dễ bị dư cân béo phì. Đặc biệt, nếu người đó đã bị rối loạn gọi là “hội chứng chuyển hóa” hoặc đã bị “ tiền đái tháo đường” sẽ dẫn đến đái tháo đường týp 2 thật sự.

Chính do khoái khẩu khi uống rượu bia pha nước ngọt dễ đi đến uống rượu bia thường xuyên hơn. Và cũng do một tính chất gây lệ thuộc của rượu là làm “lờn rượu”, tức càng ngày càng phải uống nhiều hơn để cảm thấy thế mới đã. Thế là, chẳng chóng thì chầy người thích uống rượu bia pha nước ngọt sẽ đi đến nghiện rượu bia. Và cũng như nghiện ma túy, nghiện rượu bia rất khó cai nghiện, và biết bao hệ lụy xảy ra do sự nghiện này.

Đón Xuân xin chúc các bạn nên uống rượu bia vừa phải.

PGS.TS. NGUYỄN HỮU ĐỨC

 


Ý kiến của bạn