Đón xuân mới, nhớ Tết xa nhà xưa

24-02-2013 03:10 | Văn hóa – Giải trí
google news

Chúng tôi là những giáo viên đầu tiên của Trường THPT Hòn Ðất, Kiên Giang. Ðây là trường PTTH đầu tiên của huyện Hòn Ðất anh hùng. Hòn Ðất là một huyện lớn của tỉnh Kiên Giang, nay có tới 6 trường THPT. Cho đến nay, dù mấy chục năm trôi qua nhưng những kỷ niệm buồn vui gian khó một thời chúng tôi còn lưu giữ mãi.

Chúng tôi là những giáo viên đầu tiên của Trường THPT Hòn Ðất, Kiên Giang. Ðây là trường PTTH đầu tiên của huyện Hòn Ðất anh hùng. Hòn Ðất là một huyện lớn của tỉnh Kiên Giang, nay có tới 6 trường THPT. Cho đến nay, dù mấy chục năm trôi qua nhưng những kỷ niệm buồn vui gian khó một thời chúng tôi còn lưu giữ mãi.

Trong hơn 800 ngàn giáo viên phổ thông cả nước hiện nay, không ít giáo viên vẫn phải đón Tết xa quê. Tết Quý Tỵ vừa qua, cũng có bao nhiêu thầy giáo phải xa nhà vì nhiều lý do. Xin kể hầu bạn đọc  vài kỷ niệm nhỏ trong những năm tháng đầu tiên đi dạy học, đón Tết xa nhà của chúng tôi để nhớ về một thời…

Người già cũng… khóc

Trường THPT Hòn Đất được thành lập năm 1981, số giáo viên cho đến đầu những năm 90 mới chỉ hơn chục người. Trừ một giáo viên quê Tiền Giang, còn lại đều ở phía Bắc.

30 Tết, chúng tôi cũng tổ chức gói bánh chưng rồi cùng thức đón giao thừa. Và thể nào cũng có một nồi cháo gọi là “cháo tất niên” để đến giao thừa cùng ăn vui vẻ. Anh em quây quần vừa uống rượu xuân, cùng hát. Hồi đó làm gì có thiết bị karaoke như bây giờ đâu. Cứ tự “chiến”, Đoàn Hải D. biết đàn đệm ghi-ta bập bùng còn anh em xung quanh thì gõ đũa, gõ bát làm nhạc. Các “ca sĩ” khi hát bài nghiêm chỉnh, khi tự bịa lời nghêu ngao để quên khó khăn và vơi bớt nỗi nhớ nhà.

Đều là giáo viên trẻ, nhớ nhà lắm. Nhưng trong những giờ khắc “nhạy cảm” như giao thừa đón xuân anh em đều biết ý không nhắc hoặc không làm gì để tình cảm bị đẩy lên cao trào thái quá. Ai mắc phải coi như phạm luật và phải uống 1 ly rượu “phạt”. Vậy mà người đầu tiên “phạm luật” nặng nhất lại là một bậc cao niên. Năm 1985, trường được đón thầy Nguyễn Đình C. (quê Thái Bình) vào phụ trách môn giáo dục công dân. Thầy khi đó tuổi đã ngũ tuần, trong khi chúng tôi chỉ trên đôi mươi nên coi thầy như bậc cha chú. Thầy lại có thâm niên tuổi đảng nên được bầu làm Bí thư Chi bộ.

Năm đầu tiên thầy đón Tết cùng anh em. Trước đó, với tư cách là Bí thư Chi bộ, thầy nêu ý kiến tổ chức cho anh em ở lại đón Tết thật đầm ấm, vui vẻ. Giao thừa, đến tiết mục “tiếng hát quê hương”, chúng tôi hát bài Nghe tiếng trống quê hương để tặng thầy. Chúng tôi đang say sưa:

Sẽ đưa em về thăm quê hương anh nơi Tiền Hải

Nghe sóng biển Đồng Châu vui mê mải hát bốn mùa…

Bỗng nhiên thầy C. ôm mặt khóc hu hu, cánh giáo viên trẻ vội xúm lại động viên thầy. Nhưng thầy lại càng khóc to hơn, vừa khóc vừa mếu máo “tớ nhớ nhà quá, nhớ bà nhà tôi và các cháu quá các cậu ơi”. Chúng tôi bỗng lúng túng vì thầy C. là người lớn tuổi, “dày dạn trận mạc” (theo cách nói vui của nhiều người khi đó) nhất. Tôi thấy 1-2 người đã rơi nước mắt. Rất may, anh Phan Văn D. - Hiệu trưởng đưa mắt ra hiệu cho chúng tôi và nói khẽ vào tai thầy C: “Anh C. ơi, hôm trước anh nói vậy mà hôm nay anh lại thế, anh em bỏ về phòng hết thì không vui đâu”.

Thầy C. như chợt tỉnh, vội lau nước mắt và ngồi lại vào mâm cỗ tất niên. Chẳng ai dám phạt thầy nhưng thầy đã tự rót 1 ly rượu để “xin tự phạt” lỗi của mình. Và cuộc vui đón xuân lại tiếp tục…

Cũng cuối năm đó, thầy C. đón cả gia đình vào lập nghiệp tại Hòn Đất. Nay con cái thầy đều trưởng thành, làm ăn phát đạt. Con trai thứ của thầy hiện là Trưởng Chi cục Thuế của huyện Hòn Đất.

Bắn súng dọa… ma

Mới thành lập, trường chỉ có 8 giáo viên thì đã có 4 người là sĩ quan dự bị, đeo lon thiếu úy. Tình hình chung đất nước ngày đó là vậy, nếu chiến tranh xảy ra, giáo viên sẽ trở thành những người lính. Ngày đó, trường chưa có biên chế bảo vệ như bây giờ. Chúng tôi phải tự lập đội bảo vệ, làm việc không công. 

Xét tỉ lệ biên chế quân hàm quân hiệu khi đó thì trường chúng tôi được đánh giá là đơn vị mạnh. Huyện đội Hòn Đất cấp cho chúng tôi cả súng R15. Trường mới thành lập, kinh phí xây dựng không có, phần nhiều dựa vào nguồn tài trợ. Đâu báo cho vật tư, có khi chỉ là nhà xưởng thanh lí họ cho trường là thầy trò lại mượn xuồng máy đi chở. Vì phải mượn nên thời gian đi phụ thuộc vào chủ xuồng, có khi phải đi đêm xuống các nông trường như Mỹ Lâm, Bình Sơn hay sang các huyện bạn để chở vật tư về dựng trường, dựng lớp. Các chuyến đi xa, chúng tôi mang cả súng đi để tự vệ.

Bây giờ, trường được xem là có vị trí đẹp, nhưng hồi đó thì trống trải vô cùng, chẳng có bờ rào, bờ giậu gì cả. Công tác bảo vệ thật khó khăn. Có súng nhưng chúng tôi chưa bao giờ phải sử dụng cả. Năm ấy, đúng 30 Tết, gần 11 giờ đêm, anh em đang tập trung tíu tít chuẩn bị đón giao thừa thì Lê Trung A xách khẩu R15 ra ngoài. Bình thường thôi, mọi người nghĩ vậy.

Bỗng đoành, đoành, đoành…, một loạt súng vang lên xé toang màn đêm. Chúng tôi chồm cả dậy. Theo phản xạ, mỗi người vội cầm một thứ phòng thân, lom khom men theo các hàng cây chạy về phía tiếng súng nổ. Trong trời đêm, chúng tôi vẫn nhận ra bóng Trung A đang đứng dạng chân, khẩu súng vẫn tì trên vai hướng về phía biển, có vẻ như lại chuẩn bị bóp cò.

- Gì thế? Gì thế Trung A?, mọi người hỏi dồn dập.

- Có gì đâu. Im ắng quá, anh em lại ở trong đó cả, tao bắn để dọa kẻ gian mà.

Ối giời ơi! Bố làm chúng con… vãi hết cả linh hồn! Nào thấy kẻ gian đâu. Dọa… ma thì có. Cho đến giờ, mỗi khi có dịp gặp lại nhau, nhớ lại cảnh khi nghe tiếng súng, người cầm dao, kẻ cầm gậy lao vào bóng đêm 30 Tết ấy, chúng tôi vẫn không khỏi bật cười.

Chia nhau đi ăn Tết

Xa nhà nhưng chúng tôi nhận được rất nhiều tình cảm yêu thương của bà con xứ Hòn nổi tiếng anh hùng, trung dũng.

Tết, biết các thầy không về quê ăn Tết được, nhiều phụ huynh gửi quà đến biếu. Quê nghèo, quà chẳng có gì to tát nhưng đó là cả tấm lòng. Có khi chỉ là một chiếc bánh tét, một giỏ khoai mì. Có phụ huynh năm nào cận Tết cũng chở hẳn một xuồng dưa hấu đến, đưa tận nơi mỗi phòng thầy cô một cặp dưa đỏ đón xuân.

Có công việc hiếu hỉ gì nhiều phụ huynh lại đến mời các thầy. Chân tình lắm, mà hồi đó các thầy chỉ đến góp mặt cho vui chứ đâu có “văn hóa phong bì” như bây giờ. Có phụ huynh mang cả xuồng đến rước, nằng nặc hỏi thầy này, thầy kia đâu. Không thể chối từ, không đến được thì cảm thấy rất có lỗi với gia đình.

Ngày Tết, nhiều lời mời quá thành thử không thể đến hết được. Mọi người phải chia nhau người đi nhà này, người đi nhà kia kẻo bà con lại trách. Có người thấy khó mời được đông đủ các thầy liền bảo thôi chưa tổ chức mời các thầy vội, hẹn ra Giêng đón tất cả các thầy vào cho vui. Mà thế thật. Ra Giêng, họ tổ chức hẳn vào một ngày chủ nhật để các thầy đến được đông đủ.

Cho đến giờ, mấy chục năm trôi qua, tôi vẫn không thể quên những ngày tháng gian nan ấy và những ly rượu chân tình của bà con xứ Hòn đã khoản đãi chúng tôi ngày nào. Tấm chân tình mộc mạc đồng quê đã khơi nguồn cho chúng tôi nghị lực để vượt qua bao khó nhọc, nỗi nhớ quê hương mà vững vàng trên bục giảng…

Vũ Quốc Lịch


Ý kiến của bạn