Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương quân đội 108 cho biết, BV đã tiếp nhận và cấp cứu kịp thời cho trường hợp này.
Theo đó, sau khi sinh con trên xe xong, lập tức xe đến Bệnh viện, ekip y bác sĩ khoa Sản đã nhanh chóng có mặt, đưa hai mẹ con vào cấp cứu, thực hiện các biện pháp ủ ấm, ổn định thân nhiệt, đồng thời hút đờm nhớt, làm thông đường thở, kẹp và cắt dây rốn cho bé.
Kíp y bác sĩ BV 108 đón hai mẹ con sản phụ tại xe taxi
Sau đó, hai mẹ con sản phụ được chuyển lên khoa Sản tiến hành bóc nhau nhân tạo, dùng thuốc tăng co bóp tử cung, để cầm máu, kiểm tra tổn thương đường sinh dục, xử lí vết rách tầng sinh môn cho sản phụ, tiêm phòng uốn ván và chống nhiễm trùng cho cả 2 mẹ con.
Hiện sức khoẻ hai mẹ con sản phụ hoàn toàn ổn định, bé sơ sinh nam nặng 2,9 kg, hồng hào, khỏe mạnh, bú tốt.
Các bác sĩ sản khoa khuyến cáo, trường hợp sản phụ đẻ trên taxi rất dễ khiến cả mẹ lẫn con gặp một số nguy hiểm: Mẹ có thể rách phức tạp tầng sinh môn, băng huyết, dễ nhiễm trùng, dễ choáng, thậm chí ảnh hưởng tính mạng. Còn em bé có thể bị chấn thương, nhiễm trùng, hạ thân nhiệt do không đủ điều kiện chăm sóc tốt nhất.
Nếu không may trẻ bị đẻ rơi, phải được thực hiện một cách khẩn cấp ngay tại chỗ xảy ra đẻ rơi và tùy theo tình huống cụ thể của sản phụ khi đó để can thiệp. Trước hết phải nhanh chóng giải phóng thai nhi ra khỏi quần hoặc váy áo của sản phụ, sau đó nếu có sẵn túi đỡ đẻ sạch vô trùng thì xé ngay bao gói để sử dụng các vật liệu, dụng cụ đã có sẵn ở trong đó.
Cần trải tấm ni-lông ngay tại nơi bà mẹ đẻ rơi và đặt đứa trẻ sơ sinh nằm vào đó, ủ ấm trẻ bằng bất cứ thứ gì có thể có được ở người mẹ và người xử trí can thiệp như khăn, áo, giấy báo... Sau đó chuyển đứa trẻ sơ sinh cho người mẹ ôm sát vào người để hạn chế tình trạng trẻ bị nhiễm lạnh và tìm mọi cách chuyển hai mẹ con đến cơ sở y tế nơi gần nhất để được chăm sóc tiếp tục.
Nếu trường hợp không có sẵn túi đỡ đẻ sạch vô trùng thì ngay lập tức phải ủ ấm trẻ sơ sinh bị đẻ rơi bằng mọi vật dụng đồ vải có sẵn tại chỗ. Tiếp theo tìm một sợi dây nhỏ, mềm, bất cứ là loại dây gì như dây rút, dây xé từ vạt áo hay khăn tay, dây buộc đồ đạc... để buộc chặt dây rốn càng xa nơi của phần dây rốn ở bụng trẻ sơ sinh càng tốt. Lưu ý không được cắt dây rốn, sau đó tìm mọi cách chuyển ngay hai mẹ con đến cơ sở y tế nơi gần nhất để tiếp tục xử trí can thiệp cho cả mẹ lẫn con như nội dung đã nêu ở trên.
BS.Nguyễn Trâm Anh