Câu chuyện của bà Nguyễn Thị Bích Liên, 59 tuổi, trú tại Q. Nam Từ Liêm (TP. Hà Nội) sống sót diệu kỳ ở vực sâu Yên Tử khiến dư luận không khỏi ngạc nhiên. Trở về sau 7 ngày, người phụ nữ vẫn tỉnh táo, minh mẫn. Tay chân bà chằng chịt những vết xước, mẩn đỏ vì leo trèo nơi vách đá, rừng núi hiểm trở.
Chiều ngày 4/5, ông Hoàng Phúc Khánh (65 tuổi), cho biết, hiện ông đã đưa vợ nhập viện để theo dõi sức khỏe. Cũng theo ông Khánh, đây là lần đầu tiên vợ ông tới tham quan khu vực chùa Yên Tử. Những lần trước đó, bà Liên vẫn thỉnh thoảng tự bắt xe đi mua thuốc chỗ thầy lang ở Quảng Ninh.
"Cũng chỉ nghĩ cô sáng đi tối về thôi, giấy tờ không mang theo, xe máy thì gửi ở bến xe Mỹ Đình. Liên lạc sau khoảng 1 ngày đêm, đến tận trưa hôm sau tôi gọi thấy máy thuê bao. Tôi nhờ bạn bè đi tìm ở bệnh viện, nghĩ có thể bà bị tai nạn. Sau đấy tôi lại nghĩ đến trường hợp khác, lại đến trụ sở công an báo cáo", ông Khánh kể.
Bà Liên sống sót trở về sau 7 ngày dưới vực sâu
Sau 4, 5 ngày không liên lạc được với vợ, ông Khánh đã chuẩn bị tâm lý nghĩ đến tình huống xấu nhất. Thậm chí ông còn tự trách bản thân, nghĩ rằng có khi nào bà giận dỗi ông điều gì nên mới bỏ đi như vậy hay không.
"Thường thường từ trước giờ đi có điện thoại báo, đi qua đêm là gọi. Đợt trước bà cũng có dặn, tôi sẽ đi lên Yên Tử một chuyến xả stress, nhưng chưa định là ngày nào đi.
Hôm vừa rồi bà đi đột xuất, chắc lúc ý có công việc gì hay bức xúc với tôi như thế nào đấy nên bảo muốn lên chùa khấn. Cuộc sống cũng hơi căng thẳng nên muốn đi cho nhẹ nhàng. Cũng chẳng biết, có khi là dỗi tôi", ông Khánh nói.
Vợ chồng ông Khánh có tất cả 4 người con, 2 người con hiện đang ở nước ngoài, 2 người con còn lại vẫn còn nhỏ, năm nay mới học lớp 9. Biết tin mẹ mất tích, các con không ngừng đăng tải thông tin tìm kiếm lên mạng xã hội, mặt khác vẫn an ủi cha nên bình tĩnh, tránh suy nghĩ tiêu cực, chờ kết quả từ phía công an điều tra.
Ông Khánh nhờ bạn bè tìm kiếm, tới công an trình báo vợ mất tích.
Cuộc gọi đầu tiên cho vợ
Khoảng 11h trưa ngày 3/5, người đàn ông 65 tuổi bất ngờ nhận được cuộc gọi từ ban quản lý chùa Yên Tử, báo rằng tìm thấy bà Liên.
"Người ta gọi tôi mà tôi không tin, tôi bảo gọi Zalo cho tôi, để tôi gặp bà. Thì đúng là bà ở trên Yên Tử. Bà bảo tôi nếu lên đón thì đi 1 mình thôi, đừng phiền hà người khác. Tôi mới bảo vậy nhờ bên ban quản lý đưa về vì thú thực tôi cũng bệnh tật, không tiện đi lại được".
Đón bà Liên trở về, nhìn thấy vợ bơ phờ, mệt mỏi, người đầy những vết thương, ông Khánh xót xa. Được biết, thời điểm bị ngã, chiếc điện thoại của bà bị rơi nên bà Liên không thể liên lạc được với ai. Người lả đi và cũng không thể kêu cứu vì mắc kẹt nơi hiểm trở, người phụ nữ 59 tuổi đã phải dùng ít cơm nắm và nước uống mang theo. Khi hết nước thì nạn nhân có nhặt một số chai nước thừa rơi xuống vực để sống sót qua ngày.
(Nguồn ảnh: Lao Động)
Thời điểm bị rơi xuống vực, khu vực chùa Yên tử có mưa và gió to. Bà Liên cố giữ sự bình tĩnh, tìm được một số đồ vật có thể tạo âm thanh như miếng sắt, hòn đá để vừa gọi vừa gõ nhưng mãi không ai nghe và tìm cách tạo lửa nhưng không được. Cho đến sáng sớm 3-5, thức dậy bà lại tiếp tục gõ, gọi và một cán bộ ban quản lý nghe thấy.
"Người ta bảo bà bịa chuyện, hoang tưởng nhưng tôi nghĩ không phải đâu. Người ở ban quản lý họ nói với tôi vậy mà. Chỗ đó xảy ra 3, 4 trường hợp rồi, trường hợp cô là đặc biệt nhất vì trước tầm khoảng 3 ngày là người ta cứu được rồi.
Tôi cũng thấy hơi diệu kỳ đấy, nhưng tôi nghĩ cũng đúng thôi. Quy luật sinh tồn là có, trước tôi đi rừng cũng biết rồi, cô cũng là người hiểu biết nên có thể tìm ra được sự sinh tồn đó", ông Khánh cho hay.
Hiện bà Liên vẫn đang nằm tại viện, chờ kết quả khám từ bác sỹ. Người phụ nữ 59 tuổi vẫn luôn ân hận vì trước khi đi không báo cho người thân. Vụ việc vừa qua sẽ là bài học lớn mà vợ chồng ông không thể quên.
Xem thêm video đang được quan tâm
Việt Nam ứng phó với COVID-19 theo 2 kịch bản để sớm trở thành bệnh lưu hành