UBND tỉnh Hải Dương vừa ban hành kế hoạch sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn. Theo đó, quá trình sắp xếp đảm bảo các quy định của Trung ương, bám sát nguyên tắc và tiêu chuẩn theo quy định mới để thành lập các xã, phường. Sau sắp xếp tạo ra được sự liên kết giữa các đơn vị hành chính không ngắt quãng, liên thông giữa các đơn vị, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Cụ thể, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã mới căn cứ vào vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên - xã hội có thể hình thành đơn vị hành chính có quy mô (diện tích, dân số) lớn hơn hoặc nhỏ hơn quy định.
Đối với một số khu vực mang tính đặc thù (như Khu vực quy hoạch khu kinh tế chuyên biệt tại huyện Thanh Miện và huyện Bình Giang, vùng đô thị động lực định hướng theo Quy hoạch tỉnh), thì thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không giới hạn trong phạm vi địa giới hành chính của cấp huyện, cấp xã hiện nay…

Xã Bình Xuyên (huyện Ninh Giang) nằm trong kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính của tỉnh Hải Dương. Ảnh: Đ.Tùy.
Trong thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã phải đảm bảo cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán, kết nối hệ thống di tích lịch sử; đồng thời đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Cũng theo kế hoạch của UBND tỉnh Hải Dương, dự kiến việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã dựa trên các tiêu chí: Xã mới sau sắp xếp có đồng thời diện tích tự nhiên và quy mô dân số đạt từ 200% trở lên theo tiêu chuẩn của xã quy định hiện tại. Cụ thể, diện tích tự nhiên từ 42 km2, quy mô dân số từ 16.000 người trở lên.
Đối với phường mới sau sắp xếp có đồng thời diện tích tự nhiên từ 15km2 trở lên, quy mô dân số đạt từ 30.000 người trở lên. Trường hợp sắp xếp từ 3 đơn vị hành chính cấp xã trở lên thành 1 xã, phường mới thì không phải đánh giá tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định.
Liên quan đến đặt tên cho đơn vị hành chính cấp xã, phường mới sau sau sắp xếp cần dễ đọc, dễ nhớ, ngắn gọn, bảo đảm tính hệ thống, khoa học, phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương và được nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ. Khuyến khích đặt tên của xã, phường theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin.

Dự kiến phường mới sau sắp xếp ở Hải Dương có đồng thời diện tích tự nhiên từ 15km2 trở lên, quy mô dân số đạt từ 30.000 người trở lên. Ảnh: Đ.Tùy.
Đối với trụ sở làm việc, cần lựa chọn trụ sở của 1 đơn vị hành chính Trung tâm làm trụ sở mới sau sắp xếp. Trung tâm phải có vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ (nhất là hệ thống giao thông kết nối).
Trung tâm hành chính mới cần có không gian phát triển trong tương lai phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội của đơn vị hành chính mới. Khi nhập xã, thị trấn hoặc đô thị loại V, cần ưu tiên lựa chọn Trung tâm là đô thị hoặc nơi đã được quy hoạch là đô thị loại V…
Theo kế hoạch, trên cơ sở báo cáo, tờ trình và hồ sơ của UBND cấp huyện, Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thẩm định, tổng hợp thành Đề án chung của tỉnh và báo cáo UBND tỉnh Hải Dương. Tiếp đó, UBND tỉnh báo cáo, xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh và hoàn thiện hồ sơ để trình HĐND tỉnh xem xét thông qua tại kỳ họp tháng 4/2025.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Thẻ BHYT giấy sẽ hết hiệu lực từ 1/6: Người dân cần làm gì? | SKĐS