Hà Nội

Đơn vị chống đau đầu tiên của Bắc Trung bộ

24-11-2017 06:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An thời gian qua đã nỗ lực không ngừng, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phục hồi chức năng thành công cho nhiều ca bệnh phức tạp, đem lại niềm vui và niềm tin cho người bệnh.

Bệnh viện tăng cường áp dụng các phương pháp điều trị không dùng thuốc phối hợp các phương pháp điều trị khác nhằm nâng cao hiệu quả điều trị góp phần thu dung người bệnh, đảm bảo quyền lợi được khám, điều trị phục hồi chức năng của nhân dân. Bệnh viện đã chủ động mời các chuyên gia giỏi đầu ngành về trực tiếp đào tạo, thăm khám, chuyển giao kỹ thuật cho bác sĩ từ đó chất lượng chuyên môn của bác sĩ đã được nâng lên rõ rệt. Báo SK&ĐS đã phỏng vấn ThS. Thái Thị Xuân, Giám đốc BV Phục hồi chức năng Nghệ An về vấn đề này.


GS. Nguyễn Văn Chương trực tiếp hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật cho cán bộ y tế.

GS. Nguyễn Văn Chương trực tiếp hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật cho cán bộ y tế.

PV: Thưa bà, được biết trong năm nay BV Phục hồi chức năng đã mời 2 chuyên gia đầu ngành về đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, trực tiếp thăm khám bệnh nhân. Lý do nào đã giúp bệnh viện quyết định như vậy?

ThS. Thái Thị Xuân: Chúng tôi đã nỗ lực không ngừng, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phục hồi chức năng thành công cho nhiều ca bệnh phức tạp, đem lại niềm vui và niềm tin cho người bệnh và giữ chân bệnh nhân không phải đi xa để điều trị. Để làm được điều này, bệnh viện thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo liên tục về Quản lý chất lượng bệnh viện, cấp cứu cơ bản cho toàn bộ CBNV, tổ chức đào tạo về Phục hồi chức năng cho các cán bộ y tế... Củng cố cơ sở và trang thiết bị như mua sắm các trang thiết bị, tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất khang trang hơn. Chuyên sâu hóa chuyên ngành phục hồi chức năng đã mời GS. Cao Minh Châu - Chủ tịch Hội PHCN Việt Nam về thăm khám cho bệnh nhân và đào tạo chuyên sâu ngành PHCN cho cán bộ y tế. Đào tạo thực hành lâm sàng chuyên ngành thần kinh bệnh viện mời GS. Nguyễn Văn Chương - nguyên Trưởng bộ môn Thần kinh, BV 103, Chủ tịch Hội Chống đau Hà Nội. Để xây dựng mũi nhọn trong thăm khám và điều trị, BV đã thành lập Trung tâm Phục hồi chức năng đột quỵ và Đơn vị chống đau vào tháng 4/2017. Từ những nỗ lực đó, chúng tôi đã chữa trị thành công nhiều ca bệnh phức tạp về phục hồi chức năng, người bệnh trong tỉnh có thêm một cơ sở điều trị uy tín mà không phải đi ra Hà Nội điều trị.

PV: Bà vừa nói đến đơn vị chống đau, thưa bà, vì sao chống đau đang là mối quan tâm của chuyên ngành phục hồi chức năng hiện nay?

ThS. Thái Thị Xuân: Đau có thể không đe doạ đến sự sống nhưng lại là một vấn đề sức khoẻ cộng đồng hiện nay. Đau là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến người bệnh đi khám, nhập viện và sử dụng nhiều dịch vụ chăm sóc sức khoẻ và xã hội khác. Đau nếu không được quan tâm, chữa trị tận gốc là nguyên nhân dẫn đến sự tàn phế và mất khả năng lao động từ đó là mất việc làm.

Do đó, ở mọi quốc gia, đau là một gánh nặng lớn cho hệ thống y tế, kinh tế và xã hội. Cũng vì những nhu cầu bức thiết đó mà Đơn vị chống đau của chúng tôi được thành lập với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh và giảm gánh nặng cho toàn xã hội. Có thể tự hào nói rằng, đơn vị chống đau của bệnh viện chúng tôi với sự giúp đỡ của GS. Nguyễn Văn Chương, là đơn vị chống đau đầu tiên của khu vực Bắc Trung bộ, niềm tự hào không chỉ của riêng bệnh viện mà còn là của tỉnh Nghệ An.

PV: Từ khi thành lập đơn vị chống đau, hiệu quả điều trị như thế nào, thưa bà?

ThS. Thái Thị Xuân: Sau 6 tháng hoạt động, chỉ riêng đơn vị chống đau của Bệnh viện PHCN Nghệ An đã tiếp nhận khám cho 758 lượt bệnh nhân. Trong đó có 667 lượt bệnh nhân được can thiệp điều trị đau. Nhiều kỹ thuật cao được GS. Nguyễn Văn Chương đào tạo, trực tiếp thực hiện và chuyển giao như tiêm ngoài màng cứng đốt sống cổ; tiêm ngoài màng cứng cột sống thắt lưng; tiêm phóng bế các dây thần kinh, dây chằng và cột sống.

Ngoài ra, giáo sư còn trực tiếp hướng dẫn cho các y, bác sĩ của bệnh viện điều trị các mặt bệnh thần kinh khác như: Đột quỵ não, chấn thương sọ não, Parkinson và sa sút trí tuệ. Nhờ vậy mà người bệnh trong tỉnh đã tin tưởng và đến với chúng tôi, không phải lặn lội đi xa.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!


Ngọc Dung (thực hiện)
Ý kiến của bạn