BS. Trần Thị Băng Ngân trao đổi cùng đồng nghiệp tại BV Dã chiến số 2 Quảng Ninh.
Ngày 3/2/2021, khi đó còn khoảng hơn 1 tuần nữa là đến Tết Tân Sửu, chị Bùi Thị Huệ điều dưỡng của Bệnh viện Phổi Hải Dương nhận được lệnh đến Chí Linh để cùng các bác sĩ của nhiều bệnh viện trong tỉnh trực tiếp khám chữa bệnh cho nhân dân TP. Chí Linh đang ở khu vực phong tỏa.
Phòng khám đa khoa Thái Học được thành lập dựa trên cơ sở vật chất sẵn có của Trạm Y tế phường Thái Học, TP Chí Linh. Sau khi Trung tâm y tế TP Chí Linh chuyển sang thành Bệnh viện Dã chiến số 1- cơ sở điều trị bệnh nhân (BN) COVID-19, người dân TP Chí Linh trong vùng phong tỏa rất cần 1 cơ sở khám chữa bệnh cấp cứu thông thường.
Trước tình hình đó, ThS. BS.Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Phó Trưởng đoàn công tác phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại Hải Dương đã phối hợp với các cán bộ của Phòng Nghiệp vụ y - Sở Y tế Hải Dương khảo sát và chọn Trạm Y tế phường Thái Học là phòng khám tạm thời chữa bệnh cho người dân.
“Tôi nhận lệnh đến TP Chí Linh, nơi đang phong tỏa và chỉ có 4 tiếng về nhà để thu xếp quần áo. Không kịp nói chuyện với con là Tết này, mẹ sẽ không ở nhà”, chị Huệ bồi hồi kể.
“Là phụ nữ, làm mẹ và lại làm trong ngành y. Chúng tôi quen chuyện xa gia đình trong những ngày Tết nhưng đây là lần đầu tiên thầy thuốc chúng tôi xa gia đình lâu như vậy. Và vẫn chưa biết ngày trở về...”, chị Huệ nói.
Hàng ngày, sau những giờ trực, 2 vợ chồng chị Huệ chia nhau đưa đón con đến trường. Tối về tiếng trẻ bi bô học. Sát Tết, cả tôi và chồng đều không đủ “dũng khí” để nói với con Tết này bố, mẹ cùng vắng nhà. Cả nhà ta không thể đoàn tụ trong dịp Tết.
Kíp thầy thuốc trực đêm giao thừa tại PKĐK Thái Học.
Nhận được tin TP Chí Linh có 136 ca mắc COVID-19, những người con quê hương Hải Dương rụng rời, lo lắng cho gia đình, người thân có tiếp xúc gần với các BN. Trời Hải Dương hôm đó se lạnh, nhưng chị Huệ cảm thấy mồ hồ ướt đầm lưng áo!.
Là một trong những chuyên gia đầu tiên của Bộ Y tế có mặt tại tâm dịch Chí Linh, Hải Dương, những ngày qua, TS.BS. Vũ Minh Điền, Phó giám đốc Trung tâm Chống dịch - BV Bệnh Nhiệt đới TW đã cùng thầy thuốc ngành y tế Hải Dương chiến đấu ở những thời khắc cam go nhất.
Chỉ trong 8 giờ đồng hồ, BV Dã chiến đầu tiên được thiết lập ngay tại Trung tâm y tế TP Chí Linh, Hải Dương. TS.BS. Vũ Minh Điền cùng các y, bác sĩ thống nhất phương án di chuyển toàn bộ BN âm tính ra khỏi khu vực điều trị để chuẩn bị thu dung, tiếp nhận BN dương tính.
Mọi công việc diễn ra chỉ vỏn vẹn trong 2 giờ đồng hồ. BV Dã chiến số 1 ngay trong tâm dịch TP Chí Linh đã đáp ứng được nhu cầu điều trị BN ngay tại chỗ, không phải di chuyển BN đi xa, tránh gặp nhiều rủi ro. Có thời điểm, BV đã tiếp nhận và điều trị cho 212 BN COVID-19.
Gác lại không khí Tết, tất cả mọi người đều đang tập trung vào nhiệm vụ theo dõi và điều trị bệnh nhân COVID-19, để hướng đến mục tiêu chung là không để bệnh nhân tiến triển nặng và nếu có những bệnh nhân nặng thì phải phát hiện và cứu chữa kịp thời để không có bệnh nhân nào tử vong - BS Điền nói.
Trước Tết gần tháng, hai vợ chồng chị Trần Thị Dung - công tác tại BV Bạch Mai đã bàn đến chuyện mua sắm đồ cho Tết. Dung nói sẽ mua thật nhiều hoa cắm trong nhà. Cô cũng đã gói sẵn bánh kẹo về quê. Tết năm nay chị Dung và chồng sẽ đưa con gái 4 tuổi đi chơi nhiều nơi vì thời tiết năm nay sẽ đẹp
Nhưng dịch đến khi chỉ còn nửa tháng nữa là sang xuân. “Theo dõi tin tức, nhà tôi cũng chẳng quan tâm Tết hay không nữa. Chỉ mong mọi người trong gia đình khỏe mạnh, sớm đẩy lùi dịch bệnh”, chị Dung nói.
Rồi bất ngờ, Dung nhận được lệnh lên đường xuống ngay Hải Dương với nhiệm vụ trực tiếp theo dõi kiểm soát nhiễm khuẩn ở BV Dã chiến số 2.
Nhớ lại ngày nhận được quyết định cấp tốc chi viện cho Hải Dương, chị Dung bồi hồi: “Sáng sớm 28/1, trong lúc chồng tôi đi trực Đại hội Đảng, chỉ có 2 mẹ con ở nhà, nhận được tin công tác, tôi vội vã gọi con dậy vệ sinh cá nhân rồi đưa cháu đi học”.
Sau khi xuống Hải Dương, chị Dung và đoàn công tác nhanh chóng tiến vào điểm nóng Chí Linh để khảo sát tình hình. Vì là BV hạng 2 nên công tác kiểm soát nhiễm khuẩn ở đây vô cùng thiếu thốn, lúc này chị Dung và đoàn công tác nhận được chỉ đạo ở lại Hải Dương để rà soát, tư vấn hỗ trợ cho 2 BV Dã chiến.
Chị Trần Thị Dung trò chuyện với con gái trong những lúc rảnh rỗi.
“Tôi hoang mang vô cùng không biết là phải gửi con ở đâu, chồng tôi lại không thể ra khỏi đơn vị, tôi cũng không mang bất kỳ đồ đạc gì theo..., hàng trăm câu hỏi hiện ra trong đầu tôi lúc ấy. Cuối cùng, ông bà ngoại cách nhà tôi khoảng 30km ra đón cháu về chăm sóc, khi đấy tôi mới yên tâm phần nào”.
Tối muộn ngày 28/1, chị Dung được tạo điều kiện quay về Hà Nội sắp xếp chút đồ dùng cá nhân để chuẩn bị bước vào cuộc “trường kỳ kháng chiến” chưa biết ngày về. Với chị, đó là một buổi tối thật nhiều cảm xúc, vì để giữ an toàn cho người nhà, chị không thể gặp ai để chào tạm biệt, một mình lầm lũi dọn đồ trong nỗi nhớ con da diết.
Chị Dung nghẹn ngào: “Chồng tôi xác định phải một thời gian rất lâu nữa mới được gặp vợ, muốn tranh thủ về nhà cùng tôi chuẩn bị đồ nhưng điều kiện không cho phép. Sáng sớm hôm sau hai vợ chồng chỉ có thể đứng từ xa nhìn nhau chưa biết ngày gặp lại”.
BS. Đỗ Thị Băng Ngân, công tác tại BV Phổi Quảng Ninh, tham gia công tác điều trị BN COVID tại địa phương ngay từ những ngày đầu tiên.
“Đợt dịch đầu tiên, tôi vào viện từ giữa tháng 2/2020, lúc đấy cũng không xác định thời điểm nào sẽ trở về nhà, chỉ nghĩ là cùng các đồng nghiệp đồng hành chống dịch đến khi nào các BN khỏi bệnh mới chịu rút quân và khi tôi hết thời gian cách ly đã là tháng 5/2020”, BS Ngân nói.
BS. Đỗ Thị Băng Ngân chăm sóc bệnh nhân COVID-19
Sau khi đợt dịch đầu tiên đã được kiểm soát, còn chưa kịp lo toan chuyện cưới xin, đợt dịch mới tại Hải Dương (8/2020) lại bùng phát, BS. Ngân tiếp tục tham gia công tác chống dịch, tuy nhiên lần này chị không phải cách ly. Thế nhưng, chồng chưa cưới của chị quê ở Hải Dương nơi có ổ dịch tại quán Thế giới bò tươi nên vợ chồng chị không thể tổ chức đám cưới.
Tưởng chừng như đám cưới đã 2 lần lỡ dở sẽ được tổ chức êm đẹp, một lần nữa dịch bệnh lại ập tới. Dịch lần này bùng phát ở Quảng Ninh và Hải Dương. BV Phổi nơi BS. Ngân công tác trở thành cơ sở điều trị BN COVID-19. Gác lại những nỗi niềm riêng, BS. Ngân và chồng sắp cưới lại cùng nhau tham gia công tác chống dịch, người vòng trong người vòng ngoài.
“Đám cưới lại thêm một lần trì hoãn, vẫn chưa biết khi nào mới có thể tổ chức được. Nhưng vì tình hình dịch đang diễn biến phức tạp, vì vậy câu chuyện cá nhân có thể gác lại sau cũng được. Chỉ mong sao góp chút sức lực nhỏ bé cùng Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung sớm đẩy lùi được đại dịch” - BS. Ngân chia sẻ.
Trò chuyện cùng chúng tôi trong những ngày cuối cùng của năm Canh Tý, BS. Ngân lạc quan: “Trước đây mỗi người một khoa cứ đi làm rồi về không có thời gian trò chuyện với nhau. Lần này cùng nhau điều trị BN COVID-19 rồi cùng ăn ở ngay trong viện, mọi người có dịp để trò chuyện và hiểu nhau hơn. Ban Giám đốc BV còn tổ chức chuyến xe cứu thương đặc biệt ngày 30 Tết chở khoảng 30 thầy thuốc chỉ ngồi trên xe đi một vòng thành phố ngắm không khí tết rồi quay về viện”.
Với BS. Ngân, Tết Tân Sửu năm nay rất đặc biệt. Không thể nào có lần thứ 2 trong cuộc đời khoác áo blouse trắng.
Còn bố mẹ chị Huệ nhận ra bao năm qua đã quá bận rộn. Con gái xa nhà đi chống dịch. Cháu ngoại sang chơi vơi đi nỗi buồn xa con. “Con gái yên tâm ở nơi tuyến đầu. Bố mẹ tự hào vì con. Sau khi quê mình chiến thắng dịch bệnh, hết giãn cách cả nhà ta cùng “Tết bù”.