Hằng kể, cuối năm ngoái, sang Nhật Bản theo diện visa du học sinh. Một thân một mình ở nơi xứ người, đó là lần đầu tiên chị Hằng đón Tết Nguyên đán xa nhà. Chị vẫn đi làm thêm bởi ở bên này ăn Tết theo lịch dương.
"Lúc hết ca về kí túc xá, mình vừa đi vừa khóc nhớ mùi vị quê hương, nhớ nồi bánh chưng trên bếp hồng, nhà nhà chúc Tết cười nói, quây quần… Lúc đó, mình chỉ muốn bỏ lại Nhật Bản mà về quê để đón Tết cùng gia đình", chị Hằng bồi hồi nhớ lại.
Đám cưới cô dâu Việt tổ chức tại quê nhà đúng ngày Tết Nhật Bản. Ảnh: NVCC
Và rồi nhân duyên đã đưa cô gái Việt Nam gặp gỡ rồi yêu một anh chàng điển trai người Nhật – anh Yajima Yuya. Với Hằng, khi đó ở xứ người, rào cản lớn nhất là ngôn ngữ, rồi mới đến phong tục tập quán. Nhưng nhờ có anh Yajima Yuya, không chỉ tiếng Nhật của Hằng được cải thiện mà cô gái Việt Nam cũng dần bắt nhịp được với cuộc sống bên Nhật Bản chỉ trong thời gian ngắn.
Cảm nhận được sự chân thành của đối phương cùng sự ủng hộ của 2 bên gia đình, Hằng và anh Yajima Yuya quyết định tiến tới hôn nhân. Cặp đôi chọn Tết Dương lịch để tổ chức đám cưới vì thời điểm này gia đình chồng cũng được nghỉ Tết, mọi người vừa có thời gian ăn Tết, vừa tận hưởng bầu không khí đám cưới tại Việt Nam.
Khi là du học sinh, năm đầu sống xa quê hương Hằng nhớ đến nao lòng hương vị Tết quê nhà. Ảnh: NVCC
Hằng chia sẻ: "Ở Nhật Bản, gần tới ngày Tết mọi người sẽ dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ và trang trí vị thần năm mới Toshigami Sama. Bánh Kagamimochi (là bánh mochi làm bằng gạo nếp có 2 tầng lớn nhỏ) thể hiện cho mặt trời và mặt trăng cũng được làm để dâng lên vị thần năm mới. Nếu như ở Việt Nam, Tết không thể thiếu mâm ngũ quả thì bánh gạo nếp mochi cũng là đồ cúng không thể thiếu trong ngày Tết ở Nhật Bản".
Chị Hằng cho biết thêm, Tết ở Việt Nam gắn liền với cây Nêu còn ở xứ Mặt trời mọc, gần tới Tết, trước cửa nhà hay các công ty đều được trang trí bởi Kadomatsu. Kadomatsu được trang trí với ý nghĩa một năm mới vạn sự như ý, an khang thịnh vượng.
Bánh Kagamimochi . Ảnh: NVCC
Một vật nữa không thể thiếu trong ngày Tết của người Nhật Bản là Shimekazari. Shimekazari được cuốn bằng một vòng tròn bằng rơm mang ý nghĩa thông báo đây là nơi ngụ lại của thần năm mới. Nó cũng có ý nghĩa diệt trừ ma quỷ nên người Nhật Bản luôn đặt vòng tròn này ở một nơi trang trọng trong nhà.
Nói đến đồ ăn ở Nhật Bản mỗi dịp Tết, chị Hằng cho biết, ở Việt Nam, Tết là phải có thịt gà, bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành,… còn ở Nhật Bản lại phải có Osechi.
Osechi cũng được ví như mâm cỗ Tết truyền thống của người Nhật Bản. Các món ăn được đặt trong hộp, xếp chồng lên nhau, sau đó được đặt trong hộp Jubako. Từng món trong khay Osechi đều ẩn chứa nhiều ý nghĩa như trứng cá trích - con cháu đầy đàn, đậu đen - sức khoẻ, rong biển - hạnh phúc, Ebi (tôm nấu với sake và nước tương) mang ý nghĩa sống lâu trăm tuổi.... và còn rất nhiều món ăn khác nhau với từng ý nghĩa riêng biệt.
Osechi cũng được ví như mâm cỗ Tết truyền thống của người Nhật Bản. Ảnh: NVCC
"Ở Việt Nam, cứ vào ngày mùng 1 Tết là mình lại cùng mẹ đi chùa cầu bình an, Tết năm nay tại Nhật Bản, chồng mình - anh Yajima Yuya cũng đã dẫn mình đi chùa để giúp mình bớt nhớ quê nhà.
Đi chùa cầu bình an ở Nhật Bản là phong tục tập quán không thể thiếu đối với người dân xứ Phù Tang với tên gọi Hatsumode. Nói một cách đầy đủ, mục đích của Hatsumode là để con người tạ ơn thần linh vì đã giúp họ vượt qua năm cũ một cách an toàn và cầu mong một năm mới bình an, may mắn.
Sau khi cầu phúc xong, anh Yajima Yuya còn mua tặng mình một chiếc bùa Omamori. Đây là loại bùa may mắn, được cho là chứa đựng sức mạnh của các vị thần, giúp con người tránh khỏi những điều xui xẻo.
Anh Yajima dẫn vợ đi chùa và mua tặng vợ tấm bùa cầu bình an, khỏe mạnh. Ảnh: NVCC
Năm ngoái, chồng cũng đã tặng mình một tấm bùa, nhưng người ta tin rằng những tấm bùa Omamori chỉ có hiệu lực trong một năm, sau đó sức mạnh thần thánh của mỗi lá bùa sẽ dần suy yếu nên phải mang trả lại và mua một chiếc mới", Hằng vui vẻ nói.
Cô dâu Việt cũng cho hay, năm sau, hai vợ chồng Hằng dự định sẽ về Việt Nam đón Tết. Bởi Hằng muốn cho chồng cảm nhận được cái Tết giản dị mà ấm áp tại quê hương mình. Với Hằng, Tết đầy đủ nhất chính là Tết đoàn viên, là tiếng cười nói, là gốc đào già nở rộ, là được bên gia đình, người thân…. Dù đi xa đến đâu, dù có cười nói thật nhiều bên gia đình mới, nhưng cô dâu Việt vẫn có những phút chạnh lòng mỗi khi nhớ đến hương vị Tết ở quê hương...