Đón Tết nơi bình minh đến sớm

10-02-2013 08:16 | Thời sự
google news

Cách xa đất liền hàng trăm hải lý, quần đảo Trường Sa là nơi bình minh đến sớm và đón chào năm mới đầu tiên trên lãnh thổ nước ta. Đón xuân trong thời khắc giao thừa ở nơi hải đảo xa xôi, chúng tôi mới cảm nhận được những hy sinh thầm lặng, niềm hạnh phúc riêng tư của cán bộ, chiến sĩ.

Cách xa đất liền hàng trăm hải lý, quần đảo Trường Sa là nơi bình minh đến sớm và đón chào năm mới đầu tiên trên lãnh thổ nước ta. Đón xuân trong thời khắc giao thừa ở nơi hải đảo xa xôi, chúng tôi mới cảm nhận được những hy sinh thầm lặng, niềm hạnh phúc riêng tư của cán bộ, chiến sĩ.

Tết ở Trường Sa không giống với bất kỳ một nơi nào trên đất liền. Ở đó, không một phiên chợ tết, không có chợ hoa hay sự xô bồ náo nhiệt của phố xá. Nhưng ở đó, những loài cây đặc trưng của đảo như: phong ba, bàng vuông… đâm chồi nảy lộc.

Đón Tết nơi bình minh đến sớm 1
Mặc dù ở giữa trùng khơi bốn bề sóng vỗ, nhưng tết ở Trường Sa cũng có đầy đủ hương vị của đất liền. Ngoài những con lợn, gà, vịt, ngan, ngỗng, bánh mứt… còn rất nhiều thứ khác được mang ra từ đất liền, trong đó có cả mai vàng của miền Nam, đào Nhật Tân miền Bắc. Nếu ở những đảo không có hoa mai, hoa đào thì lính đảo sáng tạo ra “hoa Trường Sa”, sử dụng những cành phong ba gắn hoa mai, ốc biển đẹp chẳng kém gì hoa ở đất liền. Những “cành đào”, “cành mai” được “sản xuất” tại đảo, anh em chiến sĩ lấy cành mù u hoặc phong ba “tạo thế” rồi cắt hoa giấy gắn lên giống như hoa thật. Đặc biệt, đã không còn cảnh phải canh cánh mong thư nhà để được đọc thư chung như những năm trước kia vì toàn đảo đã được phủ sóng Viettel; điện cũng đã sáng rực trên đảo đêm đêm nên cán bộ chiến sĩ nào cũng thấy lòng mình bình yên, ấm áp giữa mùa xuân.

Bánh chưng ở đảo ngoài gạo nếp, thịt lợn, đậu xanh, hạt tiêu, bộ đội còn sáng tạo dùng lá bàng vuông - một loại cây chỉ sống trên đảo - gói lót bên trong bên ngoài mới gói lá dong nên khi thưởng thức có hương vị của lá cây nơi miền nắng gió. Mọi cán bộ chiến sĩ trên đảo đều biết gói bánh chưng, đa phần họ đều gói rất đẹp, và họ đều cho rằng đơn vị nào trang trí bàn thờ tết đẹp thì năm mới sẽ gặp nhiều may mắn.

Ngày cuối năm, được coi là ngày tất niên của các chiến sĩ trên các điểm đảo Trường Sa. Từ sáng sớm, cán bộ chiến sĩ tập trung thắp hương, tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ đảo. Tiếp đó là các phần việc: mổ lợn, gói và nấu bánh chưng, trang trí bàn thờ Tổ quốc… Trước đó, cán bộ chiến sĩ tự làm mới mình bằng việc cắt tóc cho nhau, cùng chỉnh sửa lại biển bảng theo nề nếp chính quy, tổng vệ sinh doanh trại cho thêm phong quang, sạch sẽ… Sau bữa cơm cuối năm, cán bộ chiến sĩ quây quần đón giờ khắc thiêng liêng trước bàn thờ Tổ quốc. Không khí lâng lâng chờ giao thừa cũng giống như ở đất liền và các tiết mục liên hoan văn nghệ là nội dung  không thể thiếu đối với những người lính đảo trong thời khắc này. Tất cả cùng hát cho nhau nghe với cây guitar thùng mộc mạc bên ánh lửa bập bùng. Ai cũng hát bằng cả tấm lòng, át cả tiếng sóng vỗ bốn bề, làm vơi đi nỗi nhớ đất liền, nhớ nhà của những người con ở xa.

Để tết ở đảo không kém phần tươi vui, cùng với nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chỉ huy đảo còn tổ chức nhiều hoạt động thu hút đông đảo cán bộ chiến sĩ tham gia, như chi đoàn làm tờ báo tường với số báo đặc biệt chào xuân; lập kế hoạch vui chơi tết cho bộ đội với các trò chơi như: ném vòng cổ chai, kéo co, nhảy bao bố, thi đấu bóng chuyền giao lưu với các lực lượng quân và dân trên đảo; thi gói bánh chưng, trang trí mâm ngũ quả, làm cành đào, cành mai đẹp… giữa đảo này với đảo khác, đơn vị này với đơn vị kia…

Dù đón tết, hay trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa vẫn cầm chắc tay súng bảo vệ bình yên chủ quyền cho biển đảo Tổ quốc, để người dân mọi miền đất liền đón tết trong bình yên, ấm áp và hạnh phúc.

NGUYỄN THANH ĐIÊP


Ý kiến của bạn