Dồn sức khắc phục hậu quả của bão, lũ

07-10-2013 10:52 | Tin nóng y tế
google news

Trong những ngày qua, bão và mưa lũ đã xảy ra tại nhiều vùng của Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân.

Trong những ngày qua, bão và mưa lũ đã xảy ra tại nhiều vùng của Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân. Đặc biệt, Quảng Bình vừa chịu thêm cơn lốc phá tan hàng trăm nóc nhà, trường học... Ô nhiễm môi trường, nguy cơ xảy ra dịch bệnh là rất lớn, đứng trước tình hình đó, y tế các địa phương đã khẩn trương bắt tay ngay phòng chống dịch.

Cục YTDP đã có Công văn khẩn số 899/DP-DT gửi Giám đốc Sở Y tế 13 tỉnh, thành phố (Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Ðịnh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, TP. Ðà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Ðịnh) về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trong mùa bão lụt. Theo đó, Cục YTDP đề nghị Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh (như: bệnh tiêu chảy cấp, đau mắt đỏ, nước ăn chân), xử lý rác thải, xác súc vật chết. Ðồng thời, tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng, đặc biệt tại các khu vực đã từng bị ngập lụt; duy trì thường trực đội cơ động chống dịch 24/24 giờ sẵn sàng xử lý khi có ổ dịch xảy ra; thực hiện kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm. Các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế và dự báo dịch bệnh trong thời gian tới chủ động cấp đủ cơ số thuốc, vật tư phòng chống dịch bệnh cho nhân dân trên địa bàn, không để xảy ra dịch bệnh sau lũ lụt; chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch khử trùng nước giếng, nước sinh hoạt bằng chloramin B và các hóa chất khử khuẩn thông thường khác để có nước sạch tại các vùng trọng điểm ngập lụt; tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nước dùng trong ăn uống, sinh hoạt tại các nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung, đảm bảo nồng độ clo dư luôn đạt 0,3 - 0,5mg/lít tại vòi sử dụng.

Tại Nghệ An: Theo thống kê của Trung tâm y tế huyện Quỳnh Lưu, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 10 và việc xả lũ đập vực Mấu đã làm cho 28 xã của thị xã Hoàng Mai với hơn 11.700 hộ bị ngập nước nặng. Nguy cơ dịch bệnh xảy ra là rất lớn, đặc biệt là một số dịch bệnh đang lưu hành như: đau mắt đỏ, sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp... BS. Lê Văn Thảo – Giám đốc Trung tâm y tế huyện Quỳnh Lưu cho biết, sau lũ lụt, ngoài việc chỉ đạo các trạm y tế phòng chống dịch bệnh, hướng dẫn cho người dân trên địa bàn làm vệ sinh môi trường, chúng tôi đã cấp kịp thời các cơ số thuốc và hóa chất, đồng thời cử cán bộ xuống các địa bàn để hướng dẫn người dân xử lý nguồn nước đảm bảo có nước sạch để dùng trong những ngày sau lũ.

Do lũ lên nhanh nên không chỉ người dân bị thiệt hại nặng nề mà các trạm y tế của các xã thuộc huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai cũng bị nước ngập làm hư hỏng nhiều trang thiết bị, dụng cụ y tế, ảnh hưởng không nhỏ đến việc khám chữa bệnh, cấp cứu cho người dân. BS. Nguyễn Thị Phương – Trạm trưởng Trạm y tế xã Quỳnh Dị - TX Hoàng Mai cho hay: "Vấn đề khó khăn nhất thời điểm này là chưa có điện nên không thể tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh và cũng không hấp sấy dụng cụ được, nhất là dụng cụ đỡ đẻ".

Hà Tĩnh:
Theo BS. Nguyễn Lương Tâm - Giám đốc Trung tâm YTDP Hà Tĩnh, trung tâm đã chuẩn bị hơn 5 tấn hóa chất Cloramin B dạng bột để xử lý nguồn nước, đồng thời dự phòng các loại thuốc, hóa chất, phương tiện vật tư phòng chống dịch để cấp phát, hỗ trợ cho các đơn vị khi có nhu cầu.
 
Trước đó, Trung tâm YTDP cũng đã cấp 3.000kg Cloramin B cho các Trung tâm y tế dự phòng tuyến huyện nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh trong mùa mưa lũ. Ngay sau khi bão đổ bộ, lãnh đạo Trung tâm YTDP đã quyết định hỗ trợ thêm 1 máy phun và 120kg Cloramin B cho Trung tâm YTDP huyện Vũ Quang phục vụ xử lý VSMT và nguồn nước sinh hoạt cho người dân vùng ngập lũ. Tại huyện Kỳ Anh, BS. Lê Văn Xuân – Giám đốc Trung tâm YTDP cho biết: Đơn vị đã phân công trách nhiệm cho từng cán bộ phụ trách địa bàn.
 
Dồn sức khắc phục hậu quả của bão, lũ 1
 BVĐK Đồng Hới Quảng Bình tan hoang sau cơn bão.
Cán bộ được phân công địa bàn nào thì về "cắm" tại địa bàn đó để giám sát tình hình dịch bệnh, hướng dẫn bà con VSMT, phòng, chống dịch bệnh và kịp thời báo về trung tâm các hỗ trợ (nếu cần). Đơn vị đã cấp cho mỗi xã 20kg CloraminB và 4 cơ số thuốc phòng, chống dịch bệnh. Ngoài ra, Trung tâm cũng đã kiện toàn lại 2 đội cơ động, túc trực 24/24h, sẵn sàng ứng phó mọi tình huống.

Quảng Bình: Là địa phương nằm trong vùng tâm bão, y tế tỉnh Quảng Bình đã bị thiệt hại nặng nề. 3 bệnh viện và 2 trung tâm YTDP tuyến huyện bị hư hại nặng nề. Ngay sau khi bão tan, lãnh đạo Sở Y tế Quảng Bình đã về cơ sở nắm chắc tình hình thiệt hại, chỉ đạo kịp thời các cơ sở y tế vừa vệ sinh buồng bệnh sau lũ, vừa khẩn trương thu dung người bệnh, không để gián đoạn công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trước bão, bệnh đau mắt đỏ đã lây lan mạnh ở một số huyện, thành phố như TP. Đồng Hới có khoảng 1.600 người mắc bệnh. Ở huyện Minh Hóa, dịch đau mắt đỏ lây lan tại các xã vừa bị ngập lũ như Thượng Hóa, Trung Hóa, Hóa Sơn... với hàng trăm người mắc.

Quảng Nam: Những lớp bùn non do cơn bão số 8 gây ra còn chưa khô thì chỉ 10 ngày sau, cơn bão số 10 lại ập tới, hàng trăm nhà dân lại phải sống trong cảnh ngập lụt do các thủy điện đồng loạt xả lũ. Người dân không chỉ sống trong cảnh màn trời chiếu đất mà nguy cơ rất lớn là dịch bệnh phía trước đang trực chờ. Đây là một gánh nặng hết sức nặng nề cho ngành y tế các địa phương vừa phải tích cực khắc phục hệ thống cơ sở vật chất bị tàn phá do bão để đảm bảo công tác khám chữa bệnh cho bệnh nhân, bên cạnh đó vừa phải lo chống chọi với nguy cơ dịch bệnh xảy ra sau lũ rút. Hiện nay, cán bộ y tế cơ sở của tỉnh Quảng Nam đang bám sát địa bàn cùng với các cấp, các ngành nỗ lực khắc phục hậu quả sau lũ.

Ngoài ra, theo tổng hợp của Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng, trong những ngày mưa lũ vừa qua, Quân khu 4 đã huy động 160.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ cùng 112 ôtô, 58 tàu xuồng các loại giúp nhân dân khắc phục hậu quả cơn bão số 10; tham gia di dời 22.470 hộ với 80.772 người. Quân khu hỗ trợ mỗi gia đình nạn nhân có người chết do bão gây ra là 5 triệu đồng. Bộ đội Biên phòng huy động 6.500 cán bộ, chiến sĩ, 91 tàu, 108 ca-nô, hơn 100 ôtô tham gia khắc phục hậu quả cơn bão.
 
Theo đề nghị của tỉnh Quảng Trị, Hà Tĩnh, các đơn vị quân đội tiếp tục điều động 1.045 cán bộ, chiến sĩ, 18 xe ôtô các loại, 3 xuồng cao tốc xuống địa bàn các huyện Cam Lộ, Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong (Quảng Trị), Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Hương Khê (Hà Tĩnh) là những huyện bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề do cơn bão gây ra để giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả cơn bão..
 
Tập trung vào các điểm nguy cơ cao
 
Dồn sức khắc phục hậu quả của bão, lũ 2
 BS. Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam.
Việc đảm bảo sức khỏe cho người dân ở các địa phương bị ngập lụt cũng như đảm bảo vệ sinh môi trường nằm trong kế hoạch thường quy của ngành y tế.
 
Ngay từ khi có thông báo lũ, ngành y tế đã chủ động triển khai các phương án như chuẩn bị cơ số thuốc, vật tư hóa chất để phòng dịch bệnh sau khi lũ rút. Ngành y tế cũng đã thường xuyên hướng dẫn, chỉ đạo các trạm y tế xã, các BV tập huấn về công tác vệ sinh môi trường sau lũ lụt.
 
Trọng tâm trước mắt là cung cấp nước sạch, hướng dẫn người dân biết cách xử trí để có nước sạch sử dụng. Sau đó, khi lũ rút, đội ngũ y tế dự phòng sẽ triển khai ngay công tác vệ sinh môi trường, khử trùng bằng cloramin B, dọn xác súc vật, khử độc, giám sát tình hình dịch bệnh bao vây ổ dịch nắm dịch, bao vây vùng dịch.
 
Nỗ lực phục hồi để phục vụ nhân dân
 
Dồn sức khắc phục hậu quả của bão, lũ 3
 BS. Nguyễn Đức Cường - Giám đốc Sở Y tế Quảng Bình.
Lo lắng của ngành y tế hiện nay là truyền thông mạnh mẽ cho người dân để tự phòng bệnh. Trước bão là đang có dịch đau mắt đỏ, Sở Y tế đã tích cực chỉ đạo các đơn vị y tế trực thuộc triển khai nhanh nhiều biện pháp phòng chống và điều trị cho người bệnh kịp thời.
 
Các trung tâm y tế dự phòng tỉnh đã tăng cường nhiều hoạt động phối hợp với chính quyền địa phương, các trạm y tế để tuyên truyền cho người dân kiến thức phòng bệnh, cử cán bộ y tế đến các trường học và nhà dân nhằm hướng dẫn các biện pháp khử trùng phòng bệnh.
 
Cán bộ y tế cũng đã thực hiện nhỏ thuốc phòng và điều trị cho học sinh mầm non, tiểu học trên các địa bàn. Sau khi nước rút, công việc thu dọn nhà cửa sau bão bộn bề rất dễ có tâm lý chủ quan không phòng ngừa bệnh tật nên nguy cơ bùng phát dịch là rất lớn. Vì lẽ đó, chúng tôi đã yêu cầu hệ thống y tế dự phòng phải chủ động hơn nữa, nắm sát địa bàn, hướng dẫn người dân đến cơ sở y tế khi có biểu hiện ốm yếu, mệt mỏi để nhận được sự tư vấn của thầy thuốc.
 
Yêu cầu đặt ra đối với các cơ sở khám chữa bệnh cũng bị thiệt hại nặng nề là vừa thu dọn làm sạch môi trường nhưng vẫn phải tiếp nhận người bệnh, khám chữa kịp thời cho người dân. Sở Y tế đang nỗ lực tối đa để công tác y tế phải được duy trì phục vụ người dân được tốt nhất có thể.
 
Lo nước sạch đến người dân
 
Dồn sức khắc phục hậu quả của bão, lũ 4
 BS. Phan Thị Ninh - Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh
Sở y tế đang dồn sức tập trung cho công tác đảm bảo nước uống sạch cho bà con vùng lũ và xử lý VSMT, phòng, chống dịch bệnh sau lũ. Hiện các phương án phòng chống bão, lụt và dịch bệnh sau bão, lụt đều đã được vận hành.
 
Các Trung tâm YTDP tuyến huyện đều thành lập 2 đội cơ động. Các đội cơ động sẵn sàng ứng cứu 24/24h. Sở đã chỉ đạo phân phát 3 tấn cloramin B và các cơ số thuốc phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ và các hóa chất làm sạch nước đối với các giếng nước bị ngập nước trong vùng lũ về tận các địa phương.
 
Ở tỉnh còn dự phòng 1 tấn cloraminB và các cơ số thuốc dự phòng cấp thêm. Với yêu cầu không để bà con vùng lũ bị thiếu nước để dùng, phải đảm bảo VSMT và không để dịch bệnh bùng phát sau bão, lụt, hiện nay, toàn ngành y tế đang khẩn trương vào cuộc, tỏa xuống địa bàn trọng điểm, đôn đốc, giao trách nhiệm vừa để nhân dân được yên tâm, vừa rà soát phát hiện sớm các ổ dịch để có biện pháp khoanh vùng không để lây lan rộng.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ dễ bùng phát dịch

Dồn sức khắc phục hậu quả của bão, lũ 5
 BS. Bùi Đình Long - Giám đốc Sở Y tế Nghệ An
Hiện nay, nước lũ đã bắt đầu rút thì nguy cơ ô nhiễm môi trường, dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Chúng tôi đã chỉ đạo hệ thống YTDP cùng cán bộ y tế cơ sở liên tục có mặt tại các xã bị ngập nặng của huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai để chỉ đạo công tác xử lý nguồn nước, phòng chống dịch bệnh.
 
Ngoài cơ số thuốc và hóa chất cấp dự phòng tại chỗ của trung tâm y tế huyện, Sở Y tế cũng đã bổ sung khẩn cấp một cơ số hóa chất: 9.000 viên Aquatas khử khuẩn, 50kg hóa chất cloramin B cho huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai. Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác giám sát, triển khai đồng loạt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, tập trung vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước bằng hóa chất để đủ nước sạch cho người dân sử dụng.
 
Song song với việc phòng chống dịch bệnh, chúng tôi đã chỉ đạo PKĐK Hoàng Mai và các trạm y tế xã bị ngập lụt khẩn trương tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng nơi làm việc, hấp sấy dụng cụ... sau khi nước rút, đảm bảo tiếp nhận, cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân kịp thời. Điều chúng tôi lo lắng là Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai là địa bàn tiềm ẩn của các ổ dịch sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp. Hầu như năm nào trên địa bàn cũng xảy ra dịch. Nếu thời điểm này, công tác vệ sinh môi trường không được thực hiện tốt thì nguy cơ các ổ dịch sốt xuất huyết và tiêu chảy cấp nguy hiểm bùng phát là khó tránh khỏi.

Bá Nghĩa


Ý kiến của bạn