Hà Nội

Dồn sức để khống chế dịch bạch hầu

23-07-2020 22:29 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Trước diễn biến phức tạp của dịch bạch hầu tại 4 tỉnh Tây Nguyên, chiều 21/7, tại Đăk Lăk Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn làm trưởng đoàn đã làm việc với lãnh đạo Sở Y tế 4 tỉnh: Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai và Kon Tum về công tác điều trị dịch bạch hầu. Sáng cùng ngày cũng tại Đăk Lăk, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã chủ trì Hội nghị giao ban công tác y tế dự phòng 6 tháng đầu năm và triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin bạch hầu khu vực Tây Nguyên. Như vậy, có thể thấy cùng với đồng loạt các hoạt động phòng chống dịch bạch hầu đã triển khai trước đó, Bộ Y tế và ngành y tế các tỉnh Tây Nguyên đã nỗ lực, dồn sức để khống chế dịch bạch hầu...

Khoanh vùng, cách ly, để điều trị dự phòng, dập dịch

Theo thống kê đến ngày 21/7, trên địa bàn 4 tỉnh Tây Nguyên đã ghi nhận 104 trường hợp mắc bệnh bạch hầu, trong đó 67 ca có biểu hiện lâm sàng và 37 ca người lành mang trùng; 3 ca tử vong (Đăk Nông: 2; Gia Lai: 1).

Hiện dịch bạch hầu vẫn diễn biến phức tạp và có nguy cơ lan rộng trong cộng đồng. Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên phối hợp CDC tỉnh Đăk Nông, Kon Tum và Gia Lai điều tra, xử lý ổ dịch, nhận định các yếu tố nguy cơ để đưa ra các giải pháp phòng chống dịch hiệu quả lâu dài; tổ chức các lớp tập huấn về phòng dịch. Khi dịch bạch hầu bùng phát, đến nay ngành y tế các địa phương đã triển khai việc khoanh vùng, cách ly hàng ngàn người để điều trị dự phòng, dập dịch...

Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, các bệnh viện lớn trên cả nước sẽ được tổ công tác trực tiếp hỗ trợ chuyên môn kịp thời cho 4 tỉnh Tây Nguyên.

Thông tin tại buổi làm việc, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - BV Bạch Mai, Đào Xuân Cơ cho biết, thuốc SAD Bộ Y tế đã giao cho BV Bạch Mai làm đầu mối đưa nguồn thuốc về điều trị cho bệnh nhân bạch hầu, dự kiến trong cuối tháng 7/2020 sẽ có nguồn thuốc cung cấp cho các tỉnh Tây Nguyên. Hiện 4 tổ công tác mang tên 4 tỉnh của Tây Nguyên gồm các bác sĩ chuyên khoa khác nhau đã sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào để hỗ trợ cho Tây Nguyên phòng chống và dập dịch bạch hầu.

Đề cao vai trò của y tế tuyến huyện trong theo dõi, điều trị ca bệnh bạch hầu

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đánh giá cao sự nỗ lực của các tỉnh Tây Nguyên trong công tác phòng chống dịch. Thứ trưởng đề cao vai trò ngành y tế tuyến huyện, khi phát hiện ca bệnh phải giữ bệnh tại cơ sở để theo dõi, điều trị trường hợp trở nặng đưa lên tuyến trên hoặc có bác sĩ tuyến trên có thể xuống điều trị bệnh. Ngoài việc mở lớp tập huấn đơn thuần, cần xây dựng kế hoạch đào tạo và đào tạo sau đại học để tăng cường nhân lực cho các các tỉnh Tây Nguyên.

Về vấn đề SAD, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết Bộ Y tế đã giao việc nhập khẩu thuốc phải thật sớm để phân bổ cho địa phương kịp thời. Thứ trưởng yêu cầu, các bệnh viện phải rà soát xây dựng phác đồ điều trị bệnh mới nhất, phù hợp điều kiện thực tiễn tại Tây Nguyên.

Với những khó khăn về trang thiết bị, vật tư, hóa chất, thuốc, các phương thức mua sắm, hình thức áp dụng đối với bệnh nhân cách ly y tế, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan tham gia đoàn công tác tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ để có những chỉ đạo kịp thời nhằm hỗ trợ Tây Nguyên dập dịch bệnh bạch hầu. Thứ Trưởng cũng đề nghị các tỉnh có dịch cần đẩy mạnh, đa dạng công tác truyền thông, hướng dẫn người dân phòng chống dịch bệnh.

Từ ngày 7/7, Bộ Y tế đã triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin phòng bạch hầu cho tất cả các đối tượng từ 2 tháng tuổi trở lên tại 4 tỉnh Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum, Đăk Nông với mục tiêu tiêm vắc-xin đạt tỷ lệ trên 90%. Tại Hội nghị giao ban công tác y tế dự phòng 6 tháng đầu năm và triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin bạch hầu khu vực Tây Nguyên, lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng để đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng trên 90%, Bộ sẽ triển khai các tổ lưu động tiêm vắc-xin phòng bạch hầu tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa trên toàn Tây Nguyên.


Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn