Hà Nội

Dồn sức cứu dân trong cơn lũ dữ

07-10-2010 09:42 | Tin nóng y tế
google news

* Chiều 6/10, đoàn công tác của Bộ Y tế đã lên đường vào các tỉnh miền Trung góp phần khắc phục hậu quả mưa lũ. * Tiếp tục cấp 130 cơ số thuốc, 600 áo phao, 300 phao tròn và 500.000 viên cloramin B cho các địa phương bị mưa lũ. * Tính đến chiều 6/10 có gần 30 người thiệt mạng do mưa lũ.

* Chiều 6/10, đoàn công tác của Bộ Y tế đã lên đường vào các tỉnh miền Trung góp phần khắc phục hậu quả mưa lũ.
* Tiếp tục cấp 130 cơ số thuốc, 600 áo phao, 300 phao tròn và 500.000 viên cloramin B cho các địa phương bị mưa lũ.
* Tính đến chiều 6/10 có gần 30 người thiệt mạng do mưa lũ.

Từ ngày 3/10, mưa to xối xả khu vực Bắc miền Trung, lũ trên các sông khu vực này lên mức báo động 3 và trên báo động 3. Quảng Bình là địa phương thiệt hại nặng nề nhất so với các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế... Trận lũ diễn ra ở Quảng Bình năm nay đã vượt đỉnh lũ của cơn lũ lịch sử năm 1983.

 Nước ngập sâu nhiều khu dân cư.

Cấp cứu trong mưa

Sáng 6/10/2010, BS. Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Bệnh viện huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, địa phương bị nặng nề nhất của Quảng Bình cho hay, hiện nay toàn huyện đã bị chia cắt với tỉnh. Phương tiện di chuyển duy nhất hiện nay là bằng xuồng. Ngay từ đêm 3/10/2010, khi trời mưa to, nước sông bắt đầu lên, các thầy thuốc của bệnh viện huyện đang trực tại viện đã được yêu cầu di chuyển trang thiết bị, bệnh nhân đến nơi an toàn nhất. Trong sáng sớm ngày 4/10, khi nước bắt đầu lên, có một sản phụ ở xã Dân Hóa, sinh con so bị vỡ ối non, địa điểm nơi sản phụ đang được cấp cứu cách bệnh viện huyện 80 km, nhưng khi nhận được yêu cầu cấp cứu từ y tế cơ sở và người nhà bệnh nhân, tổ cấp cứu lưu động của bệnh viện đã dùng xuồng máy đến tận nơi sản phụ đang được sơ cứu vận chuyển bệnh nhân về bệnh viện an toàn. Bệnh viện đã cử y tá theo xuồng và xe để đưa sản phụ về Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới.

 Lãnh đạo Sở Y tế Hà Tĩnh trực tiếp xuống vùng lũ xử lý nguồn nước cho nhân dân.

BS. Nguyễn Đức Cường cho biết thêm, tại thời điểm sáng 6/10, nước đã bắt đầu rút nhưng người dân vẫn chưa trở về được gia đình. Tại bệnh viện ngoài số bệnh nhân đang được điều trị còn hơn chục gia đình đang tá túc nhờ, trên người chỉ có một bộ quần áo nhưng đã ướt nhép, lãnh đạo bệnh viện đã quyết định xuất kho số quần áo trong kho hỗ trợ cho các gia đình đang tá túc. Bên cạnh đó, bệnh viện còn tổ chức nấu cơm và phát miễn phí cho bệnh nhân cũng như người nhà của họ và các gia đình đang lánh nạn. Số thầy thuốc của bệnh viện cũng được yêu cầu thực hiện nghiêm việc ứng trực tại viện để sẵn sàng cấp cứu nạn nhân lũ khi cần thiết.

Bên cạnh đó, theo thông tin chúng tôi nhận được từ BS. Cao Đức Chiêm, trưởng phòng y tế huyện Minh Hóa, toàn huyện có 17 xã, thì 17 trạm y tế xã đã ngập sâu trong nước. Cá biệt, có trạm y tế được xây 2 tầng khang trang như trạm y tế xã  Tân Hóa nước lũ đã tràn vào cả tầng 2. BS. Chiêm kể lại trường hợp cấp cứu thành công mẹ tròn con vuông tại trạm y tế xã Tân Hóa. Tối 4/9, nghe dân gọi , huyện điều giúp hai ca nô vào nhưng phải tăng bo (thay đổi phương tiện đi lại - PV) bốn lần mới vào được Tân Hóa. Chúng tôi nghĩ nếu vận chuyển sản phụ ra huyện giữa trời mưa to, nước lên nhanh rất nguy hiểm, vì vậy chúng tôi xin ý kiến lãnh đạo huyện quyết định mổ ngay tại trạm, chỉ có như vậy, mới mong cứu được mẹ, con. BS. Vũ Đức Phú, trưởng trạm y tế xã Tân Hóa đã trực tiếp cầm dao mổ, cấp cứu cho sản phụ. Rất may, trong một ngày mưa to gió lớn, nước trắng băng khắp bốn bề, mẹ con sản phụ đều an toàn. Ông Đinh Minh Chất, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa, sau khi được các thầy thuốc thông báo ca mổ đẻ thành công, thở hắt: Nói thật, trong điều kiện bình thường không nói làm gì, giữa trời mưa to gió lớn như vậy, mà các bác sĩ vẫn dũng cảm ngâm mình trong nước để cứu được cả mẹ cả con là sự dũng cảm.

Nước rút đến đâu, y tế có mặt ở đó

Để tiếp tục cầm cự trong những ngày nước bắt đầu rút, BS. Cao Đức Chiêm cho biết, toàn bộ số dữ trữ thuốc phòng chống bão lũ đã được chia nhỏ thành từng túi cơ động theo chân các đoàn công tác của huyện đến từng cụm dân cư để phát thuốc thông thường cho nhân dân.

 Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình trao hàng cứu trợ cho người dân. Nguồn: quangbinh.gov.vn

Trao đổi qua điện thoại với PV báo SK&ĐS, BS. Nguyễn Văn Thùy, Phó giám đốc Sở y tế tỉnh Quảng Bình hiện đang trực tiếp chỉ đạo việc chống bão lũ tại huyện Quảng Trạch, cho biết nước lũ tại Quảng Trạch đang rút. Đây là thời điểm ngành y tế phải hết sức cảnh giác với dịch bệnh. Y tế Quảng Bình đang tiến hành thống kê thiệt hại ban đầu và dự định xin sự chi viện từ Bộ Y tế về thuốc và hóa chất để nước rút đến đâu là bắt tay ngay vào phòng chống dịch bệnh đến đó.

Tại Hà Tĩnh, tin từ CTV Nhật Thắng cho biết, sau một ngày ngớt mưa, mặc dù nước vùng lũ đang rút dần nhưng tại huyện Hương Khê vẫn còn 10/22 xã đang bị cô lập. Huyện này đã huy động toàn bộ lực lượng cứu hộ, cứu nạn tiếp ứng mì tôm cho hơn ba vạn người đang cầu cứu khẩn cấp. Tại huyện Vũ Quang, hầu hết lãnh đạo huyện đang có mặt tại các vùng ngập lũ. Huyện dồn sức cứu tế mì tôm cho hơn một vạn người đang đói và khát của 7/12 xã đang bị cô lập. Bà Phan Thị Ninh, Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh cho biết. Đến thời điểm này ngành y tế Hà Tĩnh đã chuyển về bốn huyện Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, Đức Thọ 8 vạn viên aquatabs, 140kg cloraminB dạng bột, hơn 12 vạn viên cloraminB để nước rút đến đâu phải làm vệ sinh môi trường, xử lý nước sạch đến đó. Ngoài ra ngành còn cung cấp mười cơ số thuốc chữa bệnh cho các cơ sở y tế vùng lũ. Cùng ngày Sở Y tế Hà Tĩnh đã tiếp nhận thêm 10 cơ số thuốc PCBL, 100.000 viên cloraminB và 100 chiếc áo phao do công ty dược phẩm trung ương II và Công ty cổ phần thiết bị y tế DANAMECO cứu trợ để kịp thời cung ứng cho người dân.

Trước tình hình mưa lũ gây thiệt hại nặng nề tại các tỉnh miền Trung, trong những ngày qua, Bộ Y tế đã liên tục có các công điện số 6637, 6684/CĐ-BYT gửi các địa phương yêu cầu các cơ sở y tế khẩn trương tiến hành rà soát lại những cơ sở y tế bị ngập lụt, thống kê lại diện tích bị ngập lụt và những nơi có nguy cơ ô nhiễm môi trường để chủ động triển khai công tác khắc phục. Đối với nhưng cơ sở y tế chưa thể khắc phục phải có phương án di dời trang thiết bị đến vị trí khác để đảm bảo công tác cấp cứu và điều trị bệnh nhân. Tuyên truyền, phổ biến kến thức rộng rãi đến người dân về công tác vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và phòng chống những bệnh truyền nhiễm. Cán bộ y tế phối hợp với người dân tiến hành vệ sinh môi trường, nước rút đến đâu làm vệ sinh tới đó nhằm tránh ô nhiễm trên diện rộng. Duy trì chế độ trực cấp cứu 24/24, đánh giá mức độ ô nhiễm đối với từng vùng bị ngập lụt, phát hiện sớm nguy cơ bùng phát dịch và báo cáo kịp thời về Bộ Y tế. Cùng đó Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu Công ty Dược TW III, Công ty cổ phần y tế DANAMECO, Công ty cổ phần y tế MEDINSCO tiếp tục cấp thuốc, hóa chất, áo phao, phao tròn cho sở y tế các địa phương từ Nghệ An tới Thừa Thiên Huế. Cụ thể, cấp 130 cơ số thuốc, 600 áo phao, 300 phao tròn và 500.000 viên cloramin B để các địa phương chủ động đối phó khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.

Chiều 6/10/2010, đoàn công tác của Bộ Y tế do TS. Nguyễn Văn Bình, Cục phó Cục Y tế dự phòng dẫn đầu đã lên đường vào miền Trung để nắm tình hình và có biện pháp giúp đỡ các địa phương khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ.
Anh Tuấn

Bảo Thy – Đăng Quang


Ý kiến của bạn