Dồn lực hỗ trợ Gia Lai phòng chống dịch COVID-19

03-02-2021 15:39 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp trực tuyến sáng ngày 3/2 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 với các địa phương: Hải Dương, Quảng Ninh và Hà Nội về công tác phòng, chống dịch bệnh trong giai đoạn hiện nay. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia chủ trì cuộc họp.

Hầu hết các trường hợp mắc COVID-19 trong cộng đồng đều có yếu tố liên quan đến Hải Dương, Quảng Ninh

Báo cáo về tình hình dịch bệnh trên cả nước, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh, qua kết quả phân tích dịch tễ học, hầu hết các trường hợp mắc COVID-19 trong cộng đồng tại các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Gia Lai, Hòa Bình, từ ngày 27/1 đến nay, đều liên quan đến 2 nguồn lây nhiễm chính: Công ty TNHH điện tử POYUN Việt Nam (Khu công nghiệp Cộng Hòa, TP Chí Linh, Hải Dương) và Sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) với chủng biến thể mới, có mức độ lây nhiễm cao, lây lan nhanh trong cộng đồng.

Ngay khi dịch xuất hiện trở lại, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị, chuyên gia đầu ngành về dự phòng, điều trị, xét nghiệm, truyền thông để hỗ trợ tối đa cho Hải Dương, Quảng Ninh và các địa phương, nhằm dập dịch trong thời gian sớm nhất.

Bộ Y tế đã kích hoạt hệ thống truy vết, xác định nhanh trường hợp có liên quan đến các ca bệnh, nhằm xác định khoanh vùng kịp thời; chuyển thông tin các trường hợp nghi ngờ về địa phương để tiếp tục điều tra, xử lý; tiếp tục duy trì trực 24/24 giờ, tiếp nhận và xử lý thông tin qua đường dây nóng 1900 9095 (mỗi ngày tiếp nhận và xử lý khoảng 7.000 cuộc gọi).

Cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội diễn ra sáng ngày 3/3. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp. Ảnh VGP

Hiện, 2 nguồn lây nhiễm đã từng bước được kiểm soát do xác định trúng tâm dịch ngay từ đầu, triển khai quyết liệt, khẩn trương, đồng bộ các biện pháp chống dịch. Dự báo, ổ dịch tại Hải Dương và Quảng Ninh sẽ nhanh chóng được kiểm soát trong thời gian tới. Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương tiến hành triển khai lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng đối với các công ty, khu vực trọng điểm và toàn bộ cộng đồng dân cư ở các điểm có nguy cơ cao. Cả nước đang có 94 phòng xét nghiệm có đủ năng lực khẳng định với công suất hơn 42.000 mẫu/ngày.

Về tình hình bệnh tại Gia Lai, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thông tin thêm, tình hình dịch ở Gia Lai tương đối phức tạp, đây là địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, việc truy vết, theo dấu ca bệnh gặp khó khăn… Đây là khu vực cũng chưa bao giờ xảy ra dịch, nên kinh nghiệm, việc triển khai các biện pháp phòng chống có sự lũng túng; hệ thống y tế của địa phương còn yếu.

Ngay lập tức Bộ Y tế đã cử các đoàn vào cắm chốt tại Gia Lai: Điều Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên sang hỗ trợ nâng công suất xét nghiệm của Gia Lai từ 200 mẫu /ngày lên 1.000 mẫu; Ngoài ra, Bộ Y tế cũng điều chuyên gia của Viện Pastuer TP HCM lên thiết lập thêm 1 labo xét nghiệm tại Gia Lai để nâng công suất xét nghiệm tại đây lên; Bộ Y tế cũng đã có văn bản đề nghị ngành y tế Đà Nẵng điều động ngay đội truy vết có kinh nghiệm của Đà Nẵng lên hỗ trợ Gia Lai về công tác truy vết. Sáng nay (3/2) Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cùng các chuyên gia của BV Bạch Mai, BV Chợ Rẫy vào hỗ trợ tỉnh Gia Lai. Nếu tình hình dịch diễn biến phức tạp, Bộ Y tế sẽ điều thêm chuyên gia vào hỗ trợ điều trị, đồng thời tập trung nâng cao năng lực xét nghiệm cho Gia Lai.

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quân y cho biết lực lượng quân đội đã tổ chức 2 địa điểm cách ly tập trung tại Gia Lai. Lực lượng quân y trên địa bàn thường xuyên phối hợp với lực lượng y tế địa phương trong phòng chống dịch; khi cần thiết Cục Quân y sẽ tăng cường chuyên gia vào hỗ trợ truy vết,…

Hải Dương đã khoanh vùng, kiểm soát tốt dịch COVID-19

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lương Văn Cầu khẳng định, đến thời điểm hiện tại, Hải Dương đã khoanh vùng, kiểm soát tốt dịch COVID-19. Thực hiện Chỉ thị 05 ngày 28/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia, Hải Dương thực hiện nghiêm túc, với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị.

Về tình hình dịch bệnh, tính đến sáng nay, Hải Dương tăng thêm 11 trường hợp mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc lên 235 ca. Dịch lan tới 7/12 huyện, thị xã, thành phố của Hải Dương, chủ yếu xuất phát từ Công ty TNHH điện tử POYUN Việt Nam (có địa chỉ ở Khu công nghiệp Cộng Hòa, TP Chí Linh).

Tính đến ngày 3/2, Hải Dương bước sang ngày thứ 8 cao điểm chống dịch. Số lượng ca phát hiện dương tính giảm một cách rõ rệt, từ con số 72 ca ngày đầu tiên, đến nay còn 11 ca. Tức là cấp số cộng theo chiều ngược lại, trong khi đó, số lượng mẫu xét nghiệm tăng lên hằng ngày (ngày 2/2 khoảng 8.000 mẫu). Số lượng xét nghiệm tăng, số lượng ca giảm rõ rệt.

Trong số 235 ca, Công ty POYUN là ổ dịch chính với 158 ca, chiếm 68% tổng số ca mắc. Ngay sau khi phát hiện, Hải Dương đã cách ly và xét nghiệm toàn bộ người trong Khu công nghiệp Cộng hòa.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, đáng chú ý 2 ca mắc mới ở Hải Dương (1 ca ở Cẩm Giàng, 1 ca ở Ninh Giang) chưa tìm được mối liên hệ với ổ dịch Công ty POYUN. “Chúng tôi đang tập trung đặc biệt cao để tìm mối liên hệ vào 2 ca này”, ông Lương Văn Cầu cho biết.

Về công tác xét nghiệm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, trước nguy cơ lây lan của dịch bệnh hiện công suất xét nghiệm của Hải Dương đã tăng số lượng ca xét nghiệm lên 8.000 mẫu/ngày, tập trung vào các ca F1, vùng nguy cơ cao, tâm dịch trước, làm từ bên trong ra, không làm ồ ạt trên diện rộng từ đó xác định ngay các ca F0 để truy vết, khoanh vùng, cách ly, điều trị kịp thời"- ông Lương Văn Cầu nói.

Quảng Ninh: Cố gắng không có bệnh nhân tử vong do COVID-19

Với việc truy vết 74.984 trường hợp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh cho biết, Quảng Ninh đã xét nghiệm 1.902 ca F1; sau đó mở rộng xét nghiệm đối tượng F2. “Riêng ổ dịch Vân Đồn, bệnh nhân có biểu hiện chung như khan họng, ho, sốt nhẹ… Tuy nhiên, số lượng ca dương tính chưa thể dừng lại tại đây vì hiện nay vẫn còn khoảng 124 ca F1”, bà Nguyễn Thị Hạnh cho biết.

Đáng chú ý, trong quá trình truy vết ngược, điều tra nhân khẩu học những người đi qua thành phố Chí Linh, huyện Kinh Môn (Hải Dương), tối 2/2, TP Hạ Long phát hiện thêm 3 ca (trong cùng 1 gia đình có 5 người) mắc COVID-19.

“Quảng Ninh đang tiếp thu toàn bộ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo, Bộ Y tế, cố gắng đến 28 Tết, Quảng Ninh khoanh vùng được dịch bệnh; đồng thời, cố gắng không có bệnh nhân chuyển biến nặng, tức không có bệnh nhân tử vong do COVID-19 trên địa bàn tỉnh”- bà Nguyễn Thị Hạnh cho biết.

Tỉnh Quảng Ninh đề xuất Trung ương hỗ trợ cho tỉnh về nghiệp vụ điều trị; đề xuất điều chỉnh quy định về chế độ phụ cấp cho người thực hiện nhiệm vụ chống dịch cho phù hợp (nâng mức phụ cấp, mở rộng đối tượng);…

Hà Nội nâng cao 1 mức phòng chống dịch

Tại cuộc họp, ông Chử Xuân Dũng- Phó Chủ tịch UBND Hà Nội cho biết, tính từ từ 28/1 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 21 ca dương tính mắc ngoài cộng đồng. Trong đó đáng lo ngại nhất ca công chứng viên mắc COVID-19 ghi nhận ngày hôm qua (đã xác định được 22 trường hợp F1 của bệnh nhân này). Trường hợp này có lịch trình di chuyển khá phức tạp, đến cả một số địa phương khác.

Hiện Hà Nội đang đẩy mạnh điều tra, xét nghiệm. Tổng số 653F1 đều đã được xét nghiệm (trừ số 22F1 phát hiện mới ngày hôm qua), tất cả F1 đều được cách ly tập trung. Hà Nội cũng tiến hành giám sát chặt chẽ các trường hợp F2 cách ly tại nhà…

Thành phố Hà Nội đã lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ 17.752 người về từ Chí Linh (Hải Dương) từ ngày 1/1/2021 và người về từ các khu vực có ổ dịch tại tỉnh Quảng Ninh từ ngày 5/1/2021, trong đó phát hiện 4 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Hà Nội đang tiếp tục khẩn trương khoanh vùng, điều tra, truy vết các trường hợp mắc bệnh và những người có liên quan để lấy mẫu sớm nhất, đồng thời tiến hành công tác phong toả phù hợp để không ảnh hưởng rộng…

Hà Nội đã nâng cao 1 mức công tác phòng chống dịch; tạm dừng một số hoạt động không cần thiết (quán bar, vũ trường, quán game, internet…); điều chỉnh quy mô lễ hội; yêu cầu toàn bộ công an xử lý các trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng;

Lây nhiễm chủ yếu do không đeo khẩu trang

Thông tin tại cuộc họp, đại diện Tổ Thông tin đáp ứng nhanh phòng chống COVID-19 cho biết, về đặc điểm tình hình đợt dịch này, các trường hợp lây nhiễm chủ yếu do tiếp xúc gần (tiếp xúc trong gia đình, không gian kín); chu kỳ xoay vòng nhanh (3-4 ngày); tải lượng virus cao; (lây nhanh hơn, nồng độ virus mạnh hơn); đáng chú ý các trường hợp lây nhiễm đều không đeo khẩu trang;…

Thực hiện khai báo y tế toàn dân

Tại cuộc họp, PGS.TS Trần Đắc Phu- nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng đến thời điểm này, các ổ dịch liên quan đến Hải Dương, Quảng Ninh chúng ta đã kiểm soát được, tất nhiên sẽ còn xuất hiện một số ca lẻ tẻ. Do đó, chúng ta cũng phải đề phòng, không quá lo lắng hay hoảng loạn, nhưng cũng không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Và nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ nhập cảnh vẫn rất cao...

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam biểu dương sự nỗ lực của đội ngũ tham gia công tác phòng, chống dịch trong suốt thời gian qua, đặc biệt lực lượng y bác sĩ, công an, quân đội và nhân dân những vùng có dịch.

Bằng kinh nghiệm “bắt kịp, truy vết kịp” trong những đợt chống dịch trước đây, toàn lực lượng nỗ lực rút ngắn thời gian truy vết sớm hơn 1 tuần (từ 11 ngày, giảm xuống còn 3 ngày) so với đợt chống dịch ở Đà Nẵng.

“Chúng ta chạy đua với thời gian, từng giờ từng phút một; nhờ đó, mới kiểm soát dịch bệnh. Mong sao bà con nhân dân trong vùng dịch nói riêng, nhân dân cả nước nói chung, yên tâm sản xuất, kinh doanh, đón Tết Nguyên đán an toàn. Muốn làm được chỉ có cách thần tốc hơn nữa. Không có cách nào khác”- Phó Thủ tướng nêu rõ.

Ban Chỉ đạo đề nghị các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh và một số tỉnh hiện đang có ca bệnh cần tiếp tục huy động nguồn lực tối đa, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chuyên môn của Bộ Y tế triển khai các biện pháp truy vết tích cực, khoanh vùng, cách ly kịp thời, xét nghiệm diện rộng; chú trọng phong toả nhiều lớp, truy vết tất cả các trường hợp tiếp xúc gần để thực hiện cách ly, xét nghiệm kịp thời.

Các tỉnh thành phố đã ghi nhận trường hợp mắc bệnh trong cộng đồng cần thay đổi chiến lược, nâng các biện pháp đáp ứng cao hơp một mức so với đợt dịch trước, trong đó thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg hoặc hạn chế tập trung đông người theo Chỉ thị 15/CT-TTg phù hợp cho từng địa bàn có nguy cơ lây nhiễm cao;

Xác định các trường hợp F1 là trường hợp nhiễm bệnh, từ đó truy ra F2, coi F2 gần như F1 và vừa thực hiện truy vết đồng thời phải khoanh vùng ngay, khoanh vùng rộng và lấy mẫu toàn bộ người dân tại khu vực lây nhiễm cộng đồng; Tiến hành khoanh vùng hẹp hoặc nới lỏng khi tất cả các trường hợp đều âm tính;

Khuyến cáo mạnh mẽ, yêu cầu người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang; hạn chế tập trung đông người ở khu vui chơi, giải trí; tạm dừng một số hoạt động không thiết yếu…

Các địa phương chủ động xây dựng phương án chống dịch; tổ chức diễn tập, tập huấn về công tác phòng chống dịch; sẵn sàng phương tiện, thuốc men, vật tư chống dịch, không để bị động, bất ngờ khi có ca bệnh trên địa bàn…

Qua báo cáo của các địa phương, đến nay, ổ dịch ở thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương “đã khoanh vùng được và kiểm soát tốt”. Cùng với kinh nghiệm sẵn có, Hà Nội đã vào cuộc sớm, tích cực, bài bản; hoàn thành xét nghiệm hơn 17.000 mẫu của các đối tượng đi về từ vùng dịch, cơ bản kiểm soát được nguồn dịch từ Hải Dương.

Đội phản ứng nhanh của BV Chợ Rẫy lên đường hỗ trợ BV Gia Lai

Các thành viên Ban Chỉ đạo đề nghị, đối với Quảng Ninh, các lực lượng đã mạnh mẽ vào cuộc, song, các chuyên gia khuyến cáo, với địa bàn rộng, Quảng Ninh phải nâng cao tinh thần cảnh giác hơn nữa trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Cùng với đó, các chuyên gia nhận định, dịch bệnh tại Gia Lai diễn biến tương đối phức tạp. Đây là địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, nhiều người đến làm kinh tế; trong khi đó, hệ thống y tế, công tác truy vết còn nhiều hạn chế. Gia Lai chưa có kinh nghiệm phòng, chống dịch; năng lực xét nghiệm thấp, tốc độ chậm; người dân không tự nguyện phối hợp với cán bộ y tế... Các thành viên Ban Chỉ đạo đề nghị, trên tinh thần xác định, đây là 1 trong những địa bàn cần ưu tiên, Bộ Y tế tăng cường công tác hỗ trợ phòng, chống dịch; chuẩn bị các phương án truy vết, xét nghiệm, điều trị... tích cực hỗ trợ cho Gia Lai.

Thống nhất tinh thần phải đặt an toàn của người dân là trên hết, đất nước thanh bình là trên hết, Ban Chỉ đạo yêu cầu tất cả những người đi qua vùng dịch và đi từ vùng dịch về phải khai báo y tế. Những đối tượng trốn khai báo y tế phải xử lý nghiêm. Trước hết, đề nghị các nhà mạng lớn (VNPT, Viettel, Mobifone) cắt thuê bao vĩnh viễn đối với các trường hợp cố tình trốn khai báo y tế (sau khi đã nhắn tin nhắc nhở).

Trước đó, tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2021, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp thẩm định về mặt pháp lý đối với đề xuất quy định bắt buộc khai báo y tế toàn dân. Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã thống nhất ủng hộ đề xuất trên và nhấn mạnh, thông tin khai báo y tế chỉ dùng để phục vụ chống dịch.

Trước nhận định của các chuyên gia “đeo khẩu trang cơ bản vẫn là biện pháp an toàn nhất để phòng, chống dịch bệnh”, các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất, tất cả các địa phương kiên quyết xử phạt nghiêm những người không đeo khẩu trang khi đi ra khỏi nhà; đồng thời, khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm thông điệp 5K (Khẩu trang-Khử khuẩn-Khoảng cách-Không tụ tập-Khai báo y tế).

Thái Bình
Ý kiến của bạn