Đón Euro ở biên cương

30-06-2016 16:42 | Xã hội
google news

SKĐS - Cứ tưởng ở biên cương xa xôi thì không khí bóng đá ở các giải đấu lớn như Euro tẻ nhạt lắm, song có dịp thưởng thức không khí “ăn euro, ngủ euro, làm việc euro”...

Cứ tưởng ở biên cương xa xôi thì không khí bóng đá ở các giải đấu lớn như Euro tẻ nhạt lắm, song có dịp thưởng thức không khí “ăn euro, ngủ euro, làm việc euro” ở các đơn vị cơ sở thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Gia Lai và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Nghệ An, tôi mới cảm nhận hết sự đam mê cháy bỏng của những người “lính xanh” nơi đây theo cách riêng của mình. Với tôi, đó như một trong những kỷ niệm sâu sắc của đời binh nghiệp...

Đón Euro này, nhớ Euro xưa

Đồn Biên phòng Ia Chía (Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Gia Lai) nằm lọt thỏm giữa những cánh rừng già. Khi Giải vô địch bóng đá các quốc gia châu Âu (Euro) năm 2008 diễn ra ở Áo và Thụy Sĩ, phương tiện truyền hình của cả đồn mới chỉ có một bộ tivi và parabol, còn mạng di động 3G để có thể cập nhật thông tin về giải đấu qua smartphone cũng chưa có. Có lần, điện lưới vào đồn bị sét đánh hỏng trạm biến thế phải tạm ngừng để sửa chữa, đơn vị phải dùng điện máy nổ hạn chế từ 18h đến 21h30, trong khi các trận đấu diễn ra lúc 23h và 1h45. Muốn xem Euro, đồn phải tự túc dầu, nhưng đơn vị còn khó khăn lấy đâu ra dầu bây giờ? Là người có “máu bóng đá”, Trung tá Nguyễn Đức Toàn - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ia Chía khi đó chợt nghĩ đến có đơn vị đang thi công đường tuần tra biên giới trong khu vực đồn quản lý. Thế là anh “trổ tài đối ngoại” đề nghị đơn vị bạn hỗ trợ dầu chạy máy nổ để anh em của hai đơn vị cùng thưởng thức Euro.

Đóng quân xa nhà, thưởng thức Euro là món ăn tinh thần giúp các chiến sĩ Đồn Biên phòng Diễn Thành (BĐBP Nghệ An) vơi đi nỗi nhớ nhà.

Chưa hết, Đồn trưởng Nguyễn Đức Toàn còn đề nghị bạn làm “tai mắt” cung cấp tin về tình hình trong khu vực làm đường tuần tra để đồn kịp thời xử lý. Một hôm, người của đơn vị bạn vào đồn xem bóng đá báo tin có một nhóm đối tượng lợi dụng đêm tối lén vào rừng khai thác gỗ lậu. Lập tức đích thân Đồn trưởng Toàn điều tôi (lúc đó là Đội trưởng Vũ trang) chỉ huy đội tuần tra bí mật hành quân xuyên rừng tóm gọn 5 tên lâm tặc cùng phương tiện và tang vật là những phiến đinh hương thơm lừng vừa bị chúng dùng cưa lốc xẻ trong đêm.

Càng về cuối giải, các trận cầu càng hấp dẫn. Một hôm mưa giông, parabol bị sét đánh hỏng. Xa đài truyền hình, bị núi cao rừng rậm chắn sóng, ăng-ten “râu” không thu được tín hiệu. Thời điểm đó đang mùa mưa tầm tã, đường sá từ Đồn Biên phòng Ia Chía ra trung tâm huyện Ia Grai rất gian nan. Để thỏa mãn “cơn khát Euro” cho bộ đội nơi chốn “thâm sơn cùng cốc”, Đồn trưởng Toàn đã gửi parabol theo xe chở vật liệu làm đường của đơn vị nọ về thành phố Pleiku sửa. Có parabol “mới”, mọi người phấn khởi vô cùng vì kịp xem hai trận bán kết và chung kết Euro 2008.

Giờ đây, nhớ lại những tháng ngày gian khó mà keo sơn gắn bó, ấm áp tình đồng đội đó, mọi quân nhân của Đồn Biên phòng Ia Chía đều gọi vui Trung tá Nguyễn Đức Toàn là “nguồn sáng Đồn Ia Chía”.

Nếu Đồn trưởng Nguyễn Đức Toàn còn được anh em trìu mến gọi vui là “Anh Toàn Euro” (bởi sở thích xem Euro từ đầu đến cuối giải, nhất là cảm xúc phấn khởi tột đỉnh mỗi khi đội bóng anh yêu thích ghi bàn) thì Thượng tá Phan Văn Giang - nguyên Chính trị viên Đồn Biên phòng Diễn Thành (Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Nghệ An) lại được cán bộ, chiến sĩ trong đồn gọi vui là “Mẹ hiền nghiện bóng” (ở Đồn Biên phòng, các quân nhân thường ví von Đồn trưởng như người bố và Chính trị viên như mẹ hiền trong gia đình vậy), bởi khả năng thức khuya mà dậy sớm của anh. Còn nhớ, giải Euro 2012 diễn ra ở Ba Lan và Ucraina, các trận đấu đều diễn ra lúc khuya (23h và 1h45), song hầu như anh không bỏ sót trận nào. Điều khiến anh em cấp dưới kính nể “Mẹ Giang” là tuy theo dõi liên tục, song anh là người đầu tiên của đồn có mặt trên sân tập thể dục sáng sau loạt kẻng đầu tiên báo thức và việc lãnh đạo, chỉ huy đơn vị trong ngày luôn được anh điều hành hiệu quả. Anh từng tâm sự lúc tôi còn công tác dưới “trướng” của anh (sau 5 năm công tác ở BĐBP Gia Lai, tôi được cử đi học rồi chuyển về làm Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Diễn Thành và hiện nay là Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Tam Quang, Bộ chỉ huy BĐBP Nghệ An): “Đã “chơi” được thì phải “chịu” được. Mình làm lãnh đạo, chỉ huy thì phải tự mình “chuẩn không cần chỉnh” từ việc lớn đến những sinh hoạt đời thường, có vậy cấp dưới mới nể phục!”.

“Mẹ Giang” còn “nổi tiếng” bởi tài bình luận, nhận định sắc sảo các trận đấu, đội bóng và dự đoán khá chính xác xu hướng các trận đấu. Chẳng hạn như trong trận chung kết Euro 2012 giữa đội tuyển Tây Ban Nha và đội tuyển Italia, anh đã nhận định trận này đội bóng của xứ sở bò tót sẽ biết cách xuyên thủng hàng phòng ngự trứ danh để thắng đậm đội bóng của xứ sở mỳ ống. Đúng như “Mẹ hiền nghiện bóng” nhận định, đội tuyển Tây Ban Nha đã thắng đội tuyển Italia với tỉ số 4 - 0, dù trước đó ở vòng đấu bảng, hai đội này đã hòa nhau cân tài cân sức với tỉ số 1 - 1!

Các “hot fan” của Đồn Biên phòng Tam Quang (BĐBP Nghệ An) thể hiện cảm xúc trước mỗi bàn thắng bằng động tác vỗ tay, không hò hét để giữ trật tự cho đơn vị trong đêm.

Euro này: cũng một tiếng “dzô!”

Những ngày này, Tiểu đoàn Huấn luyện – Cơ động, Bộ chỉ huy BĐBP Nghệ An đang gấp rút chạy đua với thời gian để hoàn thành nốt các nội dung môn bài cuối khóa cho 200 chiến sĩ mới dưới cái nắng như đổ lửa. Công tác huấn luyện chiến sĩ mới tuy gian nan, vất vả là vậy, song không khí Euro 2016 lại đang là chủ đề “hot” được bộ đội nơi đây bàn luận râm ran, sôi nổi trong những phút giải lao trên thao trường, vào giờ nghỉ, ngày nghỉ và trong các giờ tăng gia sản xuất, đã thực sự giúp bộ đội xua tan mệt mỏi, nâng cao hiệu quả công tác.

Ngày khai mạc Euro, theo chế độ hàng ngày quy định thì 21h30 bộ đội tắt điện ngủ, song thể theo nguyện vọng của anh em, đơn vị đã “phá lệ” cho những đồng chí cán bộ có nhu cầu được xem trận khai mạc giữa đội tuyển Pháp và đội tuyển Rumani lúc 2h sáng. Đơn vị còn tăng cường bữa ăn tươi vào khẩu phần ăn tối của bộ đội bằng chính sản phẩm “cây biên phòng, lá biên thùy” do đơn vị tự túc tăng gia (gà, cá, vịt), gọi là “chào mừng khai mạc Euro”. Thượng tá Trần Văn Viện - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Huấn luyện – Cơ động, vui vẻ chia sẻ: “Nhằm giúp bộ đội vơi đi nỗi nhớ hậu phương, thể theo nguyện vọng của anh em muốn thưởng thức giải bóng đá lớn nhất châu Âu 4 năm mới có một lần, đơn vị thống nhất cho bộ đội xem trận khai mạc, trận chung kết và các trận diễn ra lúc 20h (tất nhiên là không ảnh hưởng đến chất lượng công việc). Đồng thời tổ chức bữa ăn tươi để “khoan thư sức lính”, tạo không khí vui vẻ, ấm cúng trong đơn vị”.

Thủ trưởng nào, phong trào ấy. Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên Tiểu đoàn và Đại đội đều “nghiền” bóng đá như kích thích lòng đam mê môn thể thao vua trong đơn vị. Và khi lưới đội nào đó rung lên là những tiếng “Dzô!... Dzô!... Vào!...” vang lên như chính các anh được thưởng thức Euro ở nhà mình vậy. Vui nhất là mấy chiến sĩ “bắt độ” theo cách “lính biên phòng”: ai thua thì tối mai phải massage (tẩm quất) và giặt quần áo cho người thắng cuộc. Rồi các chiến sĩ cũng được đặt tên theo các cầu thủ nổi tiếng của giải đấu như: “Lâm Pogba”, “Giáp Rooney”, “Thuận Payet”…

Xem bóng đá là “cà phê công việc”

Văn hào Pháp H.Ban-zăc từng ví von: Ngày nào không uống cà phê thì sức sáng tạo của nhân loại chỉ còn một nửa! Với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Quang, Bộ chỉ huy BĐBP Nghệ An được xem những trận cầu Euro đỉnh cao cũng thú vị chẳng khác nào là thứ “cà phê công việc” vậy. Trước khi “quyết thoáng” cho những cán bộ có nhu cầu xem những trận đấu diễn ra lúc 23h, Chính trị viên Nguyễn Khắc Lĩnh quán triệt rõ ràng điều kiện: “Đơn vị vận dụng cho xem có giới hạn nhưng không được ảnh hưởng xấu đến công việc trong ngày và xem rồi thì tinh thần trách nhiệm, hiệu quả công việc phải tốt hơn. Nếu đồng chí nào vì xem bóng đá mà để công việc trì trệ thì đơn vị sẽ “thiết quân luật”, không cho xem nữa!”.

Trung úy Bùi Nguyên Bắc - Đội trưởng Vũ trang, Đồn Biên phòng Tam Quang cho biết: “Thường thì các buổi tối, sau khi sinh hoạt bộ phận hoặc sinh hoạt chi đoàn xong, anh em cán bộ đi ngủ sớm để lấy sức xem các trận bóng lúc 23h. Ai xem thì tập trung ở hội trường, nhưng tất cả phải đảm bảo trật tự, không để phấn khích làm ảnh hưởng giấc ngủ đồng đội”. Còn thiếu úy Đậu Đình Tương - nhân viên Đội Hậu cần thổ lộ: “Chúng em chỉ xem một số trận lúc 23h xong hiệp 1 rồi về ngủ để bảo đảm sức khỏe hôm sau làm việc. Đam mê thật đấy nhưng vẫn phải đặt công việc lên trên hết anh ạ. Với những trận lúc 2h thì chúng em cập nhật tin tức và xem tường thuật lại trên tivi, smartphone sau đó. Thế là cũng được thưởng thức trọn vẹn Euro rồi!”.

Được quán triệt rõ ràng, kỹ càng như vậy nên “fan” nào cũng tự giác, tích cực thực hiện nhiệm vụ được giao để không bị “thiết quân luật”. Cũng bởi “chế tài” hợp tình, hợp lý đó mà một vài quân nhân trước đây còn rơi rớt sức ỳ thì nay qua Euro đã tiến bộ hơn.


Bài và ảnh: Đại úy BÙI HỒNG MẠNH (Tiểu đoàn 19 - BĐBP Nghệ An)
Ý kiến của bạn