Đôn đốc tiến độ đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp 46 trạm y tế ở Sóc Trăng

17-09-2023 15:23 | Y tế

SKĐS - Dự án Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn tỉnh Sóc Trăng được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ, đầu tư xây dựng, cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng, cung cấp trang thiết bị cho 46 trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Đoàn công tác Ban Quản lý dự án Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn TW do PGS.TS Phan Lê Thu Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), Giám đốc Ban Quản lý dự án TW và đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa có buổi làm việc với UBND tỉnh Sóc Trăng về việc triển khai thực hịện dự án trên địa bàn tỉnh.

Đôn đốc tiến độ đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp
46 trạm y tế ở Sóc Trăng - Ảnh 1.

Toàn cảnh cuộc họp

Tiếp và làm việc cùng đoàn có đồng chí Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ngành liên quan.

Sóc Trăng là tỉnh có điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nhìn chung, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh gặp phải những thách thức không nhỏ. Việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế của người dân trên địa bàn tỉnh đối mặt với những rào cản trên cả 3 khía cạnh: địa lý (do địa hình bị chia cắt bởi hệ thống kênh rạch trong khi hạ tầng giao thông chưa thực sự phát triển), tài chính (năng lực tài chính của địa phương cũng như của các hộ gia đinh còn tương đối hạn chế) và văn hóa (với tỷ lệ cao đồng bào dân tộc thiểu số trong tổng số dân cư toàn tỉnh). 

Cùng đó, về phương diện cung dịch vụ y tế, nhìn chung hệ thống y tế tỉnh đang đối mặt với nhiều khó khăn về hạ tầng kỹ thuật và nhân lực y tế. Cụ thể, số liệu thống kê y tế cho thấy các chỉ số nhân lực chính của Sóc Trăng như số bác sĩ, dược sĩ và điều dưỡng/10000 dân thấp hơn mức bình quân của khu vực vực Đồng bằng sông Cửu Long (là khu vực có chỉ số nhân lực thấp hơn bình quân cả nước). 

Đôn đốc tiến độ đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp
46 trạm y tế ở Sóc Trăng - Ảnh 2.

Ông Trần Văn Lâu - Phó bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng phát biểu tại cuộc họp.

Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận là trong bối cảnh nguồn lực y tế còn hạn chế, tỉnh Sóc Trăng được đánh giá là dành ưu tiên, quan tâm đầu tư cho mạng lưới y tế cơ sở (tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế hay tỷ lệ trạm y tế xã có bác sỹ làm việc được duy trì ở mức khá cao). 

Vì vậy Bộ Y tế đã và đang hỗ trợ tích cực cho những địa phương còn gặp nhiều khó khăn như Sóc Trăng trong việc phát triển mạng lưới y tế cơ sở nhằm đảm bảo việc cung ứng hiệu quả và bền vững các dịch vụ y tế cơ bản có chất lượng cho người dân.

Dự án Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn tỉnh Sóc Trăng được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ, đầu tư xây dựng, cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng, cung cấp trang thiết bị cho 46 trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Trong đó, xây mới, mua sắm trang thiết bị y tế cho 28 trạm y tế xã, phường, thị trấn; sửa chữa, cải tạo, mua sắm trang thiết bị y tế cho 18 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Dự án thực hiện từ năm 2019 - 2025.

Tại buổi làm việc, Ban Quản lý Chương trình TW đã trao đổi, hướng dẫn chi tiết các quy trình, thủ tục và các nội dung công việc cần thực hiện tiếp theo trong 4 tháng cuối năm 2023 để Chương trình tại tỉnh Sóc Trăng sớm đưa vào thực hiện.

Đôn đốc tiến độ đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp
46 trạm y tế ở Sóc Trăng - Ảnh 3.

PGS.TS Phan Lê Thu Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), Giám đốc Ban Quản lý dự án TW phát biểu tại cuộc họp.

PGS.TS Phan Lê Thu Hằng - Giám đốc Ban Quản lý dự án Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn TW đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng quan tâm bố trí đủ vốn đối ứng năm 2023 để thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư (thuê tuyển tư vấn, khảo sát, thiết kế, lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu…); Lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo sát sao các Sở/ngành phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế, Ban Quản lý dự án 1 tỉnh Sóc Trăng đẩy nhanh tiến độ thực hiện rà soát và phê duyệt điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi chậm nhất là trước 31/10/2023. 

Đồng thời, chỉ đạo Chủ đầu tư lập Kế hoạch tổng thể, Kế hoạch thực hiện năm 2023, 2024 gửi Ban Quản lý dự án TW xin ý kiến trước 30/11/2023 và trình UBND tỉnh phê duyệt trước 31/12/2023.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho rằng, dự án có ý nghĩa rất lớn trong hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Sau khi nghe ý kiến và giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong công tác rà soát, đánh giá lại và điều chỉnh danh mục đầu tư, cơ cấu nguồn vốn và tổng mức đầu tư cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, ông Trần Văn Lâu đã chỉ đạo Sở Y tế phối hợp chặt chẽ với các Sở/ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư làm cơ sở phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi tỉnh Sóc Trăng đảm bảo đầu tư xây mới hoàn chỉnh cơ sở vật chất và trang thiết bị cho 28 trạm y tế và cải tạo nâng cấp 18 trạm y tế từ nguồn vốn vay ODA của Chương trình; 

Riêng 18 trạm sửa chữa, cải tạo, tiếp tục rà soát để điều chỉnh danh mục cho phù hợp; bảo đảm mua sắm, sử dụng trang thiết bị y tế hợp lý, tránh lãng phí...

Đôn đốc tiến độ đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp
46 trạm y tế ở Sóc Trăng - Ảnh 4.

Ông Ngô Quang Vịnh - Cán bộ ADB, Chủ nhiệm Chương trình phát biểu tại cuộc họp.

Chương trình "Đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn" với kinh phí đầu tư 88,6 triệu USD vay vốn của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) được triển khai thực hiện từ năm 2019-2025 theo quyết định chủ trương đầu tư số 1467/QĐ-TTg ngày 2/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ và điều chỉnh tại Quyết định số 758/QĐ-TTg ngày 19/6/2019.

Chương trình được thực hiện tại 16 tỉnh trong thời gian từ 2019-2025 với đặc thù là cơ chế giải ngân được thực hiện theo phương thức hòa đồng ngân sách nhà nước trong Chương trình mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 và 2021 – 2025.

Hoàn thành đúng tiến độ được xem là một thách thức lớn đối với Chương trình trong bối cảnh cơ chế triển khai theo phương thức mới với sự lồng ghép và phối hợp của nhiều sở/ban/ngành, đồng thời tiến độ cấp vốn cho Chương trình chưa được đảm bảo theo kế hoạch.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để đảm bảo Chương trình hoàn thành đúng tiến độ trong thời gian 2 năm còn lại, Bộ Y tế đã phối hợp với nhà tài trợ ADB và Ban quản lý dự án TW đã thành lập đoàn công tác để đôn đốc tiến độ thực hiện tại các địa phương được thụ hưởng dự án.

Vụ cháy chung cư mini: Tại Bệnh viện Bạch Mai còn 1 ca thở máy; đa số bệnh nhân nặng diễn biến tích cực Vụ cháy chung cư mini: Tại Bệnh viện Bạch Mai còn 1 ca thở máy; đa số bệnh nhân nặng diễn biến tích cực

SKĐS - Thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai - cơ sở y tế tiếp nhận điều trị nhiều nhất các nạn nhân của vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ - Thanh Xuân - Hà Nội hiện còn 1 người phải thở máy, các trường hợp nặng khác diễn biến tích cực. Đặc biệt các bệnh nhi tâm lý đã ổn định, không còn hoảng loạn.

Thái Bình
Ý kiến của bạn