Hà Nội

Đờn ca tài tử không thể chỉ là “tài tử”

10-05-2014 16:10 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Festival Đờn ca tài tử (ĐCTT) Quốc gia lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014: “Tình người tình đất phương Nam” khép lại sau 5 đêm rộn rã đờn ca

Festival Đờn ca tài tử (ĐCTT) Quốc gia lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014: “Tình người tình đất phương Nam” khép lại sau 5 đêm rộn rã đờn ca với những điệu “Nam, Bắc, Hạ, Oán”, hòa cùng tiếng đàn kìm, tranh, cò, tỳ bà, sến, độc huyền, sáo, tiêu, song loan, guitar... trong nhiều cung bậc, nhịp phách của các bản ca cổ… Vui đấy, nhưng không thể vương vấn chút ưu tư khi “di sản” vẫn chỉ là “tài tử”.

Lễ bế mạc Festival Đờn ca tài tử lần 1

Lễ bế mạc Festival Đờn ca tài tử lần 1

Cuộc tổng duyệt di sản

Bạc Liêu được mệnh danh xứ “Công tử”, lại là nơi nổi tiếng đặc sản muối biển, mang thương hiệu truyền thống vang danh toàn cõi Đông Dương từ khi mở đất lấn biển hàng mấy trăm năm trước nên như một sắp đặt số phận, môn nghệ thuật mang tiếng “tài tử” này chọn nơi đây là cái nôi của ĐCTT Nam bộ để tồn tại và phát triển. Nhiều “danh cầm” nổi tiếng của ĐCTT Nam bộ đều xuất thân ở Bạc Liêu như: Lê Tài Khí (Nhạc Khị), Cao Văn Lầu, Lê Văn Túc (Ba Chột), Trần Tấn Hưng (Năm Nhỏ), Hai Thơm (Vua vĩ cầm), Trịnh Thiên Tư, Lư Hòa Nghĩa, Mộng Vân, Lý Khi...

Kể từ hơn trăm năm nay, chưa bao giờ ĐCTT Nam bộ lại có được một festival hoành tráng trong 5 ngày đêm, rộn rã, chỉ có tiếng đàn, giọng ca trong một không gian thấm đẫm những đặc trưng văn hóa của Nam bộ với 3 tầng văn hóa tiêu biểu trên sông nước, ruộng đồng và miệt vườn ở TP. Bạc Liêu, cái nôi của ĐCTT Nam bộ. Đặc biệt, Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa phi vật thể ĐCTT Nam bộ” đã làm tăng thêm ý nghĩa của festival.

Không chỉ như một cuộc “duyệt” để xem “di sản” của ĐCTT Nam bộ có gì, còn gì, mất gì, festival còn là một “tiếng ngân rung” để cho những ai quan tâm đến “di sản” này có một cái nhìn chuẩn để bảo tồn, giữ gìn, phát triển, cho nó thật sự có giá trị “di sản nhân loại” chứ không chỉ là “tài tử” ở miệt vườn sông nước ruộng đồng Nam bộ.

Đờn ca tài tử Nam bộ vui buồn từ festival

ĐCTT Nam bộ có từ thế kỷ 19, hơn trăm năm nay lúc thăng, lúc trầm nhưng chưa khi nào nó chịu “đầu hàng”. Được phong danh “di sản”, lại có một festival hoành tráng, ĐCTT Nam bộ như hồi sinh, sống lại một cách mới mẻ và khỏe mạnh.

Một buổi biểu diễn Đờn ca tài tử

Một buổi biểu diễn Đờn ca tài tử

Festival ĐCTT quốc gia lần thứ nhất đúng là một cuộc “tổng duyệt” xem kho báu “di sản” như thế nào. Vui vì những bài bản cổ, cái gốc của ĐCTT vẫn được giữ vẹn nguyên, được trình diễn rất ngọt, không lai tạp. Không gian ĐCTT trong festival cho thấy một không khí nghĩa hiệp, hiếu khách, phóng khoáng, lịch thiệp rất “tài tử”. Tất cả như thấm đẫm giọng ca tiếng đờn trong bồng bềnh mênh mang sông nước, trong mát dịu ngọt thơm hoa trái những vườn cây... Vui vì thấy mọi người không hề thờ ơ với ĐCTT, làm cho ĐCTT thêm rực rỡ sắc màu đầy sôi động, khắc họa đậm nét nhân văn của nghệ thuật này.

Nhưng cũng không chỉ có niềm vui. Những gì “tai nghe, mắt thấy” trong festival đã cho lòng không yên, dạ bồn chồn lo lắng. Rộn ràng đờn ca, nhưng hầu hết các tay đờn giọng ca khi hỏi đến thì phần lớn học qua truyền khẩu, truyền tay (đờn), rất ít người được đào tạo một cách bài bản trường lớp. Bản thân các nghệ nhân cũng không nắm được rõ bản ca bản đờn của mình là điệu gì, thuộc bản cổ gốc nào mà chỉ biết học thuộc, rồi trình diễn. Ngay trong một suất diễn cũng rất vô chừng, không có bài bản nào theo quy tắc, mà tùy hứng, vì thế, với ai chưa một lần biết ĐCTT Nam bộ, khi nghe sẽ chỉ biết đấy là một khúc hát “cải lương”, nghe vui vui lạ lạ, rồi thì chẳng biết nó hay như thế nào. Chưa kể chính cái bình dân, “tài tử” mà sự hỗn tạp trong một không gian ĐCTT tạo nên lộn xộn, biến một loại hình nghệ thuật có tính bác học, sang trọng, như một thú chơi lịch lãm trở thành một “cái lẩu”, nói như người dân ở đây ví von. Tệ hơn, đã có những show ĐCTT ngay trong festival cho thấy thực chất ĐCTT hiện tại chỉ là show diễn kiếm tiền từ khách du lịch nghe với vài ba khúc ca, khúc đờn một cách khô khan, máy móc trong vài chục phút, mà như GS. Tô Ngọc Thanh đã cay đắng thốt lên trong cuộc hội thảo ở festival: “Buồn vì người ta đem một dòng nhạc sang trọng, bác học, tinh tế để thay cho loại nhạc rẻ tiền trong các tiệm ăn ven đường”. Còn GS.TS. Trần Văn Khê thì ngậm ngùi: “Cả một festival mà được nghe rất ít tinh hoa của ĐCTT Nam bộ. Những ngón đờn, những giọng ca mang tiếng “danh cầm”, “danh ca” hiếm quá”.

Đừng để ĐCTT Nam bộ chỉ là “tài tử”

Mấy năm trước, quỹ SIDA tài trợ để vực dậy ĐCTT ở Nam bộ nhưng gần như kết quả không tiến triển. Chỉ từ khi ĐCTT được đưa vào danh sách “di sản” của văn hóa nghệ thuật Việt Nam và đưa trình UNESCO thì nó bắt đầu khởi sắc, nhưng giống như một cú “choáng” bởi vinh dự quá lớn nên các “tài tử” ĐCTT Nam bộ hầu như chưa có một tâm thế “bài bản” cụ thể để bảo tồn, phát triển chuyên nghiệp chất “tài tử”.

Trong hội thảo về ĐCTT Nam bộ, điều mà các tham luận, ý kiến đều chung một mối lo làm sao phát triển sâu rộng, khai thác hết vốn quý của nó và mở ra những phát triển bài bản mới? Làm sao để nó có sức hấp dẫn, có thể song hành cùng các loại hình giải trí nghệ thuật khác ở vùng quê và có chỗ đứng xứng đáng trên sân khấu trình diễn...?

Theo kết quả kiểm kê năm 2011, nghệ thuật ĐCTT hiện đang được thực hành tại hơn 2.500 câu lạc bộ, nhóm, gia đình ở 21 tỉnh, thành phố miền Nam. Ông Huỳnh Vĩnh Ái - Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL cho rằng việc bảo tồn, phát triển ĐCTT là trách nhiệm của cả nước, nhưng nòng cốt phải là 21 tỉnh, thành Nam bộ có di sản này. Ngay trong festival lần này đã ra mắt Quỹ Hỗ trợ bảo tồn và phát triển nghệ thuật ĐCTT Nam bộ Lê Tài Khí. Nhưng xem ra mọi cái vẫn chỉ là mới bắt đầu cho việc “nuôi”, phát triển và phổ biến ĐCTT.

ĐCTT vẫn đang đối diện nhiều thách thức, nhất là vấn đề đưa ĐCTT vào du lịch. GS.TS. Trần Văn Khê bày tỏ lo ngại: “... 15 phút làm sao có thể biểu diễn ĐCTT cho ra hồn, cho xuất thần được. Khách đến nghe cũng không phải người đồng điệu, chỉ là một người xa lạ khám phá một lối nhạc mà họ chưa nghe bao giờ nên việc tổ chức nhiều dàn nhạc như vậy chỉ nhằm vào số lượng, còn chất lượng kém đi rất nhiều”. GS. Đặng Hoành Loan - nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc VN đề xuất: “Nếu muốn đưa ĐCTT vào tour du lịch thì trong nhóm tài tử phải có người có năng lực giới thiệu khái quát về ĐCTT cho du khách trước khi biểu diễn; có người biết tiếng Anh để giới thiệu (nếu phục vụ khách nước ngoài) và đặc biệt “phải dành thời gian biểu diễn ít nhất 45 phút để các nghệ nhân ĐCTT thể hiện phần nào cái hay, cái đẹp của ĐCTT”.

Một vấn đề khác cũng được lưu tâm là việc bảo tồn. Song song với bảo tồn, cần phát động các phong trào sáng tác, sáng tạo bài bản mới trên nền căn bản của nghệ thuật ĐCTT, qua thời gian sẽ chắt lọc được tinh hoa”. PGS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Liêm - Phó Giám đốc Nhạc viện TP.HCM thì bức xúc: “Chúng ta luẩn quẩn trong 20 bài bản tổ mấy chục năm qua mà thiếu yếu tố sáng tạo để duy trì sự phát triển. Chúng ta không nên dựa quá nhiều trên nền tảng khuôn mẫu cũ, cần khơi gợi nên những sáng tạo mới mang hơi thở thời đại”. GS.TS. Trần Văn Khê nói thêm: “Có thể phát động sáng tác mới để chúng ta không những bảo tồn, gìn giữ mà còn phát huy nghệ thuật ĐCTT. Nhưng sáng tác đó không được làm cho nghệ thuật ĐCTT biến chất, mất đi tính đặc thù”.

Việc UNESCO vinh danh Nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” thể hiện sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với loại hình nghệ thuật độc đáo này của Việt Nam. Đó là một minh chứng sống động về sức lan tỏa của văn hóa truyền thống Việt Nam trong dòng chảy hội nhập của văn hóa thế giới.

Festival ĐCTT Quốc gia lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014 chính là nhằm làm sâu sắc thêm tiềm năng, lợi thế và sức mạnh của ĐCTT Nam bộ, là diễn đàn phát đi thông điệp: “Phải bảo tồn, phát huy những giá trị vĩnh hằng” và hẹn năm 2017 Festival ĐCTT Quốc gia lần 2 ở TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương. 

Hoài Hương


Ý kiến của bạn