Thấy họ lang thang không mảnh vải che thân, bạ gì ăn nấy nên vợ chồng chị thấy thương, đem về nhà tắm rửa, mua áo quần cho mặc, cho ăn, tìm người nhà không được thì coi họ như những người thân trong gia đình. Ðến khi số lượng lên đến mấy chục người, căn nhà nhỏ của chị không đủ để ở, vậy là hai vợ chồng bán nhà bán cửa, xây một nhà dưỡng lão cho những người già neo đơn không nơi nương tựa đến đây an hưởng tuổi già…
Tuổi thơ ngậm ngùi
![]() Chị Lời cùng các thành viên đoàn tình nguyện ở Đà Nẵng trao quà cho các cụ. |
Sống trong cảnh mồ côi, nên mới 10 tuổi, chị Lời đã phải sớm lăn lộn trong cuộc mưu sinh. Ngày ngày chị cùng lũ trẻ trong làng đi chăn bò, nhặt lúa chét về để kiếm cái ăn lo cho đứa em còn nhỏ. Không thể nào tả hết cuộc sống khốn khó mà chị đã phải từng ngày đối mặt. Sự giúp đỡ của mọi người cũng có giới hạn. Lúc ấy chị không biết rồi tương lai của mình sẽ ra sao khi mà chỗ dựa duy nhất là bà ngoại đã như ngọn đèn trước gió, có thể tắt bất cứ lúc nào...
Nhưng rồi cuộc đời cũng không quá bất công đối với một đứa trẻ mồ côi như chị. Chị cũng lớn lên và lập gia đình, sinh được 3 đứa con kháu khỉnh. Trong những năm khốn khó thời sau giải phóng, anh Tùng nghỉ dạy ra ngoài làm kinh tế, còn chị Lời vẫn trụ lại với nghề giáo. “Bỏ nghề giáo bước vào lĩnh vực kinh doanh, anh ấy gặp không ít thăng trầm. Nhưng nhờ kiên trì, tui làm ăn cũng được. Cũng may là khi con cái trưởng thành đều cùng mục đích với bố mẹ...”, chị Lời tâm sự. Cả 3 đứa con đều nên người, hai đứa đầu đã tốt nghiệp đại học, đứa út cũng đang chuẩn bị vào đại học.
Và rồi khi con cái đã trưởng thành, còn hai vợ chồng với nhau, chị lại nhớ về những ngày tháng tủi cực xưa cũ, lại ước ao có được một người mẹ. “Cả đời mình khát khao được mẹ ôm ấp, mua cho miếng bánh, hay dẫn đi chơi. Thậm chí, mong được mẹ cho đòn roi mỗi khi mình mắc lỗi nhưng không bao giờ có được. Lớn lên, lập gia đình mong được có mẹ để chăm sóc nhưng điều đó cũng không thể được...”, chị Lời kể trong nước mắt. Chị tự nói với lòng, thôi thì đi tìm những người già không nơi nương tựa làm cha mẹ như để bù đắp sự thiếu hụt tình mẫu tử. Ý nghĩ đó được chị nung nấu, khi con cái đã trưởng thành, chị đem ý nghĩ đó bàn với chồng, không ngờ lại được chồng ủng hộ nhiệt tình, bởi anh cũng mất mẹ từ sớm nên rất đồng cảm. Thế là hai vợ chồng cùng nhau lập kế hoạch.
Bán nhà xây viện dưỡng lão
![]() Chị Lời không kìm được nước mắt khi kể lại chuyện đời và những gian khó đã qua. |
Nhưng rồi số người tìm đến ngày càng đông, không có chỗ ở. Hai vợ chồng anh chị quyết định bán hết gia tài tích cóp được sau gần 30 năm là ba căn nhà, hai cái ở quê, một cái ở thị trấn Hà Lam để lấy tiền xây viện dưỡng lão này. Ngày hai vợ chồng quyết định xây nhà dưỡng lão đã treo bảng rao bán 3 căn nhà một lúc. “Cũng may nhờ qua giới thiệu của một người bạn, vợ chồng tui ôm hồ sơ lên trình bày với lãnh đạo huyện Hiệp Đức. Không ngờ các anh gật đầu liền, còn động viên và tạo điều kiện tốt nhất, chỉ trong vòng hơn 1 tháng sau là xong thủ tục. Đó là vào đầu tháng 2/2008. Xin được giấy phép xây nhà dưỡng lão là vợ chồng tui ôm nhau khóc vì mừng, thế là quyết định treo bảng bán nhà luôn...”, chị Lời kể lại rồi cười.
Cầm hơn 600 triệu đồng, vợ chồng chị khởi công xây dựng viện dưỡng lão. Sau hơn 3 tháng hoàn thành cơ bản và đưa vào hoạt động vào giữa tháng 5/2008. Người đầu tiên anh chị đón về là ông Huỳnh Văn Liên, người được bà con ở thị trấn Tân An, Hiệp Đức gọi là người 4 không (không vợ, không con, không cha mẹ, không nhà cửa). Ông Liên trước là giáo viên, sau nghỉ dạy về sống cô quạnh một mình trong căn nhà tạm dưới chân núi Dương Bồ. “Hồi lên xây dựng nơi này, mình đi thăm bà con quanh vùng, nghe bảo chú Liên sống một mình nên mình quyết định đón chú về...”, chị Lời kể. Bây giờ ông Liên tình nguyện làm người quản lý tại đây.
Kể từ khi nhà dưỡng lão hoàn thành đưa vào hoạt động, cả hai vợ chồng chạy lo kinh phí cho bếp ăn hằng ngày, rồi tìm người chăm sóc cho các cụ, mở lớp đào tạo nghề. Hỏi lấy tiền đâu để cho viện dưỡng lão hoạt động khi đón các cụ già về nuôi dưỡng? Chị Lời lạc quan bảo rằng, trước khi đầu tư, vợ chồng anh đã tính đến, đó là nguồn trợ giúp của bạn bè, sự đóng góp của hai đứa con là kiến trúc sư đang đi làm. Nếu thiếu, vợ chồng anh sẽ tiếp tục bán tiếp căn nhà thứ hai. Đó là chưa kể vườn cây cảnh anh Tùng gầy dựng mấy chục năm nay đem bán cũng có thêm tiền. Trước mắt là vậy, còn lâu dài, vợ chồng anh sẽ tìm nguồn tài trợ từ những tấm lòng hảo tâm, rồi tổ chức sản xuất, làm sao cho có tiền để lo chăm sóc cho các cụ đầy đủ nhất.
Thế là cho đến bây giờ, anh chị đã đón khoảng 25 cụ già không nơi nương tựa về chăm sóc, còn mở lớp đào tạo nghề cho trẻ em khuyết tật trên địa bàn. Không chỉ chăm nuôi người già neo đơn, hai vợ chồng anh chị còn dành nhiều thời gian để đi giúp những gia đình có việc tang, trong làng ngoài xã, ai nhờ việc tẩm liệm người nhà là anh Tùng tự nguyện giúp, nhất là những gia đình có người bị tai nạn giao thông. Công việc không chỉ vất vả, khó khăn, đôi khi còn là những ám ảnh khôn nguôi nhưng anh Tùng không từ chối một ai.
Chị Lời tâm sự: “Vì thương họ mà chăm nuôi, nếu không được làm nữa thì cũng buồn lắm. Nghĩ chỉ thương cho những người già ấy cũng như cha mẹ mình thôi. Không nơi nương tựa, tương lai chỉ biết trông chờ vào sự cưu mang, đùm bọc mà thôi! Mình cố làm được điều gì đó thì mình làm...”. Ông Huỳnh Văn Liên nghẹn ngào cho biết: “Tui cũng như nhiều người già ở đây may mắn gặp được tấm lòng Bồ tát của vợ chồng chị Lời mới có chốn nương thân, chứ nếu không chúng tôi không biết phải nương tựa vào đâu những lúc tuổi già xế bóng nữa. Hai vợ chồng chị Lời sống tình cảm lắm, chăm sóc chúng tôi còn hơn chăm sóc cha mẹ nữa đó. Ở hiền ắt sẽ gặp lành. Mong cho anh chị ấy có nhiều sức khỏe để làm được nhiều việc tốt hơn nữa!...”.
Nhiều người bảo vợ chồng chị khùng bởi họ đã đem mấy bán căn nhà đang ở tại đồng bằng, cộng với số tiền dành dụm được gần 1 tỷ đồng để đầu tư xây dựng nhà dưỡng lão. Họ nói gì thì mặc họ. Bởi trong sâu thẳm suy nghĩ của mình, tôi biết đó là câu chuyện cổ tích thời hiện đại được hai vợ chồng Nguyễn Đình Tùng và Trịnh Thị Lời viết nên bằng cả tấm lòng của mình. Chiều lộng gió dưới chân núi Dương Bồ, chúng tôi chào chị, chào các cụ già ra về mà lòng phơi phới một niềm vui. Nếu con người ai cũng có tấm lòng như vợ chồng chị, cuộc sống sẽ tươi đẹp biết bao.
Bài, ảnh: Nguyễn Hữu