Đội tuyển Việt Nam của HLV Park Hang-seo không chỉ vô địch, họ còn chiến thắng một cách thuyết phục và hứa hẹn mở ra một chu kỳ thống trị mới của bóng đá Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á. Chiến thắng ấy, chiến công ấy không đến một cách ngẫu nhiên...
Không còn chỗ cho bất ngờ
10 năm trước, Công Vinh đưa đội tuyển Việt Nam lên ngai vàng. Chiến thắng của thế hệ 2008 thật vĩ đại, nhưng đó là chiến thắng của một đội bóng cửa dưới trước những đối thủ mạnh hơn, là chiến công phi thường nhưng bất ngờ trong sự hồi hộp lo lắng của người hâm mộ. 10 năm sau, thế hệ Quang Hải không cần may mắn nào, những người đàn em của họ đã tạo nên một chiến công còn kỳ vĩ hơn. Quang Hải và đồng đội đè bẹp Malaysia ở Mỹ Đình, trên cơ Philippines trong cả hai lượt bán kết và chỉ thực sự phải khổ chiến khi tái ngộ người Mã ở Bukit Jalil. Chiến thắng lần này của đội tuyển Việt Nam đã thuyết phục tất cả, khiến những người khó tính nhất cũng phải gật đầu thừa nhận.
Các học trò - những cầu thủ ĐT Việt Nam ăn mừng rất đặc biệt với thầy HLV Park Hang-seo.
Đội tuyển của HLV Park Hang-seo được đánh giá là ứng viên hàng đầu nhiều tháng trước khi giải khởi tranh. Họ là đội cửa trên, đến giải sau những chiến công vang dội ở tầm châu lục. Họ vô địch sau hành trình bất bại với 6 trong 8 trận có tỷ số thắng.
Khi nói tới HLV Park Hang-seo, một cái tên khác không thể không kể đến, đó là bầu Đức. Nếu nhìn nhận từ gốc rễ, nguyên nhân thành công của đội tuyển đến từ yếu tố con người. Một huấn luyện viên có tài năng đến đâu, nhưng không có những “chiến binh” để thực thi ý tưởng của mình thì cũng vô nghĩa. Các chiến công vừa qua của U23 không từ trên trời rơi xuống, cũng không có chuyện ăn may mà là quả ngọt từ chặng đường dài đầu tư của các lò đào tạo trẻ chuyên nghiệp. Các cầu thủ của U23 không phải là tay ngang mà đều đến lò đào tạo như Học viện HAGL Arsenal JMG, PVF, Hà Nội, Viettel...
Bầu Đức đã đặt niềm tin vào thế hệ cầu thủ trẻ: “Chỉ có công tác đào tạo bài bản mới sản sinh ra những lứa cầu thủ vừa có tài năng, vừa có đạo đức, nhân cách và hành xử đúng mực, đồng thời có trình độ văn hóa. Tôi tin rằng, làn sóng các lò đào tạo trẻ sẽ tiếp tục xuất hiện ngày một nhiều trên cả nước. Đây là cơ hội giúp Việt Nam đủ sức chinh phục không chỉ giải đấu châu lục mà còn tiến xa hơn ở những giải đấu thế giới trong thời gian tới”.
Chuyên nghiệp phải từ gốc rễ
Ngày 5/3/2007 là ngày đặt dấu mốc cho cách làm bóng đá trẻ tại Việt Nam, bầu Đức động thổ xây dựng Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal - JMG trên khu đất là 5ha cao su. Lúc đó, những cây cao su được chặt bỏ đang ở tuổi thu hoạch, có thể đem về cho bầu Đức 300 triệu đồng/ha/năm.
Đội tuyển bóng đá Việt Nam giành chức vô địch AFF Cup 2018.
Suốt 10 năm, bầu Đức phải chi ít nhất từ 4 - 5 triệu USD/năm để thương hiệu Arsenal được song hành cùng Học viện Arsenal HAGL - JMG. Chưa kể, để chăm sóc cho những đứa “gà cưng” như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường... và bây giờ là các học viên khóa III, mỗi năm, bầu Đức phải tốn hàng tỷ đồng cho việc đi lại, tập huấn nước ngoài.
Từ phong cách chuyển nhượng mua bán cầu thủ theo phong cách của “người có tiền”, bầu Đức trở thành người đi tiên phong trong lĩnh vực đào tạo bóng đá trẻ và kiên quyết theo đuổi con đường đó. Theo gót ông, hàng loạt trung tâm bóng đá trẻ mọc lên chắp cánh cho “giấc mơ bóng đá Việt Nam” bay cao hơn.
Không chỉ đầu tư cho lứa cầu thủ mà còn cần một người thầy tốt, gần đây, chuyện bầu Đức lâu nay mỗi tháng đều đặn chi ra khoảng 700 triệu đồng cho VFF để trả lương và thuế cho HLV Park Hang-seo mới được hé lộ khá cụ thể. Theo đó, số tiền này được trích ra 22.000 USD trả lương tháng cho thầy Park, các chi phí và trả thuế thu nhập 35%...
Hiệu quả trong việc mời gọi HLV Park thì đã quá rõ, bằng chứng là ông đã giúp đưa đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2018. Với hợp đồng 2 năm với HLV Park (từ cuối năm 2017 đến cuối năm 2019), bầu Đức sẽ phải chi khoảng 17 tỷ đồng. Cũng cần biết rằng, việc tìm kiếm và đưa thầy Park về Việt Nam cũng có công lớn hàng đầu của bầu Đức. Chính bầu Đức thông qua các đối tác của mình đã phát hiện ra HLV Park, rồi ông giới thiệu với lãnh đạo VFF.
Từ thành công của bóng đá Việt Nam nhìn ra các ngành nghề khác cũng vậy. Để có được thành công trong tương lai một cách vững mạnh ở bất cứ ngành nghề nào, chúng ta đều cần có một hạt giống và môi trường thích hợp. Giống như những thứ đặc sản, những nghề truyền thống đã góp phần làm nên tên tuổi các địa phương, người ta đã phải mất nhiều năm rèn giũa tay nghề, tích cóp kinh nghiệm, cải tạo nguyên vật liệu để cho ra những sản phẩm tuyệt hảo. Và trên hết, hãy đứng xa ra một chút, nhìn bao quát và rộng lớn hơn để có những hướng đi hợp lý nhất. Đây có thể coi là bài học của tất cả mọi doanh nghiệp, mọi lĩnh vực nếu mong muốn một tương lai rực rỡ.