Đội tuyển Bóng chuyền Quốc gia: Vì sao nói không với ngoại binh nhập tịch?

08-12-2016 18:27 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Cũng như bóng đá, bóng chuyền từng xảy ra những tranh cãi nảy lửa xung quanh việc có hay không sử dụng cầu thủ nước ngoài nhập tịch ở các đội tuyển quốc gia (ĐTQG).

Cũng như bóng đá, bóng chuyền từng xảy ra những tranh cãi nảy lửa xung quanh việc có hay không sử dụng cầu thủ nước ngoài nhập tịch ở các đội tuyển quốc gia (ĐTQG). Kể từ 2010 sau trường hợp Ira Merliakova - Lê Kim Nhung suýt được tập trung vào ĐTQG, câu chuyện này đã bị “treo” dài hạn.

Bất thành ở phút chót

Nhìn nhận một cách bình thường, Ira - Kim Nhung hoàn toàn đủ điều kiện để được triệu tập vào Đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) vì chị đảm bảo về mặt thủ tục của một công dân Việt. Năm 2011, khi Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đưa Ira - Kim Nhung vào danh sách dự kiến, chủ công 27 tuổi này đã có 6 năm gắn bó tại CLB Vietsov Petro, chính thức nhập tịch từ tháng 8/2010. Chị cũng chưa từng khoác áo ĐTQG Nga.VĐV bóng chuyền Ira - Kim Nhung.

VĐV bóng chuyền Ira - Kim Nhung.

Về mặt chuyên môn, Ira - Kim Nhung cũng thuộc diện chủ công nổi bật tại các giải đấu, nhất là sự toàn diện, dựa trên chiều cao 1,85m lý tưởng. Chị đủ sức phấn đấu một suất đánh chính trong đội hình, hay chí ít cũng có thể giữ vai “dự bị chiến lược”. Thực tế trường hợp của Ira - Kim Nhung đã nhận được sự thống nhất cao của các nhà tuyển trạch. Rõ ràng sự góp mặt của chị sẽ là một sự bổ sung cần thiết, phần nào đó quan trọng trong bối cảnh bóng chuyền nữ đang rất khó khăn về lực lượng, đặc biệt khi một chủ công trụ cột thời điểm ấy là Diệu Châu nghỉ thi đấu. Thế nhưng đến phút chót, chủ công gốc Nga đã không được triệu tập cho đợt tập huấn ĐTQG bóng chuyền nữ năm 2011, sau khi các nhà quản lý môn này cân nhắc lại kỹ lưỡng, cũng như có ý kiến của lãnh đạo cấp trên.

“Treo” dài hạn

Rút kinh nghiệm từ sự phức tạp của bên bóng đá, những người có trách nhiệm của môn này cũng đã có lý giải khá khéo léo về trường hợp nhạy cảm này, đại ý không phải Kim Nhung không có cơ hội mà còn phải xem xét thêm. Cuối cùng việc bóng chuyền Việt Nam lần đầu có ngoại binh nhập tịch ở ĐTQG đã không xảy ra. Đó là một thiệt thòi cho cá nhân Ira - Kim Nhung - người từng bày tỏ nguyện vọng thiết tha được tranh tài cho ĐTVN, song suy xét kỹ quyết định tạm dừng là hợp lý. Chỉ xét về chuyên môn, ngay cả những người ủng hộ hết mình xu hướng sử dụng cầu thủ nhập tịch của chính ngành thể thao cũng luôn đặt ra điều kiện: Ngoại binh nhập tịch phải thực sự vượt trội so với nội binh, có khả năng đóng góp tạo đột phá về thành tích, sự phát triển đích thực mới sử dụng. Căn cứ vào đây, dù muốn hay không cũng phải thẳng thắn thừa nhận, Ira - Kim Nhung chưa đạt. Nếu vào ĐTVN, ở thời điểm ấy,  chị chưa thể so được với Bùi Huệ, Phạm Yến, Đỗ Minh và cũng không hơn các nhân tố trẻ như Trà Giang ở cùng vị trí chủ công. Tức là chị không thể đóng vai trụ cột của đội, khi mà các nội binh khác vẫn đảm đương được nhiệm vụ.Chủ công Vũ Mai Ka.

Chủ công Vũ Mai Ka.

Quan trọng hơn, việc chưa sử dụng Ira - Kim Nhung còn nằm trong quan điểm tổng thể của thể thao Việt Nam, chứ không chỉ với riêng môn bóng chuyền. Khi Lê Kim Nhung bị loại, các nhà quản lý huấn luyện của bóng chuyền Việt Nam đã không phải chịu quá nhiều áp lực từ giới chuyên môn, cùng người hâm mộ thuộc phe ủng hộ cho việc sử dụng ngoại binh nhập tịch vì chủ công này không quá vượt trội so với mặt bằng chung nội binh.

Sau trường hợp của Ira - Kim Nhung, việc đưa ngoại binh nhập tịch vào ĐTQG đã không còn được đề cập. Nó đã trở thành nhóm việc “treo” dài hạn. Tuy không có quan điểm hay tuyên bố chính thức nào mà ai cũng hiểu rằng Việt Nam không khuyến khích, nếu không muốn nói còn đang “nói không” với ngoại binh nhập tịch. Minh chứng rõ nhất trước đó ở ĐTQG bóng đá nam, ngoại binh nhập tịch từng “vào” rất đông, rồi không thấy ai còn được gọi nữa. Thực tế trên thế giới, chuyện sử dụng hay không sử dụng nguồn ngoại binh nhập tịch phụ thuộc vào từng nước, từng nền thể thao. Chỉ có điều ngành thể thao bằng cách này hay cách khác cần có định hướng, thống nhất rõ ràng chứ không nên theo kiểu nửa vời như thời gian qua.

Tính đến thời điểm này, bóng chuyền Việt Nam đã có 3 ngoại binh nhập tịch là chủ công người Thái Supachai (Đinh Hoàng Trai - Ninh Bình), chủ công người Nga  Irina (Lê Kim Nhung - Vietsov Petro hiện đã giải thể) và chủ công người Nga Katya (Vũ Mai Ka, Vietsov Petro). Trong đó,  chỉ còn Katya - Vũ Mai Ka còn tiếp tục tranh tài tại Việt Nam theo kiểu thời vụ trong màu áo của Ngân hàng Công Thương Việt Nam ở giải VĐQG và Hòa Phát Hưng Tên ở giải hạng A Quốc gia mùa 2015. Sang đến mùa giải 2016, không thấy ngoại binh nhập tịch này đăng ký trong danh sách của đội bóng nào.


Xuyến Chi
Ý kiến của bạn
Tags: