1. Vai trò của vitamin A đối với trẻ em
Vitamin A đóng vai trò quan trọng với cơ thể của trẻ, cụ thể:
- Với sự tăng trưởng: Vitamin A tham gia vào quá trình phân chia tế bào giúp cho trẻ tăng trưởng khỏe mạnh và phát triển bình thường.
- Với thị giác: Vitamin A đóng vai trò quan trọng trong quá trình nhìn, phân biệt màu sắc của mắt, phòng ngừa quáng gà.
- Với biểu mô: Vitamin A có công dụng bảo vệ biểu mô, niêm mạc khí quản, niêm mạc mắt, ruột non, các tuyến bài tiết và làn da.
- Với hệ miễn dịch: Giúp tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể, giúp cơ thể chống lại những bệnh truyền nhiễm, nhiễm trùng…
2. Khi thiếu vitamin A, trẻ sẽ gặp phải vấn đề gì?
Khi cơ thể trẻ bị thiếu vitamin A, nguy cơ nhiễm trùng tăng cao. Đặc biệt là khi cơ thể trẻ bị nhiễm trùng, lại càng gây thiếu hụt vitamin A... tạo thành vòng luẩn quẩn giữa việc bị thiếu hụt vitamin A - nhiễm trùng.
Ngoài ra, thiếu hụt vitamin A còn có thể gây nên tình trạng khô da, khô mắt, bệnh quáng gà, trẻ chậm phát triển, thậm chí còn gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của trẻ sau này.
Một nghiên cứu của WHO chỉ ra rằng: Chỉ cần uống vitamin A liều cao giúp giảm tỷ lệ tử vong lên tới 24% ở nhóm trẻ 6-59 tháng tuổi. Từ đó, WHO cũng như UNICEF nhấn mạnh về tác dụng của vitamin A lên hệ miễn dịch và phát triển thị giác và thậm chí là sự phát triển của trẻ.
3. Bổ sung vitamin A liều cao cho lứa tuổi nào?
Để phòng ngừa tình trạng thiếu vitamin A cho trẻ, thì các trường hợp có nguy cơ thiếu vitamin A cần phải bổ sung liều cao:
- Phụ nữ sau khi sinh: Nhằm đảm bảo nguồn vitamin A đầy đủ để cung cấp cho trẻ thông qua sữa mẹ, phụ nữ sau sinh nuôi con bú cần uống một viên vitamin A liều cao 200.000 IU.
- Trẻ từ 6-36 tháng tuổi: Cần được uống viên vitamin A mỗi năm 2 lần. Đối với những trẻ từ 6-11 tháng tuổi cho uống viên nang 100.000IU (viên nang màu xanh) mỗi lần và trẻ 12-36 tháng tuổi uống viên nang 200.000IU (viên nang màu đỏ) mỗi lần.
- Trẻ trên 3 tuổi, dưới 5 tuổi có nguy cơ thiếu vitamin A: Suy dinh dưỡng, nhiễm trùng tái lại nhiều lần, tiêu chảy, mắc bệnh sởi…
Lưu ý: Trẻ sắp được 6 tháng tuổi hoặc hơn 3 tuổi thì cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi cho trẻ uống.
4. Những trường hợp không được bổ sung vitamin A liều cao
- Trẻ chưa đủ 6 tháng tuổi: Không được uống vitamin A liều cao. Bởi vì mẹ sau khi sinh đã được uống và vitamin A sẽ được bổ sung thông qua sữa mẹ.
- Phụ nữ mang thai: Tuyệt đối không được tự ý bổ sung vitamin A liều cao. Bổ sung quá mức khi đang mang thai sẽ có nguy cơ gây ra dị tật thai nhi. Nguy cơ dị tật phụ thuộc lượng dư thừa và giai đoạn mang thai, cao nhất trong 8 tuần đầu tiên sau khi thụ thai. Do đó, phụ nữ mang thai chỉ nên bổ sung vitamin A qua đường thực phẩm. Có thể uống vitamin tổng hợp, trong đó có hàm lượng vitamin A thấp, nhưng cần theo hướng dẫn của bác sĩ.
Viên nang vitamin A sử dụng an toàn, hiệu quả. Tuy nhiên vẫn có một tỉ lệ nhỏ trường hợp trẻ gặp tác dụng phụ thoáng qua: Đau bụng, nôn ói, đau đầu. Hiện tượng này sẽ tự mất đi sau ít giờ mà không cần xử trí. Cha mẹ cần theo dõi trẻ trong 24 giờ, nếu có các tác dụng phụ biểu hiện đau bụng nhiều, nôn mửa liên tục, dị ứng cần đưa trẻ đến cơ sở y tế.
5. Uống vitamin A liều cao ở đâu?
Vitamin A liều cao không bán ngoài thị trường mà sẽ được cung cấp miễn phí tại cơ sở y tế. Với phụ nữ sau sinh sẽ được phát ngay tại nơi sinh.
Với trẻ em sau sinh, hằng năm ngành y tế đều tổ chức 2 đợt bổ sung vitamin A liều cao (thường là ngày 1-2 tháng 6 và ngày 1-2 tháng 12) và thông báo đến tổ dân phố. Phụ huynh có con nhỏ chỉ cần lưu ý và sắp xếp thời gian đưa con đi. Ở những nơi không nhận được thông báo, phụ huynh có thể chủ động liên hệ trực tiếp với trạm y tế phường/xã để hỏi lịch và đưa con đi bổ sung.
Dù có vai trò rất quan trọng đối với cơ thể, song không được tự ý sử dụng một cách tùy ý. Nếu nghi ngờ trẻ thiếu hụt vitamin A, phụ huynh cần đưa đi khám bác sĩ chuyên khoa để xác định liều bổ sung phù hợp.
Mời độc giả xem thêm video:
Đã có trẻ mắc Tay Chân Miệng nặng: 6 Khuyến cáo phòng chống bệnh người dân cần biết