BHYT bổ sung là gì?
Bộ Y tế đang hoàn thiện dự thảo Luật BHYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT để bảo đảm thống nhất với Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 và đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành có liên quan tới BHYT như Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 ngày 16/6/2022.
Trong đó, triển khai nghiên cứu quy định về BHYT bổ sung theo quan điểm, định hướng của Đảng tại các Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mớ và Chỉ thị số 38-CT/TW của Ban bí thư ngày 07/9/2009 về "Đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới”.
"Việc triển khai BHYT bổ sung nhằm làm tăng cường các nguồn tài chính cho chăm sóc sức khỏe nhân dân góp phần giảm chi tiêu tiền túi của hộ gia đình cho chăm sóc sức khỏe"- ông Hoàng Trung Tuấn - Vụ BHYT, Bộ Y tế cho biết tại hội thảo tham vấn ý kiến về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT do Bộ Y tế vừa tổ chức mà Sức khỏe & Đời sống đã đưa tin trước đó.
Hiện nay, Việt Nam có hai hình thức BHYT, trong đó BHYT bắt buộc không vì mục đích lợi nhuận, do Nhà nước tổ chức thực hiện và các đối tượng có trách nhiệm tham gia theo quy định của Luật BHYT. Quỹ BHYT chi trả chi phí khám chữa bệnh theo quy định, người sử dụng dịch vụ chi trả cho phần ngoài mức hưởng.
Còn BHYT thương mại là sản phẩm của các công ty bảo hiểm, hoạt động có lợi nhuận theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, được thiết kế phù hợp với mong muốn của người ký hợp đồng bảo hiểm theo điều kiện và nhu cầu của người đó.
Trong Dự thảo Luật BHYT sửa đổi, Bộ Y tế có đề xuất liên quan đến 2 hình thức BHYT này. "Dự thảo luật nêu rõ quy định chính sách BHYT bổ sung mang tính tự nguyện do doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm thực hiện theo quy định. Trong đó, việc tham gia BHYT bắt buộc là điều kiện để tham gia BHYT bổ sung nhằm mở rộng đối tượng tham gia BHYT bắt buộc"- ông Hoàng Trung Tuấn cho hay.
BHYT bổ sung - một cách làm để giảm chi tiền túi của người dân cho y tế
Theo đó, dự kiến người tham gia BHYT bổ sung được tích hợp thông tin trên thẻ BHYT bắt buộc khi đi khám chữa bệnh.
Theo ông Hoàng Trung Tuấn, mức phí phạm vi, quyền lợi được hưởng và điều kiện thanh toán được quy định trong hợp đồng. Tuy nhiên, phạm vi được hưởng BHYT bổ sung không trùng với phạm vi và mức hưởng của BHYT bắt buộc, người bệnh được tiếp cận dịch vụ y tế tốt hơn, được lựa chọn cơ sở cung cấp dịch vụ theo yêu cầu.
Tổ chức cung cấp BHYT bổ sung sẽ được cơ sở khám chữa bệnh cung cấp dữ liệu về tình trạng của bệnh nhân, chi phí sử dụng dịch vụ y tế liên quan phục vụ việc chi trả quyền lợi cho người tham gia. Đặc biệt, không được có quy định loại trừ người dân (chỉ ký hợp đồng với người khỏe). Tất cả người đủ điều kiện, có nhu cầu đều được tham gia BHYT bổ sung…
Ông Tuấn cho biết giải pháp quy định về BHYT bổ sung là xây dựng Nghị định về BHYT bổ sung theo quy định tại Khoản 3 Điều 152 Luật Kinh doanh bảo hiểm; đồng thời tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy định về BHYT bổ sung trong dự án Luật BHYT sửa đổi trong thời gian tới.
Liên quan đến BHYT bổ sung, tại cuộc tiếp của Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan với đoàn doanh nghiệp Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN ngành khoa học đời sống và y tế mới đây, nhiều đại diện đến từ các doanh nghiệp đã đề cập đến vấn đề này và nhấn mạnh thực hiện việc này để làm giảm chi tiêu tiền túi cho y tế của người dân, đồng thời đa dạng hoá loại hình BHYT.