Hà Nội

Đối tượng dễ mắc suy giãn tĩnh mạch chân

27-07-2024 18:07 | Bệnh người cao tuổi

SKĐS - Suy giãn tĩnh mạch chân là bệnh lý thường gặp tuy nhiên chưa được quan tâm phòng ngừa và điều trị sớm. Việc điều trị bệnh không quá khó khăn, tuy nhiên cần điều trị sớm, đúng giai đoạn sẽ làm tăng chất lượng cuộc sống, giảm chi phí điều trị.

Quan trọng hơn là tránh các biến chứng xấu như: Loét, huyết khối tĩnh mạch sâu chân, thậm chí dẫn đến tàn phế, tắc mạch phổi, tử vong.

Yếu tố nguy cơ mắc suy giãn tĩnh mạch chân

Suy giãn tĩnh mạch chân là bệnh rất thường gặp, nữ giới thường có tỷ lệ mắc cao hơn nam giới. Bệnh được xác định liên quan đến một số yếu tố gây tốn thương chức năng của các van một chiều thuộc hệ tĩnh mạch ngoại biên. Các van này bị tổn thương là do:

- Tư thế sinh hoạt, làm việc: Nếu phải đứng hay ngồi một chỗ quá lâu, ít vận động, phải mang vác nặng… tạo điều kiện cho máu bị dồn xuống hai chân, làm tăng áp lực trong các tĩnh mạch ở chân, lâu dần gây tổn thương các van tĩnh mạch một chiều. Khi các van bị suy yếu sẽ làm giảm khả năng ngăn chặn dòng máu chảy ngược xuống dưới do tác dụng của trọng lực, dẫn đến ứ máu ở hai chân. Vì vậy, giáo viên, nhân viên văn phòng, thợ dệt, bác sĩ, cảnh sát giao thông...  dễ mắc bệnh hơn.

Đối tượng dễ mắc suy giãn tĩnh mạch chân- Ảnh 1.

Phụ nữ đi giày cao gót thường xuyên là thói quen dễ gây suy giãn tĩnh mạch chân

- Phụ nữ mang thai cũng dễ mắc suy giãn tĩnh mạch chân. Nguyên nhân là do mang thai, cổ tử cung mở rộng, các hormone tăng tiết và thay đổi một cách đột ngột. Hàm lượng tiết tố nữ tăng cao và khi thai to gây chèn ép tĩnh mạch cản trở máu về tim là nguyên nhân gây ra giãn tĩnh mạch chân. Tuy nhiên, vào lúc mang thai thì các mẹ bầu không có biểu hiện gì hoặc những triệu chứng sẽ biến mất sau khi sinh. Nhưng khoảng 3 – 5 năm sau, phụ nữ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng khởi phát của bệnh giãn tĩnh mạch.

- Phụ nữ đi giày cao gót thường xuyên dễ bị suy giãn tĩnh mạch chân. Việc thường xuyên mang giày cao gót, mặc quần áo bó sát sẽ tăng áp lực đến hệ tĩnh mạch ngoại biên, gây tăng áp lực lên chân, dẫn đến tình trạng suy giãn tĩnh mạch chi dưới ở phụ nữ.

- Người béo phì rất dễ bị bệnh giãn tĩnh mạch chân. Nguyên nhân là do những người béo phì hầu như đều có chế độ ăn uống thiếu lành mạnh, ít chất xơ, lại có xu hướng ít vận động. Bên cạnh đó, cơ thể nặng nề dẫn đến áp lực lớn dồn đến chân và gây ra bệnh suy giãn tĩnh mạch.

Ngoài ra, các đối tượng như người cao tuổi, táo bón kinh niên, lười thể dục, hút thuốc lá, chế độ ăn ít chất xơ và vitamin… cũng dễ mắc  suy giãn tĩnh mạch.

Đối tượng dễ mắc suy giãn tĩnh mạch chân- Ảnh 2.

Giai đoạn đầu suy giãn tĩnh mạch chân người bệnh thường có các biểu hiện mỏi chân.

Triệu chứng suy giãn tĩnh mạch chân

Giai đoạn đầu suy giãn tĩnh mạch chân người bệnh thường có các biểu hiện mỏi chân và xuất hiện phù nhẹ khi phải đứng lâu, ngồi nhiều.

Xuất hiện tình trạng chuột rút vào buổi tối, cảm giác bị kim châm, dị cảm như kiến bò vùng cẳng chân về đêm. Nếu để ý xuất hiện nhiều mạch máu nhỏ li ti ở chân, nhất là ở cổ chân và bàn chân.

Giai đoạn tiến triển suy giãn tĩnh mạch chân người bệnh sẽ thấy phù chân, có thể phù ở mắt cá hay bàn chân. Thay đổi màu sắc da vùng cẳng chân. Có thể thấy các búi tĩnh mạch giãn nổi rõ trên da.

Giai đoạn biến chứng suy giãn tĩnh mạch chân sẽ thấy viêm tĩnh mạch nông huyết khối. Chảy máu do giãn vỡ tĩnh mạch. Nhiễm khuẩn vết loét trong suy tĩnh mạch mạn tính.

Cần làm gì khi suy giãn tĩnh mạch chân?

Chẩn đoán bệnh suy giãn tĩnh mạch chân dưới bao gồm: Khám lâm sàng để đánh giá mức độ và giai đoạn bệnh, khám ở tư thế đứng. Xác nhận chẩn đoán bằng siêu âm Doppler ở tư thế đứng.

Siêu âm có thể xác định tổn thương của van tĩnh mạch giúp lựa chọn kỹ thuật điều trị phù hợp.

Điều trị suy giãn tĩnh mạch chân bao gồm thay đổi lối sống: nâng cao chân khi ngủ hoặc khi ngồi, mang tất áp lực, tránh đứng trong thời gian dài, giảm cân nếu thừa cân, tập thể dục để cải thiện sức mạnh của đôi chân.

Người bệnh suy tĩnh mạch chân cần xây dựng và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh bằng cách bổ sung thêm các chất dinh dưỡng như vitamin C và chất xơ. Các loại dưỡng chất này có tác dụng giúp thành mạch tăng cường sức bền và hạn chế nguy cơ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm thành mạch.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể mang vớ y tế và sử dụng một số loại thuốc hỗ trợ giúp tăng cường trương lực tĩnh mạch theo chỉ dẫn của bác sĩ. Đeo tất áp lực hoặc băng cuốn áp lực chuyên dụng để cải thiện tình trạng bệnh.

Nếu thay đổi lối sống không làm giảm triệu chứng bệnh, cần lựa chọn các biện pháp điều trị khác như: tiêm xơ tĩnh mạch, điều trị suy tĩnh mạch bằng sóng cao tần hay tia laser, điều trị ngoại khoa (phẫu thuật Stripping, phẫu thuật Muller,…).

Tóm lại: Bệnh suy tĩnh mạch chân tiến triển chậm. Ở giai đoạn sớm, người bệnh rất khó nhận biết các triệu chứng. Vì vậy những người có yếu tố nguy cơ cao mắc bệnh cần chú ý đến các triệu chứng của bệnh và nên đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, điều trị bệnh sớm nhằm tránh những biến chứng của bệnh có thể xảy ra.

9 cách phòng suy tĩnh mạch chân cần biết9 cách phòng suy tĩnh mạch chân cần biết

SKĐS - Suy tĩnh mạch chân là bệnh rất hay gặp, nữ giới thường có tỷ lệ mắc cao hơn nam giới. Bệnh thường tiến triển chậm, không rầm rộ, ít nguy hiểm nhưng gây trở ngại nhiều cho sinh hoạt và công việc hàng ngày.

BS. Nguyễn Văn Hà
Ý kiến của bạn