Có lẽ vì thế mà hiện nay, nhiều nghệ sĩ được khai thác chuyện đời tư nhiều hơn cả tài năng và sự nghiệp của họ.
Bí quá làm liều?
Mặc dù những gameshow ca nhạc và hài kịch vẫn chiếm sóng khá lớn trên các kênh truyền hình vào giờ vàng, nhưng sức thu hút khán giả đã thực sự hạ nhiệt. Tình trạng nhiều và nhạt của những chương truyền hình này đã khiến các nhà sản xuất phải đổi hướng nếu muốn tiếp tục thu lợi nhuận từ quảng cáo. Và, như một lẽ tất yếu, những chương trình có tính chất tâm sự đời tư của các nghệ sĩ đã trở thành cơn gió mới trên sóng truyền hình. Những câu chuyện đời tư của nghệ sĩ phía sau ánh hào quang luôn là điều hấp dẫn khán giả. Nghệ sĩ yêu ai, lấy ai, cuộc sống thế nào... vẫn thường xuyên được khán giả bàn luận rôm rả. Ban đầu, một vài gameshow truyền hình chỉ sử dụng những chi tiết trong đời tư của các nghệ sĩ tham gia như một cách thêm thắt để thu hút khán giả. Nhưng hiện nay, khai thác đời tư đã trở thành một thói quen của các gameshow.
Khán giả không cần đọc báo lá cải, không cần nhọc công truy lùng Facebook, chỉ cần chịu khó theo dõi một vài gameshow có nghệ sĩ tham gia là đủ biết mọi câu chuyện về đời sống của người đó như thế nào... Có thể nói, nhu cầu được tìm hiểu những bí mật đời tư nghệ sĩ của khán giả là có thật. Ngược lại, nhu cầu được chia sẻ của nghệ sĩ với người hâm mộ với mong muốn người hâm mộ hiểu, thông cảm và ủng hộ nghệ sĩ cũng là một nhu cầu chính đáng. Những chương trình truyền hình sẽ có ý nghĩa nếu trở thành một cầu nối giữa nghệ sĩ và khán giả.
Nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn bùng phát, khán giả có cảm giác những chương trình dành riêng cho tâm sự của các nghệ sĩ đã có xu hướng trở thành chương trình nói xấu người khác, hay hạ thấp người khác để nâng mình lên... Những nghi ngờ rằng có bao nhiêu phần trăm sự thật trong những câu chuyện được kể từ một phía đã được đặt ra? Cũng như khi xem những chương trình này, khán giả sẽ mong muốn được hiểu hơn về cuộc đời lao động nghệ thuật của nghệ sĩ chứ không phải bị cuốn vào mớ bòng bong thông tin mà các nghệ sĩ đưa ra.
Chưa biết đúng sai thế nào nhưng rõ ràng đã có một số người phải vạ lây từ những chuyện trên trời rơi xuống. Mặc dù bản thân nghệ sĩ - nhân vật chính của các chương trình này chấp nhận sẻ chia những góc khuất của quá khứ lên sóng truyền hình nhưng cách khai thác quá đà của các nhà sản xuất chương trình cũng là một trong những nguyên nhân gây nên những chuyện lùm xùm. Vì những câu chuyện ấy thường được khai thác một chiều, thiếu sự kiểm chứng đối đáp của những người liên quan.
Gần đây, không chỉ “Sau ánh hào quang”, mà nhiều chương trình truyền hình cũng gây tranh cãi khi lạm dụng chuyện đời tư và ảnh hưởng nghiêm trọng đến người liên quan. Ngay cả các chương trình âm nhạc như Vietnam Idol, The Voice, Sing My Song... cũng dành phần lớn thời lượng phát sóng trong vòng đầu tiên để các thí sinh kể về cuộc sống của mình. Có lẽ khán giả chưa quên câu chuyện của Ưng Đại Vệ. Tham gia cuộc thi sáng tác Sing My Song nhưng Ưng Đại Vệ gây chú ý nhờ đời tư nhiều hơn cả. Anh bật mí lý do vắng bóng suốt thời gian dài là bởi gia đình phá sản, hôn nhân đổ vỡ. Hoàn cảnh “gà trống nuôi con” của nam ca sĩ khiến công chúng không khỏi xúc động và thương cảm. Vì thế, cái tên Ưng Đại Vệ cũng được chú ý trở lại dù trước đó anh vắng bóng đã lâu.
Bằng cách khai thác đời tư, không ít câu chuyện như Ưng Đại Vệ “gà trống nuôi con” hay Hương Giang chuyển giới, Loki Bảo Long từng muốn tự tử, Yasuy đi thi để mua lợn cho cha mẹ, cô bé Thu Hiền mồ côi bố từ năm 11 tuổi hay Lê Thiện Hiếu là một thí sinh vượt qua mặc cảm chuyển giới... cũng khiến người xem xúc động rơi nước mắt.
Tham gia cuộc thi sáng tác Sing My Song nhưng Ưng Đại Vệ gây chú ý nhờ đời tư nhiều hơn cả.
Cái giá đắt
Không thể phủ nhận, việc khai thác đời tư nghệ sĩ quá mức hiện được một số chương trình truyền hình, các trang mạng ra sức đẩy mạnh, vì lượt view cao ngất ngưởng. Tất nhiên, nhu cầu gần gũi công chúng của người nổi tiếng là điều bình thường. Và nói như NSƯT Kim Xuân, có những chương trình biết khai thác khéo léo để rồi từ câu chuyện của nghệ sĩ, họ mang đến cảm xúc thiêng liêng về tình cảm gia đình cho khán giả. Nhưng khổ nỗi, chuyện đời tư càng lùm xùm, càng không hay ho thì càng được khán giả nhớ dai, khắc sâu và nó như chất mật ngọt làm mải mê nghệ sĩ, ăn mòn khả năng sáng tạo của họ.
Giới chuyên môn lo ngại rằng, khi những gameshow kiểu này rộ sẽ làm cho nhiều người muốn dấn thân vào showbiz chỉ chăm chăm tạo scandal đời tư để nhanh nổi. Bởi đã có lắm người được gọi là nghệ sĩ nhưng đóng góp cho nghệ thuật chẳng thấy đâu, chỉ thấy suốt ngày “ỉ ôi” chuyện đời tư.
Cần phải nhắc lại, giới chuyên môn và công chúng đều chưa thể chỉ ra yếu tố đúng - sai của việc nghệ sĩ hay các gameshow khai thác chuyện đời tư. Tuy nhiên, những “tấm gương” thì đã xuất hiện. Tại Hàn Quốc, một trong những tờ báo lá cải lớn nhất là Dispatch từng bị hàng ngàn người ký tên trong bản kiến nghị gửi Nhà Xanh yêu cầu dẹp vì soi mói quá đà đời tư nghệ sĩ.
Cụ thể, sau một loạt bài “bóc phốt” nhắm vào các nghệ sĩ YG Entertainment, Dispatch đã phải đối mặt làn sóng chỉ trích từ công chúng. Trong số những người chỉ trích không chỉ có người hâm mộ các nghệ sĩ bị nêu tên mà còn cả người trung lập, không thần tượng nghệ sĩ nào. Sự chỉ trích bùng nổ dữ dội khi Dispatch tung bằng chứng tố Choi Ji Woo công bố sai thông tin về chồng mình. Sau khi thông báo cưới ở tuổi 43, Choi Ji Woo không nói nhiều về chồng, chỉ cho biết anh này không tham gia ngành giải trí. Nhưng thời điểm đó, vài trang báo đưa tin chồng Choi Ji Woo là nhân viên ngành công nghệ thông tin, vừa bước sang tuổi 30 và kém vợ 13 tuổi.
Dispatch cũng từng tố cáo G-Dragon - trưởng nhóm Big Bang - được hưởng biệt đãi cấp đại tá ở bệnh viện quân đội trong quá trình hậu phẫu mắt cá chân. Những lùm xùm nổ ra sau công bố này khiến G-Dragon phải xuất viện sớm, trở về trạm xá đơn vị khi thương tật chưa lành. Một bản kiến nghị gửi Nhà Xanh đòi dẹp bỏ tờ Dispatch đã được thực hiện và thu hút 170.000 cư dân mạng ký tên.
Chuyện báo lá cải, trang mạng săm soi quá đà đời tư nghệ sĩ, lan tỏa thông tin đôi khi không thật làm ảnh hưởng hình ảnh họ ở Việt Nam cũng không ít. Một số trang thông tin bị phạt hoặc bị gỡ theo quy định pháp luật, dù chúng thu hút lượng lớn công chúng và gây ra không ít tranh cãi.
Suy cho cùng, trong thời báo chí hiện đại, tin nóng, tin nhanh, tin độc... là sự đòi hỏi “sống, chết” của từng trang báo. Tuy nhiên, cách xử lý thông tin của mỗi đơn vị sẽ khẳng định đẳng cấp của họ. Đồng thời, người làm nghề cung cấp thông tin cũng tự phân loại mình và sản phẩm của mình. Đứng trước nỗi buồn đau, bất hạnh, mất mát của người khác, việc đưa tin như thế nào là một cách để độc giả nhận ra cái tâm của chính người làm nghề.