Hà Nội

Đôi trai gái quyên sinh giúp xóa bỏ lời nguyền khắc trên hang đá

23-06-2014 19:48 | Thời sự
google news

Có một đôi trai gái của hai làng lại đem lòng yêu thương nhau. Họ đã quyên sinh trên dòng sông Nông Giang để hóa giải lời nguyền.

Thời xa xưa, làng Trung Phường và làng Kẻ Sụm đã có nhiều xích mích rồi đâm thù ghét nhau. Những xích mích nhỏ trong đời sống dần tích tụ lại khiến mối bất hòa càng ngày càng sâu sắc.

Hang chữ nơi có khắc lời nguyền cấm trai gái hai làng lấy nhau. Ảnh TG

Từ đó, người dân hai làng cấm đoán thanh niên không được lấy vợ, lấy chồng làng kia, ai dám “vượt rào” sẽ bị xua đuổi. “Luật” làng kỳ lạ ấy còn được cụ cao niên vào hang ở lèn Trống khắc mấy câu thơ lên đá răn đe. Mối thù truyền kiếp này chỉ được hóa giải, khi một đôi trai gái nắm tay nhau nhảy sông tự vẫn để phản đối…

Cái chết xóa lời nguyền trăm năm

Theo truyền thuyết kể lại, ngày xưa khi quân giặc xâm lược nước ta, ông Đùng (một vị thần khổng lồ được ông trời cử xuống giúp dân) đã dùng đá ném vào quân thù. Quân giặc bị trúng đá, chết như ngả rạ nên phải rút quân về nước. Những hòn đá ông Đùng ném tạo thành 3 lèn lạ, cũng là điềm báo thua trận cho quân xâm lược, đó là lèn Hai Vai, (có hình dáng ông tướng cụt đầu), ở xã Diễn Cát, huyện Diễn Châu (Nghệ An), lèn Cờ (cờ rách), xã Nam Thành, huyện Yên Thành và lèn Trống (trống thủng), xã Diễn Minh, huyện Diễn Châu. Cả 3 lèn đều là những tuyệt tác thiên nhiên của xứ Nghệ. Nó đẹp không những bởi quang cảnh thiên nhiên mà còn vì vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân nơi đây.

Trong số ba lèn này, lèn Trống có nhiều hang động đẹp nhất. Tuy nhiên, trong đó có một cái hang rất đặc biệt mà người dân ở đây gọi là hang chữ. Được biết, hang chữ là một hang động rất đẹp. Hang nằm sâu trong lèn Trống. Cửa vào hang rộng khoảng 2m, cao 3m. Tuy nhiên, bên trong hang rất rộng với chiều cao khoảng 20m, rộng khoảng 35m. Trong động có nhiều thạch nhũ với hình thù rất đẹp, lạ mắt. Một điều đặc biệt là vào mùa hè, trong hang rất mát, nhưng mùa đông lại ấm áp đến lạ thường.

Nói về điều này, cụ Võ Văn Thông (88 tuổi), một cao niên trong làng cho biết: “Từ khi lớn lên, tôi đã nghe ông cha kể lại những luật lệ cấm kị giữa hai làng. Tuy chưa ai xác định chính xác những dòng chữ khắc nơi hang đó có từ thời nào, chỉ biết rằng, trong thời gian dài, người dân hai làng không hề qua lại với nhau. Dường như, trong tâm thức họ, ai ai cũng hiểu ngầm quy ước có từ lâu đời”.

Trai gái hai làng không dám yêu nhau vì lời nguyền

Cụ Thông kể lại lịch sử của làng. Ảnh TG

Cụ Thông cho biết thêm, ngày xưa làng Trung Phường và làng Kẻ Sụm là hai làng tách biệt nhau. Từ khi khai hoang, lập ấp hai làng đã có nhiều xích mích rồi đâm thù ghét nhau. Tuy nhiên, nguyên nhân vì sao lại có chuyện xích mích thì không ai rõ. Chỉ biết rằng, hai bên ghét nhau đến nỗi đã từng nhiều lần tập hợp trai làng đánh nhau, tuy không có ai bị mất mạng nhưng nhiều người cũng bị thương tích nặng.

Dần về sau, hai làng không còn đánh nhau nữa nhưng vẫn còn nghi kị. Có lần làng Kẻ Sụm còn cho người đến cánh đồng bông của làng Trung Phường chém hết ngọn bông để phá hoại. Nhưng kỳ lạ thay, những ngọn bông sau khi bị chém đứt không chết đi mà lại mọc ra nhiều nhánh giúp dân thu hoạch được nhiều bông hơn. Vậy là, không những không phá hủy đươc ruộng bông của làng Trung Phường mà còn giúp làng này một mùa bội thu. Những xích mích nhỏ trong đời sống cứ tích tụ lại như vậy khiến mối bất hòa càng ngày càng sâu sắc. Từ “khắc” nhau trong đời sống, người dân hai làng “lấn” sang cấm đoán thanh niên trong làng không được lấy vợ, lấy chồng làng kia, nếu ai dám phá bỏ nguyên tắc sẽ bị cả làng xua đuổi. Để “minh chứng” cho sự cấm đoán đó, các cụ trong làng Trung Phường quyết định vào hang ở lèn Trống khắc mấy câu thơ lên đá để răn đe thanh niên trong làng không được lấy vợ, lấy chồng làng Kẻ Sụm. Vì lời cấm đoán đó, trai gái hai làng này không ai dám tơ tưởng đến chuyện lấy người của làng đối diện.

Tuy nhiên, điều phá lệ đã xảy ra khi có một đôi trai gái của hai làng lại đem lòng yêu thương nhau. Chàng trai là con trai một dòng họ danh giá ở làng Trung Phường yêu cô gái hiền lành xinh đẹp con một gia đình nông dân ở làng Kẻ Sụm. Mặc dù biết luật lệ của làng rất nghiêm khắc nhưng họ vẫn nghe theo tiếng gọi của con tim mình. Cả hai yêu nhau say đắm trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Sau khi biết chuyện, các cụ già và chức sắc hai làng phản đối quyết liệt chuyện tình cảm của đôi nam nữ, cương quyết không cho họ lấy nhau. Quá tuyệt vọng, đôi trai gái đã cùng nắm tay nhau nhảy xuống dòng sông Nông Giang ngăn cách giữa hai làng để tử tử. Cái chết của đôi trai gái khiến người dân hai làng vô cùng đau xót. Họ bắt đầu suy nghĩ về sự cấm đoán bấy lâu của mình. Thời đó, một vị Tú tài ở làng Kẻ Sụm cùng một số thầy đồ ở làng Trung Phường đã họp bàn với nhau tìm cách hòa giải hiềm khích giữa hai làng, để không còn những sự việc thương tâm như vậy xảy ra nữa.

“Kết nối” hai làng nhờ bài vè

Sau cuộc họp đó, vị tú tài đã làm một bài vè kêu gọi sự đoàn kết giữa hai làng rồi cho trẻ con trong vùng đọc khắp làng trên xóm dưới. Ông Thông cho hay, trải qua bao thế hệ, họ không còn nhớ từng câu chữ bài vè đó nữa, nhưng chính nội dung thâm thúy đã khiến nhiều người phải suy nghĩ. Từ đó, họ bắt đầu hòa giải với nhau, chung sống hòa thuận. Trai gái hai làng cũng được tự do tìm hiểu, kết hôn với nhau. Đó là vào năm 1942. Để thể hiện thiện chí của mình, người dân làng Trung Phường đã cùng nhau vào hang chữ xóa bỏ những lời nguyền cấm trai gái hai làng kết hôn với nhau. Hiện nay, trong hang chữ không còn dấu vết nào của lời nguyền của người xưa nữa.

Sau khi việc “ngăn sông cấm chợ” giữa làng Trung Phường và làng Kẻ Sụm không còn nữa việc đi lại, giao thương buôn bán được thuận lợi hơn, kinh tế cũng nhờ đó mà phát triển. Nhờ vậy, đời sống bà con hai làng cũng dần được cải thiện. Nhằm tăng tình đoàn kết, người dân hai làng đã cùng nhau góp tiền xây một cây cầu bắc qua sông để thuận tiên hơn trong việc đi lại. Thậm chí, trong những năm tháng chiến đấu chống giặc ngoại xâm người dân làng Trung Phường và làng Kẻ Sụm luôn đoàn kết với nhau để chống giặc. Bà Đinh Thị Bình, một người dân xã Diễn Minh nói: “Chuyện xích mích giữa hai làng chỉ có từ thời xưa, còn hiện nay hai làng đã nhập lại thành một xã. Bà con chung sống với nhau khá hòa thuận, bởi những ân oán xưa nay đã được xí xóa hết”.

Đối với người dân xã Diễn Minh, cho đến bây giờ, hang chữ luôn là một nơi đầy bí ẩn và chiếm một phần quan trọng trong đời sống tâm linh của họ. Nơi đây là chứng nhân lịch sử cho những thăng trầm của người dân nơi đây từ thế hệ này đến thế hệ khác.

Theo Gia đình & Xã hội


Ý kiến của bạn