Hiện nay, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) đang quản lý hơn 100 trường cao đẳng được cấp mã ngành đào tạo y dược, sức khoẻ. Ngay tại TP Hà Nội có nhiều trường hoặc cơ sở tuyển sinh, thực hành, đào tạo mang tên na ná nhau như: Cao đẳng Y Hà Nội; Cao đẳng Y Dược Hà Nội; Cao đẳng Dược Hà Nội; Cao đẳng Kỹ thuật Y dược Hà Nội; Cao đẳng Y khoa Hà Nội; Cao đẳng Y Dược Tuệ Tĩnh Hà Nội; Cao đẳng Y dược Pasteur; Cao đẳng Y - Dược ASEAN, Cao đẳng Y dược Cộng Đồng...
Ngoài ra, còn có rất nhiều trường cao đẳng có tên không liên quan nhưng vẫn được tuyển sinh, đào tạo và cấp bằng khối ngành y dược, sức khoẻ như: Cao đẳng Lê Quý Đôn, Cao đẳng Công thương Việt Nam, Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội, Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội…
Do thuộc hệ thống ngoài công lập nên đến nay không ít trường chưa hoàn thành điều kiện theo quy định về đất đai và cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, thậm chí vẫn đang đi thuê địa điểm...
Sau khi nhận được thông tin phản ánh của Báo Sức khoẻ & Đời sống qua loạt bài Dối trá trong đào tạo cao đẳng y - dược kèm theo video, Bộ LĐ-TB&XH đã lập đoàn thanh tra để tiến hành kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp đối với Trường Cao đẳng Dược Hà Nội (trụ sở chính tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) và Trường Cao đẳng Lê Quý Đôn (trụ sở chính tại TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai).
"Năm 2018 và 2019, Tổng cục đã thanh tra 2 trường này và phát hiện các sai phạm liên quan đến đào tạo không phép, mở văn phòng tuyển sinh chưa được cấp phép… Lần này, để khách quan, Bộ LĐ-TB&XH đã lập riêng đoàn thanh tra, có sự tham gia của Tổng cục. Còn với Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ hiện Thanh tra Sở Y tế và Công an tỉnh đang làm nên chúng tôi không thanh tra cùng thời điểm để tránh chồng chéo", ông Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp cho biết.
Ông Trương Anh Dũng cũng bày tỏ: "Chúng tôi trân trọng cảm ơn Báo Sức khoẻ & Đời sống đã kịp thời phản ánh, giúp cơ quan chức năng ngăn chặn sai phạm. Quan điểm của chúng tôi là không bao che sai phạm, sẽ xử lý nghiêm tuỳ theo mức độ và phạm vi chức năng, thẩm quyền. Nhiều trường cao đẳng khác tuyển sinh, đào tạo, cấp bằng y dược thật họ cũng rất bức xúc trước tình trạng Báo nêu".
Tiếp nhận tài liệu của phóng viên cho thấy còn nhiều trường cao đẳng khác đào tạo ngành y dược cũng có dấu hiệu sai phạm trong việc đào tạo, cấp bằng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp nhấn mạnh: "Y dược là ngành đào tạo có điều kiện, liên quan trực tiếp đến tính mạng và sức khoẻ con người. Việc cấp bằng không qua đào tạo theo hệ thống, đường dây như thế này thì vô cùng nguy hiểm. Từ vụ việc cụ thể Báo Sức khoẻ & Đời sống nêu, chúng tôi sẽ thanh tra trên diện rộng và yêu cầu tất cả các trường rà soát và báo cáo về công tác tuyển sinh, đào đạo, cấp bằng khối ngành y dược, sức khoẻ".
Trước đó trong báo cáo gửi Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Trường Cao đẳng Dược Hà Nội cho biết: Nhà trường khẳng định không có việc học viên sau khi nộp 14.000.000 đồng và chỉ cần cuối kỳ lấy đề thi, đáp án kết thúc các môn về chép nộp lại.
Về phía Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ phản hồi - trường không có việc học viên không tham gia quá trình đào tạo, nộp đầy đủ học phí và đến thi tốt nghiệp để lấy bằng.
Trong khi đó, Trường Cao đẳng Lê Quý Đôn trả lời quy trình tuyển sinh, tổ chức đào tạo và cấp văn bằng tốt nghiệp được thực hiện theo đúng quy định hiện hành.
Tại buổi làm việc, sau khi trực tiếp xem những căn cứ xác thực từ Báo Sức khoẻ & Đời sống, lãnh đạo Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp đánh giá, một số trường đã báo cáo không trung thực.
Nói thêm về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Việt Hương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp cho biết: "Chúng tôi đã nhận được báo cáo của các trường cho rằng không có vấn đề gì, đã làm đúng quy trình. Tuy nhiên đó là báo cáo của họ, trường nào báo cáo sai thì trường đó phải chịu trách nhiệm. Cơ quan thanh tra sẽ có cách làm riêng, sau khi có kết quả, tuỳ tính chất, mức độ sẽ có phương án xử phạt vi phạm hành chính hoặc chuyển sang cơ quan điều tra theo thẩm quyền".
Ở diễn biến liên quan, sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của Báo Sức khoẻ & Đời sống, Bộ Công an đã có công điện gửi Công an các tỉnh Phú Thọ, Hưng Yên và Đồng Nai vào cuộc xác minh. Hiện Cục An ninh chính trị nội bộ (A03 - Bộ Công an) đang phối hợp với công an các địa phương để điều tra, làm rõ đường dây cấp bằng cao đẳng y dược không qua đào tạo.
Nếu cẩu thả đào tạo thế nào thì hệ luỵ thế đó!
TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT nhận định, việc hỗn loạn trong đào tạo, cấp bằng ở một số cơ sở giáo dục đã khó chấp nhận, còn với khối ngành y dược càng nguy hại hơn. Đây vốn là ngành đào tạo bài bản, chuyên sâu do liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người nên nếu cẩu thả thế nào thì hệ luỵ thế đó.
TS Lê Trường Tùng kiến nghị cơ quan quản lý và các trường đào tạo ngành y dược phải độc lập trong từng khâu để tránh móc ngoặc với nhau nhằm trục lợi bất chính. Ví dụ bộ phận tuyển sinh thì không liên quan đến quá trình đào tạo; giảng viên các môn không thể nắm được được công tác ra đề thi, chấm thi, xét tốt nghiệp. Mọi quy trình cần được áp dụng công nghệ thông tin, quản lý qua cơ sở dữ liệu để ngăn chặn tối đa các hành vi tiêu cực.
Nguy hại ngay trước mắt
Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, đào tạo ngành chăm sóc sức khỏe ngoài những yêu cầu khắt khe về con người, thì những yêu cầu khác về cơ sở vật chất thực hành, thực tập cũng đặt ra cao hơn hẳn các ngành nghề khác. Do vậy cần phải mạnh tay xử lý đối với những trường chưa đáp ứng cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy.
Ở giai đoạn trước, các mã ngành chăm sóc sức khỏe thường chỉ có tại các trường công lập. Thế nhưng hiện nay hệ thống các trường cao đẳng ngoài công lập có mã ngành chăm sóc sức khoẻ lại đang "nở rộ", tìm mọi cách chiêu sinh, xem nhẹ công tác đào tạo, thực hành.
Việc cấp bằng y dược, điều dưỡng hệ cao đẳng tràn lan như hiện nay sẽ gây nguy hại ngay trước mắt bởi sinh mạng, sức khỏe của người dân đang nằm trong tay đội ngũ được đào tạo qua loa, thậm chí dối trá.
VIDEO: Sự thật trần trụi đằng sau tấm bằng cao đẳng y - dược chính quy
Bí mật "động trời" đằng sau tấm bằng cao đẳng chính quy ngành dược không qua đào tạo
Báo Sức khoẻ & Đời sống tiếp tục thông tin đến bạn đọc.