Thông qua mạng xã hội các đối tượng quảng cáo có thể đổi tiền mới, tiền nguyên seri tùy vào số lượng và mệnh giá tiền, phí đổi sẽ khác nhau. Người dùng sẽ được giao hàng tận nơi, trên phạm vi toàn quốc.
Mức phí đổi với tiền mệnh giá 100.000-200.000 đồng tăng, dao động từ 3%-8%, tiền lẻ từ 1.000-2.000 đồng từ 10%-15%. Riêng với nhu cầu đổi tiền số lượng lớn, như đổi từ 10 triệu đồng trở lên thì mức phí ưu đãi hơn, dao động từ 2,5%-4%.
Đối với một số tờ tiền có số seri đẹp hay theo ngày sinh thì mức phí đổi tiền này có thể cao hơn, dao động từ 30-35%.
Ngoài dịch vụ đổi tiền mới, tiền lẻ, các địa chỉ trên còn quảng cáo đổi cả các đồng tiền hiếm là ngoại tệ của nhiều nước với giá trị gấp nhiều lần mệnh giá thực tế, tùy vào độ độc, lạ của tờ tiền. Với những tờ tiền có số seri đẹp, giá bán có thể lên tới hàng triệu đồng.
Như vậy, các mức phí đổi tiền này không hề cố định mà do các đối tượng tự đặt ra để kiếm lời. Đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Khi đó, đối tượng sẽ yêu cầu khách hàng chuyển khoản toàn bộ số tiền cần đổi cùng với phí chênh lệch rồi mới giao tiền theo yêu cầu. Tuy nhiên, không ít người sau khi nhận về, cọc tiền không như mong đợi, không phải là tiền mới mà lẫn tiền cũ nát, thậm chí có cả tiền giả.
Mới đây, ngày 18/1, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên án phạt 18 năm tù đối với bị cáo Hoàng Như Phương (sinh năm 1988, ở Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Bị hại trong vụ án là 7 người, bị Phương chiếm đoạt tổng số tiền hơn 13,7 tỷ đồng.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, Phương có bố mẹ từng công tác ở Nhà máy in tiền Quốc gia nhưng đã nghỉ hưu.
Do nợ nần, cần tiền để tiêu xài và trả nợ cá nhân, Phương đưa ra các thông tin gian dối, giới thiệu bố mẹ và người nhà của Phương hiện đang làm việc tại Nhà máy in tiền Quốc gia, có quan hệ với cán bộ của Nhà máy in tiền, có thể đổi được các loại tiền mới, không mất phí để các bị hại tin tưởng, chuyển tiền cho Phương.
Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền, Phương chỉ sử dụng một phần để đổi tiền mới, trả cho những người bị hại nhằm tạo sự tin tưởng để họ chuyển thêm tiền cho Phương, sau đó chiếm đoạt.
Với thủ đoạn trên, trong khoảng thời gian từ ngày 9/9/2020 đến tháng 1/2022, Phương đã gây ra 7 vụ chiếm đoạt của các bị hại với tổng số tiền hơn 13,7 tỷ đồng.
Theo Thông tư 25/2013/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, chỉ những tổ chức được Nhà nước cho phép như: Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, Tổ chức tín dụng, Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước mới được phép thực hiện thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông cho tổ chức, cá nhân.
Ngoài các đơn vị này, mọi hoạt động thu, đổi tiền của cá nhân, tổ chức khác đều là bất hợp pháp.
Mức phạt dành cho hành vi đổi tiền lẻ, tiền mới kiếm lời
Theo điểm a khoản 5 Điều 30 nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định vi phạm về quản lý tiền tệ và kho quỹ như sau:
Phạt tiền từ 20-40 triệu đồng đối với hành vi thực hiện đổi tiền không đúng quy định pháp luật.
Như vậy, cá nhân cho đổi tiền mới, tiền lẻ để hưởng phần trăm chênh lệch hoặc đổi tiền để thu phí,...có thể bị phạt lên đến 40 triệu đồng.
Đối với tổ chức, mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Theo đó, khi tổ chức vi phạm có thể bị xử phạt hành chính đến 80 triệu đồng.
Xem thêm video đang được quan tâm
Trụ Trì Chùa Ba Vàng Thích Trúc Thái Minh bị cảnh cáo, nếu còn sai phạm sẽ tước quyền Trụ Trì.