Đối thoại với doanh nghiệp dược về thực hiện pháp luật BHYT

25-10-2017 07:27 | Xã hội
google news

SKĐS - So với danh mục thuốc thiết yếu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và danh mục thuốc của các nước trong khu vực và trên thế giới thì danh mục thuốc của Việt Nam là khá rộng.

Đồng thời, danh mục thuốc của Việt Nam là theo tên hoạt chất nên đã tạo ra một thị trường hết sức đa dạng, phong phú với gần 20.000 thuốc. Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị đối thoại về thực hiện chính sách, pháp luật Bảo hiểm y tế (BHYT) với một số doanh nghiệp Dược do Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Dược tổ chức mới đây tại Hà Nội…

Danh mục thuốc của Việt Nam khá rộng

Phát biểu tại buổi đối thoại, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn nhấn mạnh, trong những năm qua, BHXH Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các bộ, ban ngành, các tổ chức quốc tế trong nghiên cứu, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về BHYT tại Việt Nam; trong đó có chính sách pháp luật về thuốc.

“Đây là nỗ lực nhằm tăng cường tiếp cận thuốc mới, phát triển ngành công nghiệp dược sản xuất thuốc trong nước, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu điều trị, đảm bảo quyền lợi người bệnh với chi phí phù hợp với khả năng chi trả của người dân và quỹ BHYT”, Phó tổng giám đốc BHXH Phạm Lương Sơn nói.

BHXH Việt Nam đã tham gia vào tất cả quá trình đấu thầu thuốc cùng với ngành y tế, từ đấu thầu tập trung cấp quốc gia, đấu thầu thuốc cấp địa phương và đấu thầu riêng tại cơ sở khám chữa bệnh đã đóng góp tích cực vào kết quả kéo giảm giá thuốc tại Việt Nam những năm qua.

Cũng theo ông Phạm Lương Sơn, hiện nay, chi phí thuốc vẫn chiếm phần lớn trong tổng chi khám chữa bệnh BHYT. Tỉ lệ chi thuốc trên tổng chi khám chữa bệnh nói chung và khám chữa bệnh BHYT đều cao hơn các nước khác. Cụ thể, tổng chi cho thuốc từ quỹ BHYT năm 2015 khoảng 25.000 tỉ đồng (chiếm 47% tổng chi phí); năm 2016 là trên 32.000 tỉ đồng (43%) và 6 tháng đầu năm 2017 là khoảng 17.000 tỉ đồng (40%).

Hiện tại, theo quy định tại Thông tư số 40/2014/TT-BYT ngày 17/11/2014 của Bộ Y tế, danh mục thuốc bao gồm 1.064 thuốc tân dược; theo Thông tư 05/TT-BYT thì có 229 chế phẩm và 349 vị thuốc y học cổ truyền. So với danh mục thuốc thiết yếu của WHO và danh mục thuốc của các nước trong khu vực và trên thế giới thì danh mục thuốc của Việt Nam là khá rộng. Đồng thời, danh mục thuốc của Việt Nam là theo tên hoạt chất, không quy định tên thuốc cụ thể, không quy định hàm lượng, nồng độ, dạng bào chế nên đã tạo ra một thị trường hết sức đa dạng, phong phú với gần 20.000 thuốc.

Lựa chọn sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả trong điều trị

Tuy nhiên, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn nhấn mạnh, Việt Nam đang phải đối mặt với các thách thức, bất cập trong việc lựa chọn, kiểm soát sử dụng thuốc. Nguyên nhân được đánh giá là do danh mục thuốc quá rộng, ghi chép thông tin trong đấu thầu còn chưa đúng, việc lựa chọn xây dựng danh mục thuốc, giá kế hoạch chưa thật phù hợp, việc thanh toán chi phí thuốc còn chưa kịp thời, tạo áp lực về lãi suất trên giá thuốc… Vấn đề trên đòi hỏi trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan tổ chức thực hiện, của các cơ sở khám chữa bệnh và của các doanh nghiệp trong việc thực hiện mục tiêu mua sắm đấu thầu thuốc chất lượng với giá cả hợp lý. Đặc biệt, phải lựa chọn sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả trong điều trị, đảm bảo quyền lợi trong khám chữa bệnh và phù hợp với khả năng thanh toán của người dân, khả năng chi trả của quỹ BHYT và đảm bảo lợi nhuận của doanh nghiệp cung ứng thuốc.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp cũng đưa ra một số kiến nghị như: Minh bạch về mặt luật pháp, không tạo ra những rào cản vô lý trong đấu thầu thuốc, điều kiện các doanh nghiệp được tham gia đấu thầu; mở diễn đàn công khai cho các doanh nghiệp dược; có những chế tài phù hợp trong công tác đấu thầu; chất lượng hàng hóa liên quan đến giá cả…

Ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn cho biết: BHXH Việt Nam sẽ tập hợp các kiến nghị, cung cấp thông tin, giải đáp và tháo gỡ băn khoăn của doanh nghiệp trong khả năng và trách nhiệm của mình. Những vấn đề vướng mắc thuộc về cơ chế, chính sách cũng sẽ được tập hợp để kiến nghị các cơ quan chức năng sửa đổi các văn bản liên quan cho phù hợp với tình hình thực tế.


Nguyễn Nam
Ý kiến của bạn