Trung Quốc sẵn sàng hứng chịu nhiều chỉ trích
Theo Straits Times, Thủ tướng nước chủ nhà Singapore Lý Hiển Long sẽ có bài phát biểu quan trọng tại cuộc Đối thoại kéo dài 3 ngày do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) tổ chức.
Đối thoại Shangri-La lần này thu hút sự chú ý của cả các nước châu Âu và Bộ trưởng Quốc phòng các nước Đức, Pháp và Tây Ban Nha đã xác nhận sẽ tham dự.
Trung Quốc cũng tuyên bố đã cử đại diện của mình là Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội, Đô đốc Sun Jianguo.
Việc Trung Quốc cử một Đô đốc Hải quân đến Đối thoại Shangri-La lần này cho thấy, Bắc Kinh coi Biển Đông sẽ là chủ đề ưu tiên hàng đầu tại Đối thoại lần này.
Các chuyên gia nhận định, không như năm 2014, tại Đối thoại Shangri-La lần này, Trung Quốc đã chuẩn bị kỹ lưỡng hơn trong trường hợp hứng chịu chỉ trích của các nước khác về vấn đề Biển Đông.
Trước đó, tại Đối thoại Shangri-La 2014, Trung tướng Wang Guanzhong dường như đã bị bất ngờ và không thể đưa ra được những lời biện bạch cho những hành động sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông. Thay vì thế, ông Wang đã chĩa mũi dùi vào những tuyên bố của Mỹ và Nhật Bản và ngang nhiên cáo buộc rằng, những tuyến bố này “đầy những lời lẽ hăm dọa”.
Nhưng lần này, Trung Quốc rõ ràng đã chuẩn bị kỹ lưỡng hơn.
“Đoàn đại biểu lần này của Trung Quốc đông đảo hơn rất nhiều so với tất cả các lần tham dự trước của họ”, ông Alexander Neill, một chuyên gia tham dự Đối thoại Shangri-La lần này nhận định.
Trước đó, ngày 26/5, Trung Quốc đã công bố Sách Trắng Quốc phòng, trong đó cáo buộc nhiều nước khác đang “nhúng mũi” vào vấn đề Biển Đông.
Cáo buộc này được cho là nhằm vào Mỹ, Nhật Bản và Indonesia, những nước sẽ cử những đại diện lần đầu tiên tham dự Đối thoại Shangri-La và họ được kỳ vọng là sẽ đưa ra những tư duy hoàn toàn mới mẻ nhằm giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay trong khu vực.
Mỹ sẽ đẩy căng thẳng lên mức nào?
Các nguồn tin ngoại giao cho biết, tại Đối thoại Shangri-La lần này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter sẽ đưa ra cam kết mạnh mẽ trong việc đảm bảo tự do hàng không và hàng hải trên Biển Đông.
“Các quan chức Hải quân Mỹ đã công khai bày tỏ lo ngại rằng, việc Trung Quốc xây dựng các căn cứ quân sự trên các bãi đá mà nước này cải tạo phi pháp thuộc quần đảo Trường Sa sẽ cản trở tự do hàng hải tại đây”, ông Neill cho biết.
“Bộ trưởng Carter chắc chắn sẽ bày tỏ quan ngại này và sẽ nói rõ về việc Mỹ mong muốn Trung Quốc hạ nhiệt căng thẳng và tránh có thái độ thù địch như thế nào. Tuy nhiên, chúng tôi không biết liệu ông Carter có thể hiện quan điểm hòa giải hay liệu ông sẽ tỏ thái độ cứng rắn trong Đối thoại Shangri-La lần này”, ông Neill nói thêm.
Trước đó, cũng trong tháng 5 này, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel tuyên bố, trong vài năm qua, Trung Quốc đã tiến hành cải tạo rầm rộ các bãi đá trên Biển Đông nhằm tạo ra các đảo nhân tạo.
Theo ông Russel, 3 bãi đá trong số này đã được Trung Quốc bồi đắp thành các đảo có diện tích rộng hơn bất kỳ một đảo tự nhiên nào thuộc quần đảo Trường Sa. Không những vậy, việc cải tạo các bãi đá của Trung Quốc vẫn đang được tiến hành tại quần đảo Hoàng Sa, nơi Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép của Việt Nam.
Nhật Bản, Ấn Độ- Nhân tố mới đảm bảo an ninh trong khu vực
Tiến sỹ Tim Huxley, Giám đốc Điều hành IISS tại khu vực châu Á, nhận định: “Những chính sách chiến lược của các nước lớn đối với các quốc gia khác trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương cũng sẽ là chủ đề quan trọng tại Đối thoại Shangri-La lần này”.
Theo đó, những hành động đơn phương của Trung Quốc trên Biển Đông và việc Trung Quốc đưa ra yêu sách “đường 9 đoạn” bao trùm hầu khắp khu vực đã gây rất nhiều quan ngại đối với các quốc gia châu Á.
“Đây là lần đầu tiên, Đối thoại Shangri-La sẽ có một phiên đặc biệt tập trung vào những quan ngại về an ninh của các nước nhỏ”, ông Huxley cho biết.
Ngoài ra, Đối thoại Shangri-La lần này cũng tập trung vào 3 vấn đề lớn đang diễn ra tại châu Á, bao gồm việc Mỹ gia tăng mức độ tái cân bằng của mình trong khu vực, cũng như việc Nhật Bản và Ấn Độ đang nổi lên trở thành các quốc gia có vai trò chiến lược về an ninh trong khu vực và việc nhiều nước trong khu vực đang đẩy mạnh chi tiêu quốc phòng.
Nhật Bản đã thể hiện sự quan tâm của mình đối với an ninh chung trong khu vực bằng việc nước này lần đầu tiên tham gia tập trận chung với Philippines vào đầu tháng 5 vừa qua trên Biển Đông. Ngoài ra, Nhật Bản cũng dự định sẽ tiến hành tập trận chung với Mỹ cũng ở Biển Đông.
Giống như Nhật Bản, Ấn Độ cũng cho thấy nước này đang chú ý chặt chẽ đến Biển Đông dù không liên quan trực tiếp đến các tranh chấp trong khu vực.
Trước đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã tuyên bố một tầm nhìn chung cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong đó nhấn mạnh đến trách nhiệm chiến lược to lớn hơn mà Ấn Độ sẽ đảm đương trong khu vực.
Trong khi đó, trong năm 2015, Trung Quốc công bố ngân sách quốc phòng lên đến 145 tỷ USD. Để đáp lại, Ấn Độ và Nhật Bản cũng tuyên bố sẽ gia tăng ngân sách quốc phòng của mình dù ở mức khiêm tốn hơn