Hà Nội

Đối thoại Shangri-La lần thứ 16: “Nóng” vấn đề an ninh hàng hải

04-06-2017 14:53 | Quốc tế
google news

SKĐS - Ngày 4/6, Đối thoại Shangri-La thường niên lần thứ 16 kết thúc sau gần 3 ngày làm việc. An ninh hàng hải tiếp tục là chủ đề “nóng” được các đại biểu đặc biệt quan tâm.

Phát biểu tại Đối thoại Sangri-La 16, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, bà Tomomi Inada cho rằng luật pháp quốc tế có thể thay đổi dựa trên tình hình thực tế, nhưng không thể phá bỏ hiện thực và việc làm xáo trộn trật tự quốc tế là một quyết định "thiếu sáng suốt".

Tờ Straits Times dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nhật bản Tomomi Inada nói rằng Nhật Bản cam kết giúp xây dựng sự tự tin và năng lực với các đối tác ASEAN để đảm bảo an ninh khu vực, "ngay cả khi sự khiêu khích" của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông ngày càng gia tăng. "Bây giờ là thời gian ... để bảo vệ trật tự dựa trên luật lệ," bà Inada nói với các nhà lãnh đạo an ninh và quốc phòng Châu Á Thái Bình Dương tại Đối thoại Shangri-La 16; đồng thời chỉ ra những nỗ lực "không có sự kiểm soát và đơn phương của Trung Quốc để thay đổi hiện trạng" ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Đối thoại Shangri-La lần thứ 16Bộ trưởng Quốc phòng Nhật bản Tomomi Inada đề nghị các nước tuân thủ luật pháp quốc tế trong việc giải quyết tranh chấp trên biển.

Cũng tại Đối thoại Shangri-La 16, thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cảnh báo Trung Quốc “sẽ chẳng nhận được gì” nếu sử dụng vũ lực ở vùng châu Á-Thái Bình Dương, ám chỉ đến chính sách của Bắc Kinh ở Biển Đông. Theo thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, trong trường hợp phải đối đầu với « một Trung Quốc áp bức », các nước láng giềng « sẽ phải tìm cách tạo đối trọng trước sức mạnh của Trung Quốc, bằng cách tăng cường liên minh và quan hệ đối tác với nhau và đặc biệt là với Hoa Kỳ ».

Phát biểu tại Đối thoại Sangri-La 16, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam, trưởng đoàn Việt nam nhấn mạnh Việt Nam nhấn mạnh một trong những biện pháp để ngăn ngừa xung đột là ASEAN và Trung Quốc cần triển khai việc áp dụng Bộ quy tắc tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES) cũng như vận hành đường dây nóng ngoại giao giải quyết sự cố trên biển một cách thực chất và hiệu quả. Thứ trưởng Bùi Văn Nam nhấn mạnh một nước không được viện lý do, như áp dụng nội luật, để né tránh khắc phục sự cố xảy ra trên biển khi được yêu cầu qua đường dây nóng. Mặt khác, CUES cần được áp dụng cho tất cả tàu thuyền của chính phủ hoạt động ở Biển Đông, bao gồm cả tàu quân sự và bán quân sự. Ngoài ra, ASEAN và Trung Quốc cần sớm đạt được một Bộ quy tắc về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) mang tính ràng buộc, toàn diện, thực chất và trở thành công cụ hữu hiệu giúp ngăn ngừa xung đột, duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông, với nguyên tắc COC phải là công cụ giải thích và giải quyết tranh chấp. “Việt Nam ủng hộ bất kỳ sáng kiến, cơ chế hợp tác nào có lợi cho việc duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển trên cơ sở luật pháp quốc tế”, Thứ trưởng Bùi Văn Nam nói.

Mỹ yêu cầu Trung quốc “đừng hung hăng”

Trong bài phát biểu với chủ đề “Mỹ và an ninh châu Á-Thái Bình Dương”, ngày 3/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã cảnh báo Trung Quốc không quân sự hóa các hoạt động trên các hòn đảo tranh chấp tại Biển Đông. Cụ thể, Bộ trưởng Mattis đã chỉ trích các hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, đồng thời khẳng định Mỹ "sẽ không chấp nhận" việc Trung Quốc triển khai vũ khí và các thiết bị quân sự khác trên những hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông. “Mỹ không thể và sẽ không chấp nhận những thay đổi mang tính đơn phương và ép buộc đối với nguyên trạng làm ảnh hưởng tới lợi ích của cộng đồng quốc tế cũng như phá vỡ trật tự dựa trên luật lệ”, ông Mattis nhấn mạnh.

Với những phát biểu trên, giới phân tích cho rằng phía Mỹ đã đưa ra một thông điệp rõ ràng: Mỹ sẽ không rời bỏ châu Á. Ông James Mattis cũng khẳng định châu Á - Thái Bình Dương là khu vực mà Mỹ sẽ ưu tiên và nỗ lực trong chiến lược xây dựng quan hệ đồng minh.

Đối thoại Shangri-La lần thứ 16Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã cảnh báo Trung Quốc không quân sự hóa các hoạt động trên các hòn đảo tranh chấp tại Biển Đông

Bộ trưởng Mattis đã nêu một chiến lược 3 điểm của chính quyền ông Donald Trump sẽ áp dụng ở khu vực này. Theo đó, Bộ trưởng Mattis nhấn mạnh nỗ lực hàng đầu của Mỹ vẫn là tăng cường các quan hệ liên minh với Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Philippines và Thái Lan. Thứ hai, Mỹ có kế hoạch tăng cường sức mạnh cho các quốc gia khác ở châu Á để họ có thể đóng vai trò lớn hơn trong hòa bình và an ninh của mình. Bộ trưởng Mattis coi Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam, Singapore và Đài Loan là các đối tác quân sự quan trọng tiềm năng. Hãng tin Anh Reuters nhận định việc Bộ trưởng Mattis nhắc đến hầu hết các quốc gia Đông Nam Á, dường như để thể hiện thiện ý của Mỹ, đồng thời bày tỏ sự lạc quan về tương lai của ASEAN. Thứ ba, Bộ trưởng Mattis tuyên bố các kế hoạch nhằm thúc đẩy các năng lực quân sự của Mỹ ở châu Á, cho rằng sức mạnh quân sự là nền tảng cho ngoại giao. Ông Mattis cho biết, 60% khí tài chiến thuật trên không của Mỹ ở nước ngoài sẽ sớm được phân bổ" tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Giới phân tích nhận định các phát biểu của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Nhật Bản và Australia đã thể hiện rõ quan điểm của các nước trên trong việc xử lý các thách thức an ninh đe dọa khu vực và thế giới. Đáng chú ý, Mỹ đã cho thấy chính sách của nước này đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ có sự kế tục chính sách của chính quyền tiền nhiệm. Đó là không cho phép có các hoạt động phi luật pháp quân sự hóa trên Biển Đông và Biển Hoa Đông.


N.Minh
Ý kiến của bạn