Nhiều nước đã lên án những hành động của Trung Quốc tại Biển Đông; cho rằng những động thái từ Bắc Kinh tiếp tục làm cộng đồng quốc tế bất bình, mất niềm tin và tạo ra những thách thức mới đối với an ninh khu vực. Vì sao cộng đồng quốc tế lại mất lòng tin vào Trung Quốc như vậy?
Nếu như chỉ có 10 quốc gia tham gia Diễn đàn An ninh Shangri-La đầu tiên cách đây 16 năm, thì đến Đối thoại Shangri-La năm nay, đã có hơn 50 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương cùng nhiều học giả hàng đầu trên thế giới tới tham dự. Cũng lần đầu tiên, trong bài phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thủ tướng Ấn độ Narendra Modi đặc biệt nhấn mạnh tới những thách thức an ninh khu vực đồng thời ngỏ ý “Ấn độ muốn cùng khu vực gánh vác”.
Cũng xin nói thêm: Trong bài phát biểu hôm 2/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis không ngần ngại khẳng định rằng việc quân đội Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự tại Biển Đông thông qua hành động triển khai các hệ thống vũ khí tối tân tại vùng biển này là nhằm mục đích "đe dọa và gây sức ép" với các nước láng giềng. Ông James Mattis cũng không ngần ngại nói thẳng rằng Mỹ sẵn sàng hợp tác nhưng cũng sẽ hành động nếu cần thiết để đảm bảo an ninh ổn định khu vực bởi “không một quốc gia nào có khả năng hoặc có quyền chế ngự khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương”. Không chỉ có những tuyên bố của nhà lãnh đạo Ấn độ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ mà còn rất nhiều những tiếng nói khác cùng bày tỏ sự lo ngại về thế “chung chiêng” mà châu Á- Thái Bình Dương đang gặp phải khi Trung Quốc ngày càng quyết tâm hiện thực hóa tham vọng của mình.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khẳng dịnh hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đang đe dọa các quốc gia láng giềng.
Năm 2015, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã từng tuyên bố rằng “sẽ không quân sự hóa các bãi đá ở quần đảo Trường Sa chiếm đóng của Việt Nam mà nước này đã cải tạo phi pháp thành các đảo nhân tạo và xây dựng các công trình trái phép trên đó”, nhưng nhiều tờ báo quốc tế như tờ National Interest và các hình ảnh vệ tinh mà Mỹ và trung tâm Eathrise Media công bố lại cho thấy nhiều điều ngược lại. Trung Quốc đã cho xây dựng đường băng quân sự, cầu cảng, hệ thống vũ khí cận chiến, để rồi thay đổi hiện trạng các đảo chiếm đóng trái phép, rồi để máy bay ném bom hạ cánh xuống quần đảo Hoảng Sa chiếm đóng trái phép của Việt Nam…Những động thái của Trung Quốc liên tục được báo chí quốc tế thông tin và khiến dư luận giật mình lo ngại. Không lo ngại sao được khi tuyến vận tải Biển Đông là huyết mạch thông thương của nhiều quốc gia? Không lo ngại sao được khi Trung Quốc hết lần này, lần khác phớt lờ kêu gọi của cộng đồng quốc tế kiềm chế các hành động của họ để duy trì đảm bảo an ninh cho khu vực?
Đây cũng chính là lý do mà ở Đối thoại Shangri-La năm nào, vấn đề chủ quyền, an ninh hàng hải cũng lại nóng lên. Năm sau lại càng “nóng” hơn năm trước. Và ngày càng có thêm nhiều tiếng nói phản đối cách hành xử bất tuân luật pháp và các hành động gây hấn trong khu vực từ Diễn đàn Đối thoại quan trọng này.
Những tuyên bố thẳng thắn từ Đối thoại Shangri-La năm nay cho thấy một điều: có hòa bình, ổn định ở khu vực hay không phải dựa trên cách hành xử cầu thị và tôn trọng luật pháp quốc tế. Mọi quốc gia đều phải tuân thủ những quy tắc ấy, kể cả các cường quốc. Không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Ấn độ Modi, trong bài phát biểu khai mạc của mình, lại đưa ra thông điệp “Tất cả chúng ta nên có quyền tiếp cận bình đẳng đối với việc sử dụng các vùng biển và không phận quốc tế”. Bởi tương lai khu vực phụ thuộc vào sự tôn trọng chủ quyền và độc lập của mỗi quốc gia, tự do hàng hải và hàng không, giải quyết các bất đồng thông qua đối thoại, dựa trên luật pháp quốc tế.
Những tuyên bố thẳng thắn từ Đối thoại Shangri-La một lần nữa cho thấy cộng đồng quốc tế cần một cam kết cụ thể, một hành động cụ thể, đặc biệt từ Trung Quốc để xây dựng lại niềm tin. Tất nhiên, mục tiêu này sẽ không dễ dàng. Thế nhưng sức nóng từ những tuyên bố tại Shangri-La cho thấy không một quốc gia nào chấp thuận để luật pháp quốc tế bị chà đạp. Rõ rang, một cách hành xử có trách nhiệm ở thời điểm này sẽ trở thành yếu tố then chốt để tương lai khu vực Ấn độ-Thái Bình Dương được đảm bảo và duy trì.