Ngày 6/6, Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung-Mỹ thường niên lần thứ 8 (S&ED 8) đã khai mạc tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc. 2 ngày đối thoại với các chủ đề thúc đẩy quan hệ song phương, tăng cường hợp tác thiết thực và giải quyết những bất đồng được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những căng thẳng Mỹ-Trung. "Trung Quốc và Mỹ cần tăng sự tin tưởng lẫn nhau", Chủ tịch Trung Quốc ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh như vậy trong phiên khai mạc Đối thoại Mỹ-Trung lần thứ 8.
Ông Tập Cận Bình cũng đã thừa nhận giữa Trung Quốc và Mỹ còn tồn tại một số bất đồng, đồng thời kêu gọi hai nước tăng cường lòng tin chiến lược, ngăn chặn phát sinh xung đột.
Trong bối cảnh có hàng loạt bất đồng như trên, Đối thoại Mỹ-Trung được kỳ vọng tháo gỡ khúc mắc giữa hai nước. Tuy nhiên, dường như sự khác biệt về quan điểm khiến Đối thoại Mỹ-Trung chỉ dừng lại ở một cuộc thảo luận chứ không tháo gỡ được những nút thắt đặt ra.
Căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng nhanh trong thời gian gần đây sau khi Trung quốc đẩy mạnh hiện thực hoá âm mưu độc chiếm Biển Đông. . Trước thềm cuộc đối thoại này, tờ Bưu điện Hoa nanm buổi sáng (Hong Kong) đưa tin Bắc Kinh có thể thiết lập một Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên vùng biển này. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nhiều lần khẳng định Mỹ không phải là bên tranh chấp, nhưng có lợi ích ở Biển Đông. Hãng thông tấn Kyodo dẫn lời ông Kerry nêu rõ không thể giải quyết vấn đề trên bằng hành động đơn phương mà phải thông qua luật pháp, ngoại giao và đối thoại. Tuy nhiên, trong phiên khai mạc Đối thoại Mỹ-Trung hôm 6/6, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì nhắc lại quan điểm của Bắc Kinh chỉ muốn giải quyết song phương giữa các nước liên quan, chứ vấn đề Biển Đông không liên quan đến Mỹ.
Đối thoại Mỹ-Trung vẫn bất đồng nhiều hơn là hoà giải
Không rõ là vô tình hay hữu ý mà Đối thoại Mỹ-Trung được tổ chức ngay sau Hội nghị An ninh châu Á 2016 –Diễn đàn Shangri-La ở Singapore. Tại diễn đàn này, căng thẳng Mỹ-Trung tiếp tục bị đẩy tới những nấc thang mới khi hai bên tiếp tục chỉ trích nhau về những hành vi trên Biển Đông. Tại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter tuyên bố việc Trung Quốc quân sự hoá Biển Đông có nguy cơ đe dọa hoà bình ổn định khu vực và rằng Bắc Kinh đang tự dựng lên một bức tường “Vạn lý trường thành” tự cô lập chính mình. Do đó, bầu không khí cuộc Đối thoại vốn đã căng thẳng nay lại càng thêm căng thẳng.
Về kinh tế, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew không ngần ngại bày tỏ mong muốn Trung Quốc cắt giảm sản lượng thép dư thừa mà Washington cảnh báo đang tác động tiêu cực đến thương mại toàn cầu. Câu chuyện thép nhập khẩu của Trung Quốc được cho là bán dưới mức giá thành sản xuất đang gây nên sự bất bình của nhiều nhà sản xuất thép ở Mỹ và châu Âu.
Trước cuộc đối thoại này, người ta đã nói tới khả năng va chạm giữa Mỹ và Trung quốc, hai nước đang cạnh tranh mạnh mẽ ảnh hưởng địa chính trị trên thế giới. Song, cũng có những quan điểm ngược lại cho rằng hai bên có quá nhiều lợi ích đan xen và chấp nhận “chịu đựng nhau”. Dù tranh cãi, nhưng Mỹ-Trung vẫn không đẩy căng thẳng đi quá xa do lo ngại phải hứng chịu những thiệt hại lợi ích khổng lồ.
Điểm “cộng” duy nhất giữa Mỹ-Trung có lẽ là sự nhất trí trong việc thực thi các thoả thuận chống biến đổi khí hậu. Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương khẳng định việc các nước đạt được thỏa thuận chống biến đổi khí hậu lịch sử tại Paris hồi tháng 12/2015 đã góp phần tăng hiệu quả của hợp tác Trung - Mỹ. Trung Quốc đặt mục tiêu giảm lượng phát thải khí carbon vào khoảng năm 2030, đồng thời cam kết đóng góp 20 tỷ Nhân dân tệ (NDT - khoảng 3 tỷ USD) nhằm thành lập một quỹ cho các nước đang phát triển cùng ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bắt đầu nhóm họp từ năm 2009, Đối thoại Chiến lược và Kinh tế thường niên được coi là diễn đàn quan trọng nhất giữa Trung Quốc và Mỹ để giảm căng thẳng và mở rộng hợp tác song phương thông qua đối thoại trực tiếp. Tuy nhiên, chưa năm nào Đối thoại Mỹ-Trung được cho đạt được kết quả tích cực cho dù hai phía đều hiểu quá rõ về nhau.