Đời thợ lặn và sợi dây sinh tử

23-11-2017 17:00 | Xã hội
google news

SKĐS - Ở những ngôi làng ven biển, ngoài nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản thì người dân còn có nghề lặn, một việc dầm mình dưới nước sâu hàng chục mét, lạnh và hiểm nguy rình rập.

Dẫu không muốn nhưng họ vẫn phải bám nghề bởi đâu dễ dàng tìm một công việc khác...

Hiểm nguy rình rập

Rong ruổi, tìm hiểu ở các làng chài ở Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế..., mới thấy cái nghề thợ lặn thật khắc nghiệt. Không ít người nhẹ thì bị co rút, chân đi tập tễnh, có người phải cưa chân, cưa tay, thậm chí mất mạng. Đến ngay như người khỏe mạnh, cường tráng là anh Trần Minh Huynh ở tổ 46 làng chài Hải Minh, phường Hải Cảng (TP. Quy Nhơn, Bình Định) có thâm niên 15 năm nghề lặn, cũng nói: “Lặn là nghề lắm nhọc nhằn và nhiều rủi ro mà chúng tôi vẫn giữ vì miếng cơm manh áo. Chúng tôi ở đây không có ruộng. Biển là ruộng. Người thì đánh bắt, người thêm nghề lặn”.

Lực lượng chức năng Đà Nẵng tuyên truyền cho ngư dân về quy định đánh bắt gần bờ.

Lực lượng chức năng Đà Nẵng tuyên truyền cho ngư dân về quy định đánh bắt gần bờ.

Để có bộ đồ lặn thì người dân phải đầu tư khoảng 11 triệu đồng, gồm một bộ đồ nhái, bình hơi, dây, đèn, cuộn chì và một vài dụng cụ khác. Tôi hỏi, vì sao biết nhọc nhằn mà vẫn phải làm. Anh Huynh lý giải: “Do không có điều kiện đầu tư phương tiện đánh bắt đắt tiền”.

Anh mô tả về công việc: Bình thường ở gia đình sẽ đi theo ghe riêng, gồm hai vợ chồng, hai anh em hoặc hai bố con. Người đàn ông khỏe sẽ lặn xuống, người ở trên thả dây buộc níu với ghe và người dưới nước. Người lặn buộc cuộn chì ngang bụng để chìm xuống, anh ta cũng đeo sợi dây dưỡng khí, nối với bình và máy nổ ở trên ghe. Cả đoàn đi sẽ gồm năm đến 10 chiếc ghe, thời gian bắt đầu từ 6 giờ chiều đến khoảng 2 giờ sáng hôm sau thì quay về cảng, bán tôm, cá cho thương lái.

Có thâm niên gần 25 năm làm nghề lặn biển, anh Nguyễn Văn Vương (42 tuổi), một đồng nghiệp của anh Huynh chia sẻ, đây là công việc đòi hỏi có sức khỏe, bền. “Bởi lặn dưới sâu tới 30m, có khi đến hơn 2 tiếng mới ngoi lên. Nhất là khi gặp luồng cá, dân lặn ham và ngâm mình trong nước lâu, lỗ chân lông hở rộng, sức ép của nước lớn, chẳng may gặp luồng nước độc, sự cố rối dây kéo và dây hơi mà không xử lý tốt là dễ ngạt”, anh Vương nhấn mạnh.

Bản thân anh Vương cũng hai lần gặp nạn, bị chuột rút, ngạt nước dẫn đến co cứng chân, giờ chân tập tễnh. Anh nhớ lại:  “Chúng tôi dùng sợi dây dưỡng khí có thể dài từ 200-300m. Hôm đó do vướng vào lưới của người đánh cá nên dây dưỡng khí bị rối, tắc. Tôi khó thở, phải nhanh chóng ngoi lên, đồng thời nháy đèn pin để người ở trên kéo mình. Nhưng vẫn không kịp. Thiếu khí là người ảnh hưởng ngay. Hú vía!”.

Vì sự an toàn tính mạng của người thợ lặn được tính bằng giây, nên người dân gọi dây dưỡng khí và dây kéo là “dây sinh tử”!

Ở Đà Nẵng, nơi có nhiều làng chài, cũng “sở hữu” nhiều người làm nghề giỏi, lâu năm, tập trung ở các phường Nại Hiên Đông, Thọ Quang (quận Sơn Trà), Xuân Hà (quận Thanh Khê)... Khi hỏi về nghề, họ cũng phải thốt lên: Khó lường!

Cách đây ít tháng, chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Sức, ở phường Nại Hiên Đông (Sơn Trà, Đà Nẵng), người bị tử vong do lặn bắt tôm hùm. Trước đây Sức làm nghề lái taxi, sau đó vì thu nhập ít đã theo anh em đi biển. Sau vài tháng làm phụ, cuối năm 2016 anh quyết định xuống nước. Lần đầu tiên xuống nước đã cướp đi mạng sống của anh, để lại người vợ trẻ và hai con thơ. Ông Nguyễn Tư, Hội trưởng Hội Vạn lặn phường Nại Hiên Đông cho biết, trong 20 năm làm nghề, ông đã nhiều lần phải chứng kiến sự ra đi của đồng nghiệp.Nhiều người dân tích cực nuôi cá lồng để bớt nghề lặn.

Nhiều người dân tích cực nuôi cá lồng để bớt nghề lặn.

Nghĩa tình kình ngư

Anh Sức mất, Hội Vạn lặn huy động được hơn 10 triệu đồng hỗ trợ gia đình. Đó là tình cảm của các đồng nghiệp trong hoạn nạn, sẽ chẳng là gì so với mất mát đau thương của gia đình.

Với người xấu số thì như vậy, còn hiện tại, dù chẳng máu mủ thì người thợ lặn vẫn coi nhau như anh em trên hải trình. Như ở phường Ghềnh Ráng (TP. Quy Nhơn), người dân có nghề lặn bắt ốc nhảy với hơn 80 hộ bám nghề. Ốc nhảy sống ở vùng nước sâu, có khi tới 40m. Vì thế người thợ càng phải đoàn kết để tổ chức ứng cứu nếu chẳng may ai đó gặp nạn. Nhớ lại trước đây, người thợ lặn ở gần các bãi biển rìa thành phố, rồi nguồn thủy sản vơi cạn, họ phải rồng rắn nhau đến vùng biển thuộc huyện Phù Mỹ, Hoài Nhơn... Anh Nguyễn Hữu Trọng (35 tuổi) cho biết: Việc nguy hiểm, nhưng do cuộc sống của hầu hết người dân nơi đây còn khó khăn nên phải giữ nghề. Việc đó phải đầu tư ít, thu lợi nhuận luôn... “Khi có nguồn lợi thì anh em lo bảo nhau bán cho mối, không vì lý do này nọ mà nhổ giá, hoặc hạ bán phá giá cho thương lái, để ảnh hưởng đến người khác”, Trọng bộc bạch.

Chung chia sẻ ấy, ông Mai Văn Xịn, Trưởng làng chài Hải Minh, phường Hải Cảng (TP. Quy Nhơn) cho rằng, do đời sống của người dân còn khó khăn, không có đất nông nghiệp, người dân sống bám vào biển, đánh bắt hải sản, nuôi cá lồng... Tuy nhiên những năm gần đây, nguồn hải sản suy cạn, việc nuôi cá lồng cũng khó khăn hơn do nguồn nước ô nhiễm, nhiều người phải đi lặn xa khu dân cư để tìm cái ăn. Thậm chí còn ra tận Cù Lao Xanh, cách khu dân cư 10 hải lý để lặn. Ông Xịn nhấn mạnh: “Nhưng đi rồi họ cũng phải bảo ban nhau, trợ giúp nhau làm ăn. Người ta bảo là buôn có bạn, bán có phường”.

Ước mơ cho ngày sau

Nghề lặn vất vả và nhiều rủi ro, nhìn dài hạn thì người dân cần có môi trường để làm ăn lâu dài, xa dần nghề lặn. Ngay đến kình ngư lặn giỏi nhất ở Hải Minh, là anh Đoàn Văn Cho (với 25 năm trong nghề) và có 5 em trai cùng nghề lặn cũng phải bộc bạch: “Đó là nghề không thể làm mãi được. Chúng tôi sẽ vẫn tích cực nuôi cá lồng để xa dần nghề lặn”.

Chung nỗi trăn trở ấy, Bí thư Chi bộ làng chài Hải Minh Trần Văn Kiên cho hay, chỉ có con đường học hành cho con em và chuyển đổi nghề nghiệp mới giúp thế hệ sau buông dần nghề lặn. Như nghề nuôi cá lồng, nghề chài lưới bền vững. “Chúng tôi kiến nghị khu vực cần được bảo vệ, chống ô nhiễm, đánh bắt tận diệt”, ông Kiên kiến nghị.

Theo tìm hiểu, không ít người dân sử dụng phương tiện lờ dây, lưới chặn, nên nguồn hải sản không thể vào gần bờ, vịnh để sinh sản và phát triển. Ông Nguyễn Tư, Hội trưởng Hội Vạn lặn phường Nại Hiên Đông (TP. Đà Nẵng) cũng nói rằng, có đến hơn 500 người lặn ở các địa phương khác đến. Họ đánh bắt thời vụ, nên sử dụng phương pháp tận diệt, gây ảnh hưởng đến môi trường sinh trưởng của cá, nghêu và chíp chíp. Ông Tư mong các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ, nghiêm khắc hơn với nạn khai thác triệt để.

Dẫu lực lượng chức năng, cảnh sát đường thủy, chi cục thủy sản các địa phương đã kiểm tra, bắt giữ các phương tiện đánh bắt vi phạm; tuyên truyền để người dân gìn giữ bảo vệ nguồn thủy sản, nhưng hiệu quả chưa cao.


Diên Khánh
Ý kiến của bạn