Đôi tay vàng

08-01-2016 18:42 | Xã hội
google news

SKĐS - Trong lúc trò chuyện với ông ở phòng Chủ nhiệm khoa, tôi thấy thập thò ngoài cửa một cô gái đeo khẩu trang. Cô gái có vẻ bồn chồn, chốc chốc lại ngó vào phòng.

Trong lúc trò chuyện với ông ở phòng Chủ nhiệm khoa, tôi thấy thập thò ngoài cửa một cô gái đeo khẩu trang. Cô gái có vẻ bồn chồn, chốc chốc lại ngó vào phòng. Tôi nhắc ông, bác sĩ (BS) Sơn xin lỗi và mời cô gái vào. Bác sĩ chưa kịp hỏi, cô gái đã tháo khẩu trang. Cái mũi dị dạng, khuôn mặt thành kỳ dị. Cô chừng hai mươi tuổi. Được biết Bệnh viện TWQĐ 108 có BS. Sơn có thể lấy lại gương mặt bình thường cho mình, cô gái tìm đến và hôm nay, cô đã được gặp ông. Cô nói về những khó khăn trong đời sống xã hội nhiều hơn những triệu chứng bệnh lý. Giọng nói run run, hồi hộp, lo âu, hi vọng. Ngẫu nhiên tôi được chứng kiến một buổi khám bệnh cùng những nỗi niềm của người bệnh tìm đến chỉnh hình.

Đại tá - PGS.TS.  Nguyễn Tài Sơn.

Ở các nước, phẫu thuật thẩm mỹ được định nghĩa như một tác động y học vào người lành, người vô bệnh nhưng cần làm đẹp. Nhưng ở khoa BS. Nguyễn Tài Sơn - người được khen là có đôi tay làm vi phẫu tài tình vào hàng đầu ở nước ta, thì những người tìm đến không thể gọi là vô bệnh. Phẫu thuật tạo hình cũng có nhằm cái đích thẩm mỹ. Nhưng thẩm mỹ ở đây là lấy lại được nét bình thường, mô phỏng lại dáng bình thường cho những khiếm khuyết. Họ là những người bệnh. Bệnh do vết thương chiến tranh, do tai nạn, do bẩm sinh hoặc hậu quả của một điều trị (đúng hoặc sai sót - đúng như một cắt bỏ do ung thư, sai sót như lấy bỏ khối u ở mặt làm tổn thương thần kinh số 7 gây liệt mặt). Đại tá, Phó giáo sư, Tiến sĩ (PGS.TS) y khoa Nguyễn Tài Sơn - Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình, BVTWQĐ 108 có ý dè dặt với những lời khen, ông kể lại mấy ca phải bó tay. Một ca tạo hình xương hàm sau cắt bỏ xương do ung thư. Phẫu thuật tạo hình xương loại này ông đã có nhiều thành công. Đã có người bệnh từng là một bưu tá xã, trên 50 tuổi bị u xương hơn 30 năm. Khối u lúc đầu nhỏ, sau phát triển lớn dần, phá xương mặt, làm lồi mắt, lệch mũi, miệng. Bệnh nhân đã được nhiều tổ chức và chuyên gia trong, ngoài nước khám nhưng không dám can thiệp. Nhân một chuyến đi làm từ thiện, BS. Sơn cùng đồng nghiệp được Hội Chữ thập đỏ tại địa phương, nơi bệnh nhân sinh sống mời thăm khám. Ngay sau đó, bệnh nhân được chuyển ra Bệnh viện TWQĐ 108 điều trị. Cuộc mổ kéo dài hơn 12 giờ, cái khó nhất và kéo dài thời gian nhất không phải là cắt bỏ khối u mà làm sao tạo lại khuôn mặt bình thường cho người bệnh. Da, cơ, xương ở chỗ khác được lấy lên, cưa cắt, sắp xếp và nối lại với nhau làm khuôn mặt mới. Đã thành công. Nhưng lần này, phần da thịt vùng hàm bệnh nhân được tách ra để nhận xương ghép lại không tìm được mạch máu nuôi dưỡng. Một ca khác, liệt mặt do đứt thần kinh số 7, nhưng đến quá muộn, các cơ trên mặt lâu ngày không hoạt động nên không có khả năng phục hồi co duỗi khiến không thể phẫu thuật nối dây thần kinh đứt mà phải lấy cơ khác ghép vào thay các cơ bị liệt. Ông nói: những trường hợp liệt mặt do đứt thần kinh 7 đến sớm do tai nạn giao thông hoặc bị hành hung, bị chém được nối thần kinh kịp thời thường phục hồi được khá tốt. Dây thần kinh vốn là một bó các sợi thần kinh tạo thành. Mỗi sợi là một nhánh rất nhỏ từ tế bào thần kinh đi ra, có chức năng dẫn truyền các xung động thần kinh đến các cơ làm các cơ này vận động. Khi sợi thần kinh bị đứt thì sợi trục nằm ở đầu trung tâm sẽ mọc ra mỗi ngày được 1 ly cho đến khi đến được cơ do nó chi phối. Khi dây thần kinh bị đứt, hai đầu xa nhau thì phải nối chúng với nhau dưới kính phẫu thuật phóng to từ 10 - 20 lần. Dễ nối nhất là các vết cắt thẳng (bị chém) mà phức tạp nhất khi vết thương giành giật như trong các trường hợp tai nạn giao thông. Nhưng điều cần là thời gian còn đủ cho các cơ mặt không bị thoái hóa và có khả năng phục hồi vận động. Đứt sợi thần kinh số 7 là méo một khuôn mặt. Khuôn mặt méo không chết người nhưng lấy đi nhiều lắm hạnh phúc một đời người. Đến muộn do người bệnh an phận, cho rằng phận trời của mình là vậy, phải chấp nhận. Chính vì vậy, có ông tới chữa trĩ mới biết bệnh viện tạo được dương vật. Dương vật ông phải cắt do ung thư, ông tính chịu tật nguyền đã hơn 10 năm để cứu lấy mạng sống. Không ngờ đến đây ông lại có lối thoát. Ông đã hoãn cắt trĩ, xin phẫu thuật tạo hình dương vật trước. Phẫu thuật thành công. BS. Sơn cho biết, ở ta, phẫu thuật này được khởi xướng từ Quân y 108, ngay từ thời gian chiến tranh chống Mỹ. GS. Nguyễn Huy Phan là người tiên phong. Ông đã có bài tổng kết về hơn 50 ca tạo hình dương vật. Có cô y tá đã trở thành vợ của người bệnh mà cô chăm sóc. Một bệnh nhân khác ở Phủ Lý đã có con... Ngày nay, phẫu thuật này được hoàn thiện qua nhiều cải tiến kỹ thuật mổ và sử dụng các vật liệu phụ trợ mới nhằm lấy lại cả thẩm mỹ lẫn các chức năng tiết niệu và sinh dục cho phần ghép. Trước đây, trụ da làm nguyên liệu lấy từ bụng nên phải chuyển dần từ bụng lên cẳng tay, sau đó mới nối từ tay vào chỗ ghép (phẫu thuật hai thì). Từ năm 1990, chỉ làm một thì, lấy da cẳng tay cuộn lại đưa thẳng vào chỗ cần ghép, vừa làm niệu đạo vừa làm thân dương vật. Những vật liệu tạo cương cũng có nhiều thay đổi. Tham khảo kinh nghiệm các nước nhưng ta lại có sáng tạo của riêng mình. Kinh nghiệm hơn ba mươi ca của BS. Sơn thực hiện thành công đã lấy lại hạnh phúc thật sự cho nhiều người bệnh, làm phong phú thêm hướng phát triển phẫu thuật tạo hình này.

Đại tá - PGS.TS.  Nguyễn Tài Sơn đang thăm khám cho người bệnh.

Phẫu thuật cắt bỏ và nạo hạch do ung thư vú trước đây lấy đi khá rộng phần ngực. Cứu được mạng sống nhưng người bệnh phải chịu khuyết hổng lớn trên cơ thể trọn đời. Ngày nay, phẫu thuật tạo hình đang lấy lại dáng ngực, cả hình thể lẫn màu sắc da nơi núm, nơi quầng, người bệnh được sống cuộc sống gần với bình thường, hòa nhập với đời chung. BS. Sơn mở máy tính cho tôi xem một số hình ảnh chụp người bệnh trước và sau phẫu thuật. Một bước tiến không phải chỉ của y học qua các thành tựu của phẫu thuật mà còn là một bước tiến trong quan niệm về cuộc sống con người và việc thỏa mãn những đòi hỏi tinh thần, đòi hỏi về cái đẹp của họ. Hôm nay, được thấy những tấm ảnh do bác sĩ Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình lưu giữ về kết quả điều trị cho thương binh, bệnh binh và cả người dân thường mới thấy được thành tựu ngoại khoa của nước ta, riêng về phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ đã tiến một bước dài trong mấy chục năm qua. Có thể nói từ không thành có, từ có được hoàn thiện, nhanh chóng trở thành một khoa phẫu thuật đáng tin cậy, góp phần tích cực nâng cao cuộc sống của những người bệnh từng phải cam chịu thất thiệt một đời người. Tôi chú ý tấm ảnh chụp khoang miệng một bệnh nhân bị cắt dọc nửa lưỡi do ung thư. Khoang miệng trống đang đợi ghép lưỡi. Cắt một phần lưỡi bệnh là một thủ thuật không dễ an toàn vì chảy máu. Lưỡi sau khi cắt cần ghép các vạt tổ chức tự do để tạo lại hình dáng mới lấy lại phần nào chức năng cho cơ quan phát âm và vị giác này. Tôi hiểu tính phức tạp nối mạch máu, nối thần kinh ở vị trí khá hóc hiểm và chức năng khá tinh vi này.

Tôi hỏi BS. Sơn: Trong việc phục hồi gương mặt những bệnh nhân bị bỏng lửa, bỏng hóa chất làm biến dạng toàn bộ gương mặt, ta đã có cách tạo lại gương mặt chưa? Tôi nhắc tới việc tạo hình gương mặt được coi là thành tựu của phẫu thuật thế giới. Ông Nguyễn Tài Sơn dè dặt: Đây là phẫu thuật phức tạp, phải làm nhiều đợt mà kết quả còn rất khiêm tốn. Người ta tạo được cái dáng hao hao khuôn mặt người. Tạo mũi, tạo miệng, tạo tai, tạo mắt, kể cả đôi lông mày… nhưng vẫn chỉ như gương mặt đắp, như dáng mặt nạ. Rất khó để tạo cho gương mặt có được nét biểu cảm. Cả một mạng lưới thần kinh dày đặc ngay dưới da mặt chỉ huy các cơ dưới da thực hiện chức năng ấy. Lớp thần kinh ở nông là những nhánh li ti rất dễ tổn thương, nhiều khi mất hẳn, không hoặc rất khó phục hồi. Thế giới cũng chưa có kết quả cao về lĩnh vực này. Ở ta, chủ yếu vẫn là giữ cuộc sống cho nạn nhân. Nguyễn Tài Sơn được giới phẫu thuật coi như người có bàn tay vàng. Có lẽ nhờ sự khéo léo cùng những sáng tạo trong thủ thuật, ông đã được giáo sư Nguyễn Huy Phan chú ý và chọn là một trong năm phẫu thuật viên được ông lựa chọn và đào tạo rất cơ bản về tạo hình vi phẫu. Trong phòng làm việc của ông, một bức chân dung GS. Phan mặc quân phục treo ngay tầm nhìn của ông khi khám bệnh. Tôi nhận thấy ông tỏ ra kiệm lời khi tôi hỏi về những dự định mới, nhưng ông lại băn khoăn nhiều về sự “phát triển ồ ạt” các phòng khám đa khoa và phẫu thuật thẩm mỹ. Hình như bác sĩ nào cũng có thể mở phòng khám đa khoa và phẫu thuật viên nào cũng có thể làm thẩm mỹ. Rất cần một phương pháp quản lý chuyên môn trong lĩnh vực đầy nhạy cảm này. Nó là yêu cầu của số đông nhưng lại ít được chú ý. PGS. Nguyễn Tài Sơn hiện có tham gia giảng dạy phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ cho những khóa bổ túc các bác sĩ. Ông thấy việc đào tạo chuyên khoa này cần được quan tâm hơn nữa mới đáp ứng được thực tế. Một điều quan trọng với mọi phẫu thuật viên tạo hình thẩm mỹ là cập nhật kịp thời thành tựu trong nước và thế giới. Ở nước ta, ngành này còn non trẻ nhưng ở nhiều nền y học, nó đã có quá trình phát triển phong phú và giờ đây, cùng với tiến bộ của hồi sức, của phi lâm sàng, của dược phẩm…, việc ghép tạng, tạo hình các bộ phận cơ thể đang có những thành tựu mới mẻ, kinh ngạc như dự định ghép đầu người vừa được nêu trong báo chí y học thế giới.


Nhà thơ: Vũ Quần Phương
Ý kiến của bạn