Tin vào ngày chiến thắng COVID-19
Đang lúi húi nhắn tin cho người thân ở quê nhà, Bùi Mạnh Tùng (Tân Tạo A, Bình Tân) bật dậy khi nghe tiếng gọi: "Em ơi ra nhận lương thực. Sẽ được hỗ trợ, cứ an tâm mà đồng lòng chống dịch nhé".
Quê Tùng tuốt miền cát trắng Quảng Bình. Cậu cùng bạn bè trang lứa túa vào các Khu công nghiệp ở Bình Tân làm việc. Tằn tiện cũng đủ trang trải nhưng hai tháng nay mọi thứ đều cạn kiệt. Việc không, tiền tích trữ không… Ai cũng nôn nao như ruột có kiến bò. Biết tìm cách về quê bằng xe máy, nhiều công nhân như Tùng sẽ vất vả, tiềm ẩn hiểm nguy, cả nguy cơ dịch bệnh nữa. Thế nhưng, cứ co cụm trong phòng mãi ăn mì tôm chèo chống qua ngày cũng nản. Giờ thì niềm tin lại thức dậy mãnh liệt khi được hỗ trợ kịp thời.
Ông Nguyễn Văn Luôn (phường An Lạc, Bình Tân) chạy xe ôm công nghệ nuôi cả gia đình, trong nhà trọ. Trước đây cố gắng vẫn có thể tạm đủ tiền ăn uống cho ba người nhưng từ khi dịch bệnh bùng phát, ông Luôn chỉ trông chờ vào hỗ trợ của mạnh thường quân.
Ông chia sẻ: Cũng may nhà trọ tốt bụng nên các xóm xe ôm cũng được giảm một nửa tiền thuê phòng. Lại cho nợ, khi nào hết dịch đi chạy xe lại thì trả dần.
Nhiều lao động ở Khu chế xuất Linh Trung (Thủ Đức, TP.HCM) cả tháng nay cũng rơi vào cạn kiệt. Chẳng biết phải phải xoay sở vào đâu. Giữa cơn bí bách thì có thông báo chuẩn bị đến nhận các mặt hàng thiết yếu từ các gói hỗ trợ an sinh khiến nhiều người như "chết đuối với được phao".
Để đảm bảo sức khỏe và đời sống cho nhân nhân, Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu các quận, huyện và thành phố Thủ Đức tức tốc lên danh sách các gia đình khó khăn. Các công nhân lao động mất việc, học sinh, sinh viên; những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn để tiến hành hỗ trợ kịp thời lương thực thực phẩm, tiền trọ và các hỗ trợ khác để tất cả cùng an tâm thực hiện nghiêm các quy đinh phòng, chống dịch bệnh.
Theo ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh, các gói hỗ trợ hướng đến các đối tượng cụ thể theo tình hình thực tế. Cả hệ thống chính trị ở thành phố cũng vào cuộc chăm lo cho đời sống nhân dân một cách tích cực nhất.
Tình người trong giãn cách
Để lo cho người dân khó khăn tốt nhất, TP.HCM cũng ra mắt Trung tâm an sinh TP.HCM. Trung tâm này đặt tại Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM, là đầu mối quan trọng tiếp nhận, phân bổ, sẻ chia các nguồn hỗ trợ đến tận tay lao động gặp khó khăn, các gia đình nghèo, các hoàn cảnh bi đát vì COVID-19…
Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM chia sẻ: Trung tâm an sinh TP.HCM gồm 19 thành viên, với 3 nhiệm vụ đó là: Tiếp nhận và quản lý các nguồn tài trợ hàng hóa của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho người dân có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 và lực lượng tham gia phòng chống dịch.
Phối hợp rà soát nhu cầu, tổ chức phân phối nguồn hàng tài trợ đến những người dân nghèo, cận nghèo, những người dân gặp khó khăn do tác động của dịch COVID-19 phải tạm thời nghỉ việc, ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày, các bệnh nhân, đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế tại các khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị COVID-19 và bệnh viện hồi sức. Kiểm tra, giám sát việc điều phối, phân phối nguồn hàng tài trợ đến các đối tượng theo nguyên tắc "đúng đối tượng, đúng nhu cầu".
TP.HCM thực hiện giãn cách nhưng tình người lại gần hơn bao giờ hết. Ngày càng xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay được nhân rộng ở các địa phương như vận động chủ nhà trọ giảm giá hoặc miễn phí phòng trọ cho công nhân, người nghèo, hộ cận nghèo… Mô hình "Gian hàng 0 đồng", "Bếp ăn yêu thương", "Siêu thị nghĩa tình"; "Siêu thị 0 đồng", "Tổ tình nguyện đi chợ giúp dân", "Quà đến tận nhà", "Shipper tình nguyện", ATM gạo, ATM thực phẩm, ATM khẩu trang và mới đây là mô hình ATM oxy đã được hình thành. Trong gian khó tình người vẫn càng tỏa sáng…
Theo ghi nhận tại TP.HCM đến ngày 18/8, hầu hết các gói hỗ trợ cho các nhóm đối tượng đều đã được triển khai đến tận các cơ sở.
Sáng 18/8, ông Nguyễn Minh Nhựt, Chủ tịch UBND quận Bình Tân chia sẻ PV Báo Sức khỏe và Đời sống: Địa bàn có đông đảo lao động khó khăn. Có đến 230 ngàn người trong các khu nhà trọ, nhưng với quyết tâm không để ai lâm cảnh thiếu thốn cái ăn nên Quận đã triển khai hỗ trợ khẩn trương.
Đang lâm cảnh bần cùng, nhận được gói hỗ trợ gồm nhiều mặt hàng khác nhau như: Gạo, dầu ăn, sữa… bà Nguyễn Thị Lệ (Gò Vấp, TP.HCM) cũng xúc động chia sẻ: Việc nhận hỗ trợ rất thuận tiện, chỉ cần báo với tổ trưởng hoặc xin tổ trưởng các khu phố số điện thoại của Mặt trận tổ quốc phường là được hướng dẫn chi tiết ngay. Nhanh và gọn. Chỉ trong chớp nhoáng xác minh là lương thực đã về trước cửa nhà. Các mạnh thường quân cũng thường xuyên đến các khu cách ly, phong tỏa phát hàng cho các tổ dân phố. Từ các tổ này lương thực được được đưa về tận tay lao động, dân nghèo.
Nối dài những sẻ chia
Để đáp ứng nhanh nhất người nghèo khổ, kiệt quệ bởi COVID-19, nhiều quận ở TP.HCM công khai đường dây nóng để giải đáp và hỗ trợ nhanh nhất. Đồng thời ra mắt Trung tâm an sinh ở các quận. Các trung tâm này sẽ điều phối nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ người nghèo, lao động mất việc, người buôn thúng, bán bưng… một cách hiệu quả nhất.
Trước khó khăn của tâm dịch, chiều 17/8 tại quận Bình Tân và Quận 12, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM và Trung tâm An sinh TP.HCM cũng đã phối hợp tổ chức chương trình "tấm lòng mùa dịch, san sẻ yêu thương", tổng trị giá 160 tỷ đồng. Chương trình do Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện.
Nhiều hộ dân, lao động trong các khu nhà trọ ở Bình Trị Đông B và Tân Tạo (Bình Tân) vỡ òa niềm vui khi nhận được hàng thiết yếu kịp thời. Khu nhà trọ phường Hiệp Thành (Quận 12) và nhiều khu dân cư nghèo khác cũng rộn rã khi nhận được các mặt hàng phục vụ cho đời sống, nâng cao sức khỏe.
Để nối dài những sẻ chia trong gia đoạn khó khăn hiện nay, 3 nhóm tổ chức, chương trình là Thành Đoàn TP.HCM; Chương trình Vòng tay Việt; Chương trình Sài Sòn thương nhau đã phối hợp và thống nhất ký kết với Trung tâm An sinh TP.HCM thực hiện chương trình "Vòng tay Việt - Sài Gòn" trong tháng 8-9.
Chương trình này cam kết tặng 1 triệu suất ăn cho người nghèo trong mỗi tháng dưới hai hình thức là phần quà nhu yếu phẩm và suất ăn đã chế biến cho gia đình nghèo trong hơn 4.000 khu phong tỏa; Công nhân mất việc, người lao động mất thu nhập; Các nhân viên y tế tuyến đầu nếu các bệnh viện và tổ chức y tế có nhu cầu.
Người khó khăn sẽ được hỗ trợ kịp thời.