Hà Nội

Đời sống mới trên đèo Phượng Hoàng

21-05-2020 16:20 | Xã hội
google news

SKĐS - Băng qua nhiều vách núi hùng vĩ, đèo Phượng Hoàng đã thể hiện tầm quan trọng mang tính chiến lược của mình đó là kết nối duyên hải miền Trung với Tây Nguyên. Đầu đèo là xã Ea Trang (Ma Đ’rắk, Đắk Lắk), cuối đèo là xã Ninh Sim (Ninh Hòa, Khánh Hòa).

Xa dần nghèo đói

Cựu chiến binh Sư đoàn 10 (thuộc Quân đoàn 3) Lê Văn Tĩnh từng tham gia chiến đấu trên cung đèo này hồi tưởng lại, kể rằng: Mỗi khi trở lại đèo Phượng Hoàng như là sự trở về của ký ức hào hùng, ký ức nguồn cội với hoài niệm tự hào lẫn bi tráng. Đầu năm 1975, sau khi tham gia đánh địch và giải phóng Buôn Ma Thuột, Sư đoàn 10 được giao nhiệm vụ tấn công, tiêu diệt và chọc thủng tuyến phòng thủ của địch trên đường 21 (nay là quốc lộ 26-Đèo Phượng Hoàng).

Con đèo xưa hứng chịu chất chồng đau thương giờ bao bọc cho nhiều buôn làng. Dưới con đèo là thảo nguyên Ma Đ’rắk, là những cánh đồng trù phú như quanh năm chỉ biết tận hiến vị ngọt ngào chắt ra từ lòng đất.

Ký ức xưa dội về, già làng Y Tung ở xã Ea Trang (Ma Đ’rắk) bừng lên niềm tự hào: Lòng yêu Tổ quốc, yêu bác Hồ, theo Đảng của cộng đồng các dân tộc ở đây luôn son sắc. Ngay sau ngày giải phóng, các buôn làng nêu bật quyết tâm, phải từng bước đánh tan “giặc đói”. Người nọ nhắn nhủ với người kia rằng: Sự cần cù lao động cộng với yêu thương và niềm tin chính là sức mạnh vươn lên.

Cái đói chỉ còn trong kí ức, cưu chiến binh Trần Hữu Thực (xã Ninh Sim, Ninh Hòa, Khánh Hòa) tự tin: “Lửa” truyền thống luôn hừng hực trong lòng mỗi người. Những ngày đánh địch trên đèo quyết liệt thì hòa bình cũng phải lao động hăng say. Từ trong bộn bề hoang tàn, chúng tôi đã lập nên hàng trăm đội, nhóm sản xuất để hỗ trợ nhau gây dựng cuộc sống mới. Nay, nhiều nhà đã có của ăn, của để, có phương tiện nghe nhìn, đi lại, đời sống và sức khỏe đều vững mạnh cả.

Người dân đã biết dùng kỹ thuật để canh tác làm nên các vụ mùa bội thu

Kiến thiết cuộc sống mới

Để vơi bớt những mệt nhọc thường nhật, mỗi dịp lễ, các buôn làng lại quây quần nghĩ ra một “đặc sản” văn hóa, văn nghệ để biểu diễn. Thuộc hàng chục bài Pô Khan (hát kể sử thi), ông A Thông, người Ê Đê ở xã Ea Trang khoe: Mình đã truyền được cho 50 đứa thanh niên rồi. Chúng rất thích thú. Năm nào cũng vậy, để kỷ niệm ngày trọng đại của đất nước như: Ngày giải phóng, ngày sinh nhật Bác Hồ…chúng tôi đều đến nhiều xã khác giao lưu các bài Pô Khan. Những câu chuyện kể, điệu hát đều tập chung chủ yếu vào ca ngợi: Tình nghĩa xóm giềng; Bình đẳng; Vai trò của lao động và tầm quan trọng của người phụ nữ…trong việc xây dựng nếp sống mới. Văn hóa truyền thống lan đến đâu, tệ nạn giảm đến đó. Đến nay, trải đều ở nhiều xã của Ma Đ’rắk đã hình thành hàng chục đội, câu lạc bộ văn hóa-văn nghệ mà nòng cốt chính là những nông dân.

Trẻ em đến trường đầy đủ

Di cư ở miền Bắc vào từ những ngày sau giải phóng, hàng chục nông dân người Mông ở xã Cư San (Ma Đ’rắk) lấy những điệu kèn, bài múa làm quà tặng các cư dân bản địa. Có đôi tay điêu luyện trong việc may các trang phục người Mông, chị Lý Thị Dí (thôn 7, xã Cư San) tâm tình: Trang phục của người Mông phải may chuẩn từ váy, áo xẻ ngực, yếm lưng, khăn quấn đầu…Trang phục càng đẹp và ấn tượng thì điệu kèn, bài múa càng đi sâu vào lòng người hơn, hấp dẫn hơn.

Cũng như chị Dí, Lý Thị Thu (ở cùng thôn) xem múa như món ăn tình thần không thể thiếu mỗi ngày. Sự ngân vang của tiếng kèn người Mông, sự trầm bổng của những điệu Pô Khan đã khiến cho khắp các buôn làng quanh đèo Phượng Hoàng như đón nhận thêm một luồng gió mát trong phong trào văn hóa-văn nghệ. Chính những buổi giao lưu là sợi dây đặc biệt kết nối cộng đồng, xóa bỏ mọi mâu thuẫn.

Cô đỡ thôn bản Lý Thị Dung ở Ea Trang chia sẻ: Trong các buổi quây quần, già làng, các trưởng thôn cùng nhân viên tuyên truyền dân số, nhân viên y tế thôn bản lại tranh thủ phân tích cặn kẽ những cái hay, cái đẹp của nếp sống mới. Những lợi ích của việc nuôi con khỏe, dạy con ngoan, đặc biệt là nên đẻ ít, không tảo hôn. Chính vậy nên, nạn tảo hôn trong các xã ở Ma Đ’rắk giảm hẳn, nhiều người xóa hẳn tư tưởng “trời sinh voi sinh cỏ”.

Sau 45 năm chấm dứt chiến tranh, những ngày này, đi dọc các thảo nguyên quanh quốc lộ 26, thấy như cái kho phù sa khổng lồ, gom góp sự màu mỡ ban phát cho người dân nơi đây nhiều vụ mùa chắc bụng. Cả vật chất lẫn tinh thần đều phát triển.

Theo UBND xã Ninh Sim (tiếp giáp chân đèo Phượng Hoàng): Ý thức sâu sắc giá trị của cuộc sống ấm no, yên bình và những mất mát to lớn của thế hệ cha ông trong chiến tranh nên người Ninh Sim vẫn nhẩm câu cửa miệng “làm điều xấu là có lỗi tội với những người đã hy sinh”. Khi vào rừng bà con chỉ chặt cái cành, thấy dòng suối trong không được xâm hại. Hội phụ nữ, Hội nông dân xã còn thành lập hàng chục chi hội để phát triển mạnh mẽ các mô hình như: “Nuôi heo đất xây mái ấm”; “Cùng nhau bảo vệ cây thuốc quý”; “Mỗi ngày một việc tốt”; “Sáng tạo sản xuất trên thảo nguyên”…

Đến nay, Ninh Sim đã có trên 100 hộ khá giả, không còn hộ đói, trẻ em đến trường đầy đủ. Người dân đã biết trồng lúa, mía, ngô…giống mới có áp dụng khoa học-kỹ thuật để nâng cao chất lượng đời sống.


Bài và ảnh Hà Văn Đạo
Ý kiến của bạn