Hà Nội

Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số dần thay đổi nhờ cây dược liệu

01-09-2023 05:24 | Xã hội

SKĐS - Những năm gần đây, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại nhiều địa phương đã từng bước xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống nhờ phát triển nuôi trồng và hình thành các vùng chuyên canh cây dược liệu.

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế địa phương, vài năm trở lại đây một số địa phương tại huyện Phong Thổ tỉnh Lai Châu đã mở rộng diện tích trồng cây dược liệu. 

Về giá thành, cây dược liệu có giá thành khác nhau tùy theo loại cây, độ tuổi và trọng lượng. Ví như thất diệp nhất chi hoa có giá khoảng 2 triệu đồng/kg; trong khi sâm ruột vàng có giá trung bình 20-30 triệu đồng/kg, củ to có trọng lượng 1 lạng trở lên có giá 70 triệu đồng/kg. Công tác bảo vệ cây trồng được bà con chú trọng.

Một huyện khác trên địa bàn tỉnh Lai Châu là Sìn Hồ, trước thực trạng đời sống khó khăn của người dân, huyện đã lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng các cây dược liệu phù hợp như: đương quy, atisô, đỗ trọng, sâm cát cánh, thất diệp nhất chi hoa. 

Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số dần thay đổi nhờ cây dược liệu - Ảnh 1.

Đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Lai Châu từng bước ổn định cuộc sống từ trồng cây dược liệu. Ảnh: Thanh Hương

Hiện Sìn Hồ cũng đã thu hút được một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Lai Châu vào đầu tư phát triển mở rộng diện tích các cây dược liệu, từ đó tạo công ăn việc làm cho đồng bào dân tộc tại địa phương. 

Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện có gần 1.000 loài cây dược liệu; trong đó có khoảng 20 loài dược liệu quý, chủ yếu tập trung tại các huyện miền núi như: Ba kích, đinh lăng, hòe, hương nhu trắng, sa nhân, huyền sâm, xuyên tâm liên, nghệ vàng, cà gai leo… Với tiềm năng, lợi thế này, Thanh Hóa đang tập trung đẩy mạnh trồng cây dược liệu, góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào vùng cao

Hiện trên địa bàn huyện Bá Thước có 20 thành viên tham gia trồng cây dược liệu, đơn vị đã liên kết lâu dài với doanh nghiệp chuyên thu mua dược liệu thô, với sản lượng 50 tấn/năm. Nguồn cung hiện vẫn chưa đủ, do vậy, năm 2023 HTX mở rộng vùng trồng ra nhiều địa phương khác với khoảng 80 thành viên sẽ tham gia trồng cây dược liệu.

Để nhân rộng và phát triển cây dược liệu, huyện Quan Sơn đã quy hoạch vùng trồng dược liệu tập trung chất lượng cao tại khu Vũng Cộp, thuộc bản Chanh, xã Sơn Thủy, quy mô 250 ha. Đồng thời, mời doanh nghiệp tư nhân sản xuất thuốc y học cổ truyền Bà Giằng Thanh Hóa vào đầu tư, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Có thể thấy, với tiềm năng lợi thế về đất đai, khí hậu và chủ trương phát triển cây dược liệu ở Thanh Hóa, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tăng giá trị sản xuất nông nghiệp tại các huyện miền núi. Qua đó, thay đổi thói quen canh tác nhỏ lẻ, tự phát, đặc biệt là tư duy trong sản xuất của người nông dân ở vùng miền núi, từ việc chuyển đổi cây trồng có giá trị thấp sang trồng loại cây giá trị theo mô hình công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao ...

Các chuyên gia cho rằng, để nâng cao sản lượng, chất lượng, giá trị, hiệu quả kinh tế, năng lực cạnh tranh, hướng đến phát triển bền vững cho cây dược liệu, đồng thời phát huy thế mạnh, lợi thế thổ nhưỡng, kiến thức bản địa quy hoạch vùng dược liệu có quy mô sản xuất hàng hóa lớn, công nghiệp chế biến hiện đại, người dân và doanh nghiệp cần đa dạng sản phẩm từ cây dược liệu, tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh trên thị trường, sản phẩm có thương hiệu, đáp ứng yêu cầu sử dụng của người và xuất khẩu, thay thế dần các nguyên liệu, dược liệu, thuốc và thực phẩm chức năng nhập khẩu bằng các sản phẩm sản xuất trong nước...

Phát triển dược liệu được Chính phủ quan tâm đầu tư nhằm phát triển tiềm năng, lợi thế gắn với phát triển kinh tế - xã hội thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Nước ta với nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển dược liệu trở thành một ngành kinh tế kỹ thuật không chỉ phục vụ cho công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng dân tộc thiểu số miền núi, nông thôn, mà còn có thể xuất khẩu đóng góp tăng trưởng GDP cho nền kinh tế nước nhà.

Theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 sẽ đầu tư hỗ trợ phát triển dược liệu quý triển khai thí điểm theo hình thức dự án liên kết chuỗi giá trị tại 22 huyện của 21 tỉnh, với 18 dự án vùng trồng dược liệu quý và 4 dự án trung tâm nhân giống ứng dụng công nghệ cao.

Dự án đầu tư hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý gồm liên kết nhà nông (vùng đồng bào dân tộc thiểu số), doanh nghiệp, nhà quản lý, nhà khoa học, nhà bank (ngân hàng); chuỗi giá trị gồm: Bảo tồn nguồn gene, nhân giống, trồng trọt, chế biến, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Đầu tư, hỗ trợ phát triển dược liệu quý tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo "chuỗi giá trị"Đầu tư, hỗ trợ phát triển dược liệu quý tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo 'chuỗi giá trị'

SKĐS - Nước ta có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển dược liệu trở thành một ngành kinh tế kỹ thuật không chỉ phục vụ cho công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng dân tộc thiểu số miền núi, nông thôn, mà còn có thể xuất khẩu đóng góp tăng trưởng GDP.

Nguyễn Nam
Ý kiến của bạn