“Chơi vơi đứng giữa cuộc đời, cô đơn không muốn về nhà
Chờ mong ai nắm tay tôi sẻ chia và động lòng khi tôi khóc...”
Có khi nào bạn chạnh lòng khi nghe lời bài hát này, thấy như người hát nói hộ lòng mình?
Mặc dù nhiều định nghĩa về cô đơn, mô tả nó như là trạng thái ở một mình hoặc cô độc, nhưng cô đơn thực sự là một trạng thái tinh thần, thuộc cảnh giới tâm hồn. Đã ai thống kê được hết các nguyên nhân dẫn tới cảm giác cô đơn? Chẳng thể nào! Cô đơn không có một nguyên nhân chung duy nhất, vì vậy các phương pháp “điều trị” cho trạng thái tâm trí bị tổn thương này rất khác nhau. Và theo các chuyên gia, cô đơn không phải lúc nào cũng có nghĩa là chỉ có một mình. Thay vào đó, cảm giác bị cô lập và đơn độc mới là vấn đề quan trọng nhất.
Những nguyên nhân nào gây ra sự cô đơn?
Một số chuyên gia y tế cho rằng sự cô đơn có thể có mối liên hệ chặt chẽ với di truyền. Các yếu tố khác góp phần vào sự cô đơn bao gồm các biến cố có điều kiện, chẳng hạn như chuyển đến một địa điểm mới, ly hôn và sự cô lập về thể chất. Cái chết của một người quan trọng trong cuộc đời của ai đó, một chứng rối loạn tâm lý như trầm cảm, hoặc các yếu tố nội tại như lòng tự trọng thấp, sự mặc cảm tự ty… đều có thể dẫn đến cảm giác cô đơn. Những người thiếu tự tin vào bản thân đôi khi nghĩ rằng họ không đáng được người khác chú ý. Điều này cuối cùng có thể dẫn đến sự cô đơn mạn tính và tự cô lập.
Cô đơn nếu không được "điều trị" có thể nhấn chìm bạn vào cảm giác buồn bã, cô đơn mạn tính
10 cách đối phó với cô đơn
1. Khám phá đức tin của bạn
Các nghiên cứu tâm lý học đều chỉ ra những người có đức tin hay niềm tin tôn giáo hoặc tâm linh có xu hướng ứng phó tốt hơn với cô đơn. Bởi lẽ các cộng đồng đức tin sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các cuộc gặp gỡ xã hội tích cực. Nếu bạn là một thành viên trong đó, bạn không cần phải là người nổi bật, không bắt buộc phải tốt nhất, không nhất thiết có mối quan hệ mật thiết với ai đó nhưng vẫn có cảm giác thuộc về số đông. Quan trọng nhất, đức tin thường giúp mọi người đi theo một nền nếp chung mà trước đó họ có thể không kiểm soát được trong cuộc sống.
2. Hãy độc lập và thực tế
Trong cuộc sống, nếu bạn có những tiêu chuẩn, nên là những điều thực tế. Nhất là trong các mối quan hệ xã hội. Chẳng hạn bạn cần chấp nhận rằng, bạn có thể thiết lập những mối quan hệ vui vẻ tốt đẹp với nhiều người khác nhau, và điều đó là bình thường. Họ không nhất định phải trở thành bạn bè của bạn suốt đời. Ngoài ra, đừng mơ tưởng những điều không thực tế , chẳng hạn như dựa dẫm vào một người khác quá nhanh, quá nhiều hoặc mong đợi quá sớm, đòi hỏi nhiều từ một mối quan hệ mới.
3. Nghĩ xa hơn bản thân
Cô đơn chỉ là cảm giác, đó không phải là tất cả con người bạn. Nỗi buồn bã do cô đơn, sự trầm cảm có thể khiến bạn cảm thấy chìm vào bên trong bản thân mình. Chăm sóc bản thân là điều quan trọng, nhưng khả năng suy nghĩ về nhu cầu của người khác cũng là yếu tố không thể thiếu để phát triển cá nhân có ý thức. Đừng quá bận tâm với sự cô đơn của chính mình mà bỏ bê việc kết nối với những người xung quanh. Nếu nghĩ đến người khác, điều khác ngoài bản thân mình, bạn sẽ vượt qua nỗi cô đơn.
4. Tiếp cận với một người cô đơn khác
Những người cô đơn thường trở nên cô lập hơn vì họ có thể coi sự cô đơn là thứ dễ lây lan. Mặc dù hiện tại bạn đang cảm thấy cô đơn, nhưng bạn có thể nhận được sự thúc đẩy tinh thần khi tiếp cận với một người khác đang buồn bã cô đơn như bạn. Nhiều người tin rằng, có một phần thưởng tinh thần tuyệt vời dành cho những người tiếp cận và giúp đỡ với những người đang đau khổ và làm như vậy, bạn cũng có thể giúp đỡ chính mình.
5. Xem phim hoặc đọc tiểu thuyết
Bạn có thể xem một bộ phim một mình hay với một số bạn bè- điều này không quan trọng. Quan trọng là bạn đắm mình vào một câu chuyện thú vị và sẽ xóa bỏ những suy nghĩ về sự u ám và diệt vong mà sự cô đơn mang lại. Một tiểu thuyết, một cuốn sách hư cấu hay cũng có tác dụng tương tự. Một lần nữa, điều quan trọng là bạn phải gạt tâm trí của mình ra khỏi cảm giác cô đơn.
6. Tham gia hoạt động tình nguyện
Có rất nhiều bằng chứng cho thấy hoạt động tình nguyện mang lại lợi ích cho người tình nguyện cũng như người được giúp đỡ. Bằng cách tập trung vào nhu cầu của người khác, tâm trí của bạn sẽ tránh xa những suy nghĩ về sự cô đơn. Khi bạn mang đồ ăn cho người vô gia cư, tham gia vận chuyển hàng cứu trợ, đọc sách cho trẻ em ở trường tiểu học hoặc thăm hỏi người già neo đơn... chẳng còn sự cô đơn nào choán tâm trí bạn ngoài những cảm xúc tốt đẹp về tình người, về những điều ấm áp.
Nghĩ tới người khác, tham gia vào các hoạt động tình nguyện giúp đỡ cộng đồng, bạn sẽ thoát khỏi nỗi cô đơn, buồn chán- Ảnh minh họa
7. Nuôi một con vật cưng dễ thương
Một trong những khía cạnh thách thức nhất của sự cô đơn là sự cô lập và mất tương tác xã hội. Các nghiên cứu chỉ ra rằng việc sở hữu một con vật cưng có thể giúp bù đắp cho sự thiếu vắng sự đồng hành của con người và giảm bớt cảm giác cô đơn, đặc biệt là đối với những phụ nữ sống một mình. Một con mèo mềm mại hoặc một chú chó lông xù sẽ mang đến rất nhiều điều kỳ diệu nhỏ bé có tác dụng cổ vũ tinh thần bạn. Ngay cả một con cá vàng hay con chim hoàng yến xinh đẹp cũng có thể làm nên những thay đổi tích cực cho tâm trạng của bạn.
8. Đi bộ hoặc chạy
Chạy từ 15 phút trở lên mỗi ngày trong 3-5 ngày mỗi tuần có thể xua tan đáng kể cảm giác cô đơn. Hoặc 30 phút đi bộ cũng có thể cải thiện tâm trạng của bạn ngay lập tức. Thay đổi lối sống có thể không chữa khỏi sự cô đơn, nhưng chúng có thể giúp ích khi đối mặt với sự cô đơn. Điều này khoa học đã chứng minh: Khi bạn tập thể dục, cơ thể sẽ tiết ra các chất hóa học gọi là endorphin, có thể cải thiện tâm trạng và giảm thiểu cảm giác buồn bã mà cô đơn mang lại.
9. Xem lại ảnh cũ
Lấy những bức ảnh cũ ra và hồi tưởng những ngày tháng tươi đẹp với một người bạn, hoặc người thân. Nhớ lại những ngày đã qua từ lâu của bạn, và những khoảnh khắc riêng tư, những kỷ niệm sẽ khiến bạn tràn ngập nỗi nhớ... Và những ký ức bị lãng quên từ lâu trở về sẽ khiến bạn quên đi tất cả nỗi cô đơn.
10. Liệu pháp hành vi nhận thức và các loại trị liệu khác
Nghiên cứu cho thấy những người càng cô đơn, càng cảm thấy chán nản. Đáng ngại là sự cô đơn có xu hướng trầm trọng hơn khi ở bên những người khác, giữa một đám đông. Kết quả là, sự gặp gỡ không đem lại tác dụng chữa lành cho người cô đơn. Khi rơi vào trường hợp này, bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ tâm lý để được hướng dẫn liệu pháp tâm lý hoặc những phương thức trị liệu khác, đặc biệt nếu sự cô đơn đi kèm với chứng trầm cảm. Một số liệu pháp hành vi nhận thức có thể thay đổi cách bạn suy nghĩ và hành động, để giúp bạn bớt cô đơn hơn và làm được nhiều việc tích cực hơn với cuộc sống của bạn. Quan trọng nhất là để ngăn chặn sự cô đơn trở thành mạn tính.